Doanh nghiệp vận tải " ngầm bắt tay" để neo giá cước?

(PLO) - Bộ Tài chính khẳng định, nhìn chung, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước và kê khai với cơ quan quản lý là tương đối phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá của xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều người dân và chuyên gia cho rằng, cước vận tải giảm như vậy vẫn còn rất chậm và chưa tương xứng với giá xăng dầu.
Doanh nghiệp vận tải " ngầm bắt tay" để neo giá cước?
Bộ Tài chính: “Giảm cước vận tải tương đối phù hợp với giá xăng dầu”
Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi, nắm tình hình cho thấy nhiều đơn vị vận tải bằng xe ô tô đã thực hiện giảm giá cước vận tải và kê khai lại giá với Sở GTVT và Sở Tài chính địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chưa thực hiện kê khai giảm cước trong khi giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 12/2014.
Đối với các đơn vị chưa thực hiện kê khai giá, cơ quan chủ trì tiếp nhận kê khai giá cước có văn bản yêu cầu các đơn vị phải tính toán chi phí nhiên liệu trong giá thành để kê khai giảm giá cước vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu.
Đối với các đơn vị đã kê khai giảm giá cước, yêu cầu các đơn vị này tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu để kê khai lại theo đúng quy định.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị  không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP (cụ thể, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định).
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác liên ngành Tài chính - Giao thông vận tải kiểm tra tình hình thực hiện quản lý giá cước, đánh giá tác động giá xăng dầu đến giá cước vận tải tại một số địa phương.
Theo thống kê diễn biến giá cước vận tải thời gian qua của Bộ Tài chính, đối với cước vận tải đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh giảm 10% giá vé tất cả các loại chỗ. Về cước vận tải đường bộ bằng xe ô tô, theo báo cáo của trên 40 địa phương thì giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92%-26,32% (phổ biến giảm từ 3-10%). Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3-21,7% (phổ biến giảm từ 5-10%).
Bộ Tài chính cũng cho biết, số lượng các đơn vị kinh doanh vận tải giảm giá cước vận tải và kê khai lại giá đã tăng lên theo thời gian, cụ thể tại 3 thành phố lớn. Theo báo cáo của trên 40 địa phương gửi về, Bộ Tài chính đánh giá, nhìn chung, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước và kê khai với cơ quan quản lý là tương đối phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá của xăng dầu. 

Thành phố

Tính đến tháng 11/2014

Tínhđếntháng 12/2014

Số lượng

đơn vị giảm giá

Tỷ lệ giảm

Số lượng

đơn vị giảm giá

Tỷ lệ giảm

Hà Nội

Taxi

52

2-10%

64

2-10%

Tuyến cố định

6

4,6-10%

11

4,6-10,6%

Vận tải hàng hóa

2

3,4-3,9%

2

3,4-3,9%

Hồ Chí Minh

Taxi

7

2,7-9%

25

3-9%

Tuyến cố định

28

2-11,33%

42

2-14%

Đà Nẵng

Taxi

6

3-32%

6

3-32%

Tuyến cố định

1

8,3%

Vận tải hàng hóa

4

3-18%

Theo Bộ Tài chính, đối với vận tải bằng ô tô, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% giá thành vận tải đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa). Với mức giảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại khoảng 27% so với mức giá tại ngày 01/01/2014, nếu, cố định các yếu tố chi phí khác (khấu hao, trả lương nhân công, bễn bãi, phí đò phà...) thì giá cước vận tải giảm trung bình từ 3-10% là tương đối phù hợp.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, đối với vận tải hàng không nội địa, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5%, mức giảm giá trần 15% là phù hợp với tình hình giá nhiên liệu đầu vào (nếu cố định các yếu tố phí khác).
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Giá nêu rõ: “Tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp có sự chênh lệch do: đối với các đơn vị giữ ổn định giá cước đã kê khai từ năm 2011-2012 thì không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh trên dưới 1%; đối với các đơn vị kê khai giá từ năm 2013 thì tỷ lệ giảm trên dưới 10%; đối với các đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014 (giai đoạn giá xăng dầu tăng) thì tỷ lệ giảm giá sâu hơn, trên dưới 20%”.
Giảm như vậy đã là hợp lý?
Theo khảo sát của PV, hiện tại, hàng loạt các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa tiến hành giảm giá theo diễn biến giá xăng dầu. Nhiều người dân cũng bày tỏ thái độ bất bình trước thực trạng này. Đại diện Bến xe Mỹ Đình cho biết, từ đầu năm đến nay, có khoảng 15 doanh nghiệp đăng ký giảm giá vé. Tuy nhiên, các DN đa phần chỉ giảm 5-7%. Số  ít doanh nghiệp đăng ký giảm tối đa 12%. Đại diện Bến xe phía Nam cũng cho hay, đơn vị mới nhận được đăng ký giảm giá của khoảng 10 doanh nghiệp, tuy nhiên mức giảm phổ biến chỉ từ 3 -5%. 
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc các doanh nghiệp chậm giảm giá hoặc chỉ giảm không đáng kể một phần là do có sự bắt tay, thỏa thuận ngầm về giá giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Ngoài ra, một phần do cơ quan quản lý giá chưa thực sự mạnh tay trong việc này. Bên cạnh đó, những kẽ hở trong chế định về giá cước vận tải cũng được cho là có khe hở để các doanh nghiệp “lách” luật. Cụ thể, theo Nghị định số 177/2013/CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá cũng như Thông tư liên tịch 152 giữa Bộ Giao thông và Tài chính chỉ quy định, các doanh nghiệp nếu muốn điều chỉnh giá cước tăng quá 3% thì phải thực hiện kê khai lại. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giám như thế nào thì chưa có quy định rõ?
Trao đổi với báo chí, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho hay, giá cước vận tải không thuộc khung giá Nhà nước quản lý mà thả nổi theo cơ chế thị trường. Nếu thu giá cao, khách hàng sẽ quay lưng với doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có thời điểm kê khai giá vận tải khác nhau. Vì vậy, muốn kiểm tra doanh nghiệp giảm giá bao nhiêu là đúng, phải kiểm tra họ kê khai giá ở thời điểm nào, lúc giá tăng cao hay thấp. 
Nhiều doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá cước.
Nhiều doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá cước. 
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), thực tế, giá xăng dầu giảm đến lần thứ 13, tức trên 30% mà giá cước vận tải hầu như không giảm hay giảm nhỏ giọt là chưa tương xứng. Điều này phản ánh cơ chế phối hợp quản lý giữa các bộ liên quan chưa thích ứng với diễn biến thị trường.
“Sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá cước”
Để tiếp tục kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá cước của các đơn vị, trong thời gian tới Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp triển khai một số công việc.
Với chức năng quản lý giá chuyên ngành giao thông vận tải, Bộ GTVT có công điện số 120/CĐ-BGTVT ngày 23/12/2014 chỉ đạo các địa phương kiểm tra kê khai giá, niêm yết giá cước, thực hiện giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Trong tháng 01/2015 Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại một số địa phương (Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ).
Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc công văn số 18757/BTC-QLG ngày 23/12/2014 nêu trên. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 06/1/2015 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết nguyên đán Ất mùi năm 2015. Trong đó có nội dung chỉ đạo các Sở Tài chính chủ động tiếp tục phối hợp với Sở GTVT yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải giảm cước phù hợp diễn biến giá nhiên liệu nhằm hạn chế tình trạng neo giá bất hợp lý; giám sát chặt chẽ đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện mức giá đã kê khai, nhất là xe chạy liên tỉnh, đường dài; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải công bố công khai mức giá cho hành khách đi xe biết; xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tàu, vé xe; công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vào dịp tết nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại địa phương , trong đó có tình hình triển khai quản lý giá cước vận tải hành khách bằng ôtô.
Hiện tại, các địa phương vẫn tiếp tục rà soát, kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu, tình hình thị trường và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp và cập nhật báo cáo gửi về Bộ Tài chính./.

Đọc thêm