Bewaco đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hạn mặn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với loạt giải pháp chủ động ứng phó xâm nhập mặn 2023 - 2024, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre (Bewaco) vẫn đảm bảo đủ lưu lượng áp lực nước cấp ra mạng lưới với chất lượng nằm trong giới hạn cho phép. Theo đó, chi phí cho công tác ứng phó ước tính hơn 10 tỷ đồng.
Đập tạm Thành Triệu. Ảnh: Minh Đảm
Đập tạm Thành Triệu. Ảnh: Minh Đảm

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 bắt đầu từ cuối tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, đỉnh điểm của đợt xâm nhập mặn vào tháng 3/2024 thời điểm này mặn xâm nhập lên thượng nguồn sông Ba Lai, Hàm Luông và sông Tiền ảnh hưởng đến hầu hết các trạm nước thô của Bewaco. Nhìn chung tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 diễn biến phức tạp và gay gắt hơn nhiều so với mùa khô năm 2022-2023.

Để chủ động ứng phó xâm nhập mặn, UBND tỉnh Bến Tre và các sở, ngành có liên quan đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước không nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu sử dụng nước của Nhân dân. Trong đó, Bewaco đóng vai trò nòng cốt trong việc phối hợp các đơn vị cung cấp nước sạch đến các người dân vùng hạn mặn.

Tại các vị trí của Bewaco đều có thực hiện quan trắc độ mặn online và đo thủ công (bằng bút đo mặn). Một số trạm bơm cấp 1 chính của Bewaco phải ngưng hoạt động trong thời gian dài, đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cấp nước của đơn vị, gây nên tình trạng nước yếu cục bộ tại một số địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm…

Tuy nhiên với sự chủ động ứng phó kịp thời, Bewaco vẫn đảm bảo đủ lưu lượng áp lực nước cấp ra mạng lưới với chất lượng nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật địa phương QCĐP 01:2022/BTr (độ mặn dưới 300 mg/l) trên các địa bàn thuộc vùng phục vụ của Bewaco.

Tầm nhìn xa với các công trình dài hạn

Ông Trần Thanh Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cho biết: “Năm nay sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre ứng phó hạn mặn rất quyết liệt, đi trước đón đầu, đạt hiệu quả. Không tính ngày nghỉ, lễ, ngày hay đêm, chúng tôi đều hướng đến mục tiêu cao nhất là hạn chế hết mức có thể tác hại của xâm nhập mặn đến đời sống của người dân. Và kết quả, chúng tôi không chỉ chủ động cung cấp nguồn nước tại Bến Tre mà còn hỗ trợ nước sạch cho vùng hạn mặn ở tỉnh lân cận”.

Ông Trần Thanh Bình - Tổng giám đốc Bewaco. Ảnh: Nhựt Nam

Ông Trần Thanh Bình - Tổng giám đốc Bewaco. Ảnh: Nhựt Nam

Theo đó, các hạng mục công trình ứng phó mặn đã được đầu tư xây dựng từ năm 2019 đã và đang được vận hành để phát huy hiệu quả ngăn mặn nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất như kiểm tra và sửa chữa định kỳ bảo đảm nước, tăng hiệu quả lắng, xử lý nước tại Nhà máy nước Sơn Đông, An Hiệp, Chợ Lách (thuộc Chi nhánh Cấp nước Chợ Lách)… Hồ chứa nước ngọt thô với dung tích trữ nước 4.000 m3, hút bùn hồ chứa bùn, lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm nước từ hồ chứa và dây chuyền xử lý nước…

Nhà máy nước Hữu Định (thuộc Chi nhánh Cấp nước Phú Tân) thường xuyên vận hành bảo dưỡng hệ thống RO lọc mặn công suất 3.000 m3/ngày đêm để sẵn sàng vận hành cấp nước ngọt và bảo dưỡng máy bơm nước thô dã chiến (lấy nước kênh Thương Phế Binh thuộc lưu vực sông Mã khi nước sông Ba Lai mặn).

Tuyến ống cấp nước từ Chi nhánh cấp nước Phú Tân được đưa vào vận khai thác để cung cấp nước KCN Giao Long, cụm công nghiệp Long Phước lắp trạm bơm cấp 1 dã chiến nhà máy nước Hữu Định năm 2024.

Nhà máy nước Lương Quới (thuộc Chi nhánh Cấp nước Giồng Trôm) đã thay thế đường ống công nghệ cụm xử lý nước công suất 150 m3/ngày đêm; Đưa vào vận hành trạm cung cấp điện 400 kVA đảm bảo nguồn điện cung cấp cho nhà máy; Tiếp tục mua nước NMN Hoàn Sinh với sản lượng 8.000 m3/ngày đêm vào mùa hạn mặn theo như hợp đồng đã ký kết; Di dời hệ thống lọc mặn RO công suất 3.000 m3/ngày đêm từ Chi nhánh CN Phú Tân về lắp đặt tại NMN Lương Quới.

Trạm bơm tăng áp Hàm Luông (thuộc Chi nhánh Cấp nước Mỏ Cày) vận hành hiệu quả 02 bể chứa nước sạch đảm bảo công tác tích trữ nước phục vụ bơm ra mạng lưới. Trạm bơm nước sạch đã được đầu tư thay mới trong năm 2022 để bơm tăng lưu lượng ra mạng lưới.

Ứng biến nhanh, tận dụng mọi nguồn lực

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, trong đợt xâm nhập mặn này Bewaco thuê 05 thiết bị quan trắc đo độ mặn online để giám sát độ mặn từ xa, lắp tại 05 vị trí (03 trạm trên sông Hàm Luông, 02 trạm trên sông Tiền) đồng thời theo dõi bản tin của ngành thủy văn.

Bewaco nhanh chóng phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi, vận hành hệ thống cống dọc sông Hàm Luông, sông Ba Lai, sông Tiền. Tại cống Tân Phú (tăng cường vận hành hệ thống 6 bơm công suất 12.000 m3/giờ/bơm) để bơm nước vào thượng nguồn sông Ba Lai.

Ngoài ra, đơn vị còn thuê 2 tàu bơm (công suất 2.000 m3/giờ) và mượn thêm 2 thuyền bơm (công suất 4.000 m3/giờ) của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, tăng cường bơm nước tại Đập tạm Thành Triệu vào lưu vực trữ nước Thành Triệu - An hiệp - Tường Đa - Sông Mã với trữ lượng ước đạt khoảng 1,2 triệu m3 nước.

Bewaco thuê 2 máy bơm công suất 900 m3/giờ đặt tại cầu Thành Triệu để dự phòng thay cho Trạm bơm nước thô Cái Cỏ khi Đập thép tạm ngăn mặn rạch Cái Cỏ không thi công kịp sẽ tiến hành bơm nước trong lưu vực trữ nước Thành Triệu cấp cho 2 nhà máy nước An Hiệp, Sơn Đông (thay thế cho Trạm bơm Cái Cỏ khi mặn tại Cái Cỏ vượt tiêu chuẩn cho phép).

Song song đó, đơn vị mượn hệ thống RO lọc mặn công suất 10 m3/giờ của Công ty cấp nước Hà Lan, mua nước ngọt thô từ sà lan bơm vào hệ thống xử lý của nhà máy tại Chi nhánh cấp nước Chợ Lách 14.000 m3 (thời điểm độ mặn nước thô tại Nhà máy Chợ Lách vượt quy định).

Nhân viên Bewaco trực tiếp đo mặn xuyên suốt 15-30 phút/1 lần tại các khu vực cống Tân Phú. Ảnh: Nhật Trường

Nhân viên Bewaco trực tiếp đo mặn xuyên suốt 15-30 phút/1 lần tại các khu vực cống Tân Phú. Ảnh: Nhật Trường

Điều đặc biệt quan trọng là Bewaco thường xuyên cử cán bộ nhân viên trực tiếp đo mặn xuyên suốt 15-30 phút/1 lần tại các khu vực cống Tân Phú, đập tạm Thành Triệu, cầu kênh Xáng, cầu Sửa, Vàm Giáp Ba Lai… nhằm để đóng mở cống lấy nước khi đỉnh triều và bơm nước khi chân triều có độ mặn thấp vào lưu vực trữ nước.

Nước trên sông Ba Lai từng thời điểm khi đóng các cống Bến Rớ, Kinh Điều, Cái Sơn và khi đóng mở công Tân Phú đều được đo độ mặn từng chặn tại cầu Sữa, cầu Phú Thành, cầu Đò, cầu Miễu Trắng, cầu Kênh Xáng, cầu hai Xê, cầu Phú Long, cầu Tường Nguyên, Cầu Ba Lai, trong và ngoài cống Tân Phú, ghi nhận và đánh giá, đồng thời xác định biên độ mặn khi lần lượt đóng các cống.

Mặt khác, việc vớt lục bình trên kênh Sông Mã kênh, Thầy Năm Dọm và kênh Thương Phế Binh để tạo dòng chảy thông thoáng cũng được Bewaco chú trọng thực hiện.

Hơn 10 tỷ đồng ứng phó xâm nhập mặn

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình ứng phó xâm nhập mặn năm nay, ông Trần Thanh Bình cho biết gặp một số hạn chế như: Hệ thống kênh rạch bị bồi lắng, dòng chảy bị thu hẹp nên ảnh hưởng đến khối lượng nước tích trữ tại lưu vực trữ nước Thành Triệu - An hiệp - Tường Đa - Sông Mã. Hệ thống cống đập sông Ba Lai chưa khép kín. Một bộ phận người dân chưa có ý thức sử dụng tiết kiệm nước sạch và bảo vệ môi trường trong khu vực ngăn mặn trữ ngọt, nên phải thường xuyên thau rửa để làm giảm mức độ ô nhiễm nguồn nước.

Chi phí dành cho công tác ứng phó xâm nhập mặn và những thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra quá cao. Tính đến thời điểm hiện tại tổng chi phí là hơn 10 tỷ đồng bao gồm: mua nước sạch của Công ty TNHH MTV giải pháp công nghệ nước và Môi trường Đỗ Hoàn Sinh, bơm nước vào lưu vực trữ nước, thuê xe vận chuyển nước sạch cho người dân các địa bàn nước yếu, mua nước ngọt thô Chợ Lách,…

Bewaco thuê xe vận chuyển nước sạch bơm tiếp áp vào mạng lưới cấp nước một số khu vực huyện Mỏ cày Nam (cấp cho xã Định thủy, Phước Hiệp), huyện Mỏ Cày Bắc (cấp cho xã Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi, Thanh Tân, Thành An, Hưng Khánh Trung A, Tân Phú Tây), huyện Giồng Trôm (cấp vào NMN Lương Quới để bơm ra mạng, xã Phước Long).

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về hiệu quả công trình cống Tân Phú, Bến Rớ. Ảnh: Minh Đảm

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về hiệu quả công trình cống Tân Phú, Bến Rớ. Ảnh: Minh Đảm

Riêng đối với huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, Bewaco hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho người dân tỉnh theo thư ngỏ ngày 27/3/2024 của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang. Bewaco đã hỗ trợ 2 xe bồn chở nước dung tích 5 m3/xe thời gian 21 ngày trong tháng 3 năm 2024 để hỗ trợ vận chuyển nước ngọt cho người dân từ TP Mỹ Tho đến huyện Gò Công Đông và cung cấp nước sạch miễn phí cho các đoàn từ thiện vận chuyển cho người dân ở khu vực hạn mặn nghiêm trọng.

Để ghi nhận thành quả và sự nỗ lực của tập thể Bewaco, bên cạnh việc xem xét khen thưởng cho đơn vị này, ngày 14/6/2024, UBND tỉnh đã đề xuất Bewaco được công nhận doanh nghiệp tiêu biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi làm việc ngày 12/3/2024 tại UBND tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác ứng phó hạn, mặn của tỉnh Bến Tre để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Các đơn vị cấp nước đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý, xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước, vận hành linh hoạt các phương án cấp nước…

Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500m³/giờ (khoảng 250.000 m³/ngày đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý.

Đọc thêm