Tại buổi họp báo, Bộ Tài chính đã cung cấp và công bố kết quả kiểm tra thực hiện kê khai giá cước vận tải trong thời gian qua. Theo đó, tính đến hết tháng 12/2015, giá cước vận tải bằng ô tô đã điều chỉnh giảm 1 đợt (Giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92%-26,32%, phổ biến giảm từ 3-10%, Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3-21,7% (phổ biến giảm từ 5-10%).
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đã thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại 4 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội, Cần Thơ), với việc triển khai đồng bộ công tác kiểm tra tình hình thực hiện quy định về quản lý giá cước, các đơn vị kinh doanh vận tải đã tính toán phương án giảm giá cước.
Trong tháng 01/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập 3 Đoàn kiểm tra bình ổn giá dịp tết trong đó có kiểm tra về kê khai giá cước, giảm giá cước vận tải tại 15 tỉnh thành phố. Mặt khác, để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc thực hiện kê khai giảm giá cước, Bộ trưởng Bộ tài chính thành lập bổ sung 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 40 đơn vị kinh doanh vận tải tại các địa phương có lượng hành khách xử dụng taxi và các tuyến vận tải cố định bằng ô tô lớn tại 3 khu vực Miền Bắc (Tp. Hà Nội); miền Trung (Tp. Đà Nẵng); miền Nam (gồm: Tp.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai). Trong đó tập trung vào kiểm tra vận tải hành khách bằng taxi (26 đơn vị) và vận tải hành khách tuyến cố định (14 đơn vị).
Bộ Tài chính cho biết, qua công tác kiểm tra cho thấy, các đơn vị được kiểm tra chấp hành đầy đủ quy định về niêm yết giá vé, thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước, mức giá kê khai tương đối phù hợp với biến động chi phí đầu vào, yếu tố giảm giá nhiên liệu và tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải. Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp hoặc còn có đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định chưa điều chỉnh giảm giá.
Những đơn vị kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp, cần phải giảm tiếp, bị liệt kê tên. Như tại Hà Nội, kiểm tra 16 công ty taxi thì có 3 công ty taxi giảm giá còn nhỏ giọt. Đó là công ty TNHH Mạnh Trường Bình, công ty CP dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài và Hợp tác xã vận tải Nội Bài.
Hà Nội kiểm tra 4 công ty xe khách thì có 2 công ty lớn còn "chây ỳ" giảm ít là Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội và Chi nhánh Hà Nội của Công ty TNHH Hoàng Long.
Tại Đà Nẵng, đoàn công tác liên ngành chỉ kiểm tra 2 công ty taxi và 2 công ty xe khách. Trong đó, đoàn phát hiện 1 trường hợp taxi giảm giá còn mang tính hình thức là công ty cổ phần taxi Mai Linh miền Trung. Cả 2 công ty xe khách cũng đều giảm ở mức quá khiêm tốn gồm công ty CP xe khách và dịch vụ thương mại Đà Nẵng và Công ty CP vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân. Đặc biệt, riêng công ty Hải Vân còn có 10 tuyến chưa giảm giá tại thời điểm kiểm tra.
Đáng chú ý, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với HTX vận tải đường bộ TP. Thủ Dầu Một (tại Bình Dương) về hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định, thiếu bảng giải trình chi tiết các khoản chi phí vận tải kèm theo hồ sơ kê khai giá cước, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 109/2013/NĐ-CP. Đoàn kiểm tra đã đề nghị làm thủ tục chuyển trường hợp này sáng Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Tính từ ngày 18/7/2014 đến thời điểm ngày 21/1/2015, giá xăng đã giảm 38,9%, giá dầu giảm 33,1%. Giá xăng, dầu giảm đã tác động đến giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải, tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp vận tải ô tô có sự khác nhau do tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong giá thành (cơ cấu giá cước vận tải đối với xăng chiếm từ 25-35% giá thành-chủ yếu là taxi, dầu chiếm khoảng 35-40% -chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa, ngoài ra còn các chi phí khác như chi phí khấu hao, nhân công…).
Đối với các đơn vị kê khai giá với mức giảm giá chưa phù hợp với biến động giảm giá xăng dầu và chi phí đầu vào, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính địa phương có văn bản yêu cầu các đơn vị này tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá và xử lý vi phạm hành chính hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải bằng ô tô trên, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý kê khai giá cước vận tải trên các tuyến đối lưu (2 chiều) giữa hai địa phương. Trong đó tăng cường thực hiện công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các đơn vị chưa thực hiện kê khai giá trên các tuyến kinh doanh đang hoạt động./.