Ths. BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân Dương Thị M., 34 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốc nhẹ, bỏng khá sâu ở vị trí mặt, cổ, ngực, tay.
Trước đó, bệnh nhân M. trong khi tháo chùm bóng bay sau lễ thượng thọ của người nhà khiến bóng phát nổ. Chùm bóng kép 20 quả lớn và 20 quả nhỏ lồng trong bóng được gia đình mua trang trí cho tiệc sinh nhật 70 của bà. Sau bữa tiệc sinh nhật, mọi người gom bóng lại để mang về cho trẻ em chơi. Khi ra ngoài, M. cùng vài người nữa đang lấy chùm bóng ra khỏi túi bóng thì cả chùm phát nổ, cháy chùm lên mặt, tay của M. 4 – 5 người khác đứng xa hơn nên chỉ bị bỏng nhẹ ở tay. Bác sĩ Thống cho biết, khi 1 quả bóng phát nổ sẽ kéo theo hàng loạt quả bóng dính liền bị nổ theo, gây cháy.
Bác sỹ Thống thăm khám cho bệnh nhân bị bỏng bóng bay
Tại khoa Bỏng, hiện cũng có một trường hợp đang điều trị vì bị bỏng khí hydro. Đó là một bệnh nhân nữ 23 tuổi, cô là nạn nhân của bóng bay phát nổ đã điều trị được 15 ngày. Cô gái này cho biết, hôm 14/2, tổ chức tiệc cho công ty, cô mua 55 quả bóng bay bơm khí. Khi cô và một người bạn nữa đưa chùm bóng bay từ sảnh chính vào một phòng nhỏ không có cửa sổ, nóng hơn phòng ở ngoài sảnh chính, thì bất ngờ chùm bóng phát nổ, khiến cô bị cháy xém tóc, mặt và tay. Cô gái đi cùng nhẹ hơn nên được xuất viện trước.
Bệnh nhân M sau 3 ngày điều trị
BS Thống cho biết, mỗi năm chúng tôi tiếp nhận hàng chục ca nổ bóng bay. Nhiều người thường chủ quan, cho rằng đây là loại đồ chơi cho trẻ em, không nguy hiểm. Nhưng thực tế nguy cơ là ở chính khí hydro trong quả bóng gây ra. Chỉ cần một sự cọ sát nhẹ, một tàn lửa bay do thuốc lá đều có thể gây cháy, nổ. Khi một quả bóng bay phát nổ kéo theo tất cả quả bóng bay gần đó nổ theo.
BS Thống cảnh báo, việc cho trẻ em chơi bóng bay mà không có sự giám sát của người lớn rất nguy hiểm. Vì trẻ em thường nghịch ngợm, khi chơi chúng có thể đè nén quả bóng hay chơi cạnh những người đang hút thuốc dễ xảy ra tai nạn. Hay một quả bóng bay cũng có thể tự phát nổ do kéo, cọ, hoặc do thời tiết quá nóng, gió to... đều rất dễ gây nổ do khí hydro.
Nổ bóng bay thường không gây bỏng sâu, nhưng khi nổ bóng lại gây hậu quả nặng nề về mặt thẩm mỹ. Như bệnh nhân M., chỉ sau khoảng 2 tuần nữa bệnh nhân sẽ hồi phục nhưng nhiều khả năng để lại di chứng biến đổi sắc tố trên da, chỗ đen, chỗ thâm, chỗ trắng loang lổ. Ở vùng ngực để lại sẹo do đây là vùng tổn thương nặng nhất. Cũng có những bệnh nhân cơ địa sẹo lồi, bỏng sâu gây sẹo lồi co dính.
“Việc biến đổi sắc tố da sau bỏng rất lâu bình phục ảnh hưởng đến thẩm mỹ khá nặng nề”, BS Thống nói.
BS Thống lưu ý, khi cho trẻ chơi bóng cần giám sát để tránh xa lửa, chơi quả nhỏ ít một để không gây sự cọ xát, nổ “cộng hưởng” cả chùm, không mang bóng bơm khí vào trong ô tô. Người bán bóng khi cầm cả chùm bóng lớn cũng phải rất thận trọng sự thay đổi môi trường, cọ xát để phòng nguy cơ nổ. “Việc mang bóng vào ô tô nhiều nhà vẫn chiều con trẻ, rất nguy hiểm bởi môi trường kín, áp lực lớn hơn nên khi xảy ra nổ, sát thương cũng nặng hơn.
Cách sơ cứu bỏng do nổ bóng bay
Bác sĩ Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bỏng do nổ bóng bay là một loại bỏng do nhiệt nên khi sơ cứu cũng giống với bỏng nhiệt. Nếu bị cháy quần áo, cần dập tắt lửa cho nạn nhân, làm lạnh vùng bỏng bằng cách tưới rửa, ngâm trong nước sạch, sau đó băng phủ lên chỗ bỏng một lớp gạc sạch rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Người dân cần lưu ý là nếu quần áo bị dính chặt vào chỗ bỏng, không nên kéo quần áo ra sẽ gây trợt da.