Bí ẩn 'dòng sông sát nhân'

(PLO) -Dòng sông dài hơn 6km nằm sâu trong trái tim của Amazon ở Mayantuyacu, Peru, lúc nào cũng bốc khói nghi ngút vì hơi nóng của dòng nước. Điều đặc biệt là con sông này không hề nằm trên một ngọn núi lửa nào nhưng nó có thể nấu chín những loài động vật nhỏ chẳng may rơi xuống. 
Những hình ảnh về dòng sông nước nóng Shanay- Timpishka.
Những hình ảnh về dòng sông nước nóng Shanay- Timpishka.

Hàng thế kỷ qua, người bản địa Asháninka sinh sống trong khu rừng Amazon đã biết về dòng sông nước nóng huyền bí này, họ gọi nó là “Shanay- Timpishka”, nghĩa là “sôi bởi sức nóng của mặt trời”.

Dòng sông nước nóng Shanay-Timpishka dài 6,24km , rộng đến 25 mét và sâu 6 mét, nhiệt độ của con sông thường dao động từ 50-90 độ C, ở một số nơi trên dòng sông nhiệt độ gần như đạt đến điểm sôi 100 độ C và có thể luộc chín ngay lập tức sinh vật bé nhỏ nào. 

Chỉ là truyền thuyết

Dòng sông Shanay-Timpishka từ lâu đã trở thành huyền thoại của rừng rậm Amazon vì hiện tượng kỳ lạ. Người dân bản địa ở đây nói rằng có một truyền thuyết về con sông, rằng nó có sức nóng như vậy là do Yacumama- một con rắn khổng lồ được sinh ra ở những vùng biển nóng và lạnh gây nên. Thậm chí, ở ngay thượng nguồn con sông còn có một tảng đá lớn có hình dạng rất giống đầu rắn, là minh chứng cho truyền thuyết cổ đại này.

Lớn lên ở Peru, anh Andrés Ruzo từ nhỏ đã được nghe những câu chuyện kỳ lạ về dòng sông này. Thậm chí cho đến khi nhận được tấm bằng tiến sỹ về địa chất học, Andrés Ruzo vẫn tò mò về những gì đang diễn ra với dòng sông huyền bí này. Lần đầu tiên nghe nói về con sông này là khi ông nội anh kể câu chuyện người Tây Ban Nha tìm đến đây, giết chết Hoàng đế Inca cuối cùng, sau đó tiến sâu vào rừng để tìm vàng.

Những người may mắn sống sót quay trở về đều kinh hãi kể về những thứ đáng sợ như nước độc, rắn ăn thịt người và dòng sông nước sôi đến 100 độ C… 20 năm sau, khi nghe lại câu chuyện từ người dì của mình trong một bữa ăn tối cùng gia đình: “Dòng sông đó là có thật, dì đã ở đó, nhìn thấy và tắm trên dòng sông ấy”.

Năm 2011, được người dì dẫn đường, nhà khoa học trẻ Ruzo cuối cùng đã tìm thấy dòng sông, và xác nhận rằng dòng nước thực sự đạt đến nhiệt độ sôi gần 100 độ C. “Chỉ cần vài giây thôi dòng nước này cũng khiến tay tôi bị bỏng ở cấp độ 3 và nếu bị rơi xuống đó thì chắc chắn là tôi sẽ không thể sống sót quay về”, Ruzo nói. 

Nhưng điều khiến anh thích thú không phải nhiệt độ mà là kích thước của nó, Andrés Ruzo cho biết suốt nước nóng hay hồ nước nóng có nhiệt độ tương tự không phải là hiếm gặp nhưng chúng đều là dạng nhỏ, trong khi dòng sông Shanay-Timpishka dài 6,24km , rộng đến 25 mét và sâu 6 mét. 

Bằng cách nào đó, kỳ quan thiên nhiên này đã không được nhiều người biết đến trong hàng thập kỷ năm qua. Ngoại trừ một số tài liệu tham khảo vô danh trong tạp chí dầu khí từ những năm 1930, không có tài liệu khoa học nào nói về dòng sông này.

Mỗi năm chỉ có một số ít du khách tới thăm dòng sông này để trải nghiệm phương pháp chữa bệnh của người dân Asháninka, còn lại hầu như là không biết đến sự tồn tại của con sông kỳ lạ này. Đối với người Peru thì nó chỉ là dòng sông huyền thoại và hầu hết các nhà địa chất học đều phủ nhận sự tồn tại của nó vì trên thực tế cần phải có một lượng địa nhiệt nóng rất lớn như núi lửa mới có thể đun sôi cả toàn bộ các khúc sông rộng như vậy. 

Những hình ảnh về dòng sông nước nóng Shanay- Timpishka.
Những hình ảnh về dòng sông nước nóng Shanay- Timpishka.

Bắt đầu tìm hiểu

Sự bí ẩn của con sông đã hấp dẫn trí tò mò, anh bắt tay vào tìm hiểu, tự mình vẽ ra bản đồ địa nhiện toàn diện của Peru, bao gồm các phần của Amazon. Ý tưởng này của anh đã bị nhiều người cho là một điều vô lý, ngay cả cố vấn luận án của anh cũng nghĩ rằng anh nên ngừng khám phá điều này. Anh cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ những chuyên gia lớn tuổi khi anh hỏi về hiện tượng kỳ  lạ của dòng sông nóng trăm độ kia. 

Tuy nhiên, không vì thế mà từ bỏ, anh Ruzo bắt đầu tự hỏi tại sao một dòng sông nước nóng kia có thể tồn tại trong lòng Amazon, nơi nằm cách xa hàng trăm dặm với bất kỳ núi lửa nào đang hoạt động, trong khi chỉ có những dòng nước quanh khu vực núi lửa mới có thể đạt tới trạng thái như vậy.

“Tôi là một nhà khoa học địa nhiệt và tôi tin rằng dòng sông nước nóng không cần đến núi lửa là có tồn tại. Tôi nghĩ một loại năng lượng nào đó đã làm nước nóng lên mà không cần đến núi lửa”, anh Ruzo nói, “Sự kỳ lạ của con sông khiến tôi phải đặt câu hỏi về ranh giới giữa biết và không biết, cổ xưa và hiện đại, khoa học và tâm linh. Dòng sông cho chúng ta thấy rằng điều kỳ diệu vẫn luôn hiện hữu quanh ta.” 

Trong quá trình tìm hiểu, anh Ruzo cũng bắt đầu viết cuốn sách: “Dòng sông nước nóng: Cuộc phiêu lưu và khám phá ở Amazon”. Anh đã tiến hành nghiên cứu địa chi tiết về địa nhiệt của con sông và cùng với đồng nghiệp của mình là các nhà sinh thái để điều tra về các loại vi sinh vật sống ở vùng nước nóng.

Anh Ruzo hy vọng rằng, cuốn sách sẽ thu hút sự chú ý của mọi người về kỳ quan thiên nhiên này, đồng thời làm giảm đi những mối đe dọa đang ngày càng gia tăng đối với dòng sông khi nạn khai thác gỗ bất hợp pháp đang diễn ra ở đây. 

Khi quan sát, anh Ruzo cũng mô tả chi tiết về những con vật vô tình rơi xuống dòng sông. “Điều đầu tiên nhận thấy rõ nhất là đôi mắt. Mắt của chúng nhanh chóng bị dòng nước nóng biến thành màu trắng đục. Chúng cố bơi ra khỏi dòng nước, nhưng thịt của chúng bắt đầu chín và nước nóng thấu đến tận xương. Chúng bắt đầu mất dần sức lực, nước từ miệng vào cơ thể và nấu chín từ trong ra ngoài”. 

Hé lộ bí ẩn

Sau một thời gian nghiên cứu, hiện tượng này được giải thích là do các mạch suối nước nóng ngầm bị đứt gãy bất thường trên bề mặt Trái Đất. Dễ hiểu hơn, giống như máu trong cơ thể con người chảy qua tĩnh mạch và động mạch, Trái Đất cũng có dòng nước nóng chảy qua những vết nứt và đoạn đứt gãy. Khi những động mạch này dẫn đến bề mặt Trái Đất, chúng ta sẽ thấy những hiện tượng địa nhiệt: lỗ phun khí, suối nước nóng và trong trường hợp này, dòng sông nước nóng.

Một con ếch bị dòng dòng sông nước nóng luộc chín.
Một con ếch bị dòng dòng sông nước nóng luộc chín.

Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu, nhóm nghiên cứu của anh Ruzo đã phát hiện ra nhiều chủng sinh vật đã tiến hóa để thích nghi với dòng nước nóng này vì thực sự nó có thể không đúng với truyền thuyết nhưng nó đủ sức giết người.

Andrés Ruzo kể rằng anh từng chứng kiến không ít sinh vật vô tình rơi xuống dòng nước và bị luộc chín. Vậy tại sao dì của anh lại có thể bơi được tại đó? Andrés Ruzo cho rằng rất có thể họ đã qua sông vào thời điểm sau một cơn mưa lớn và nó đã hạ bớt nhiệt xuống.

Bảo vệ và bảo tồn

Kể từ khi phát hiện, anh Ruzo đã đưa ra những dự án để nghiên cứu bảo vệ dòng sông và khu vực xung quanh, trong đó có cả những loài thực vật và động vật hoang dã chỉ được tìm thấy ở khu vực gần dòng sông. 

Hiện nay, những mối đe dọa lớn nhất đối với dòng sông là tình trạng phá rừng, nó có thể sẽ biến mất hoàn toàn nếu không được bảo vệ kịp thời và đúng lúc. Do đó, anh Ruzo mong muốn dòng sông này sẽ được công nhận là di tích quốc gia của Peru, khu rừng được chỉ định về mặt pháp lý là khu sinh thái độc quyền, đồng thời thúc đẩy du lịch sinh thái và bảo tồn văn hóa địa phương, cũng như bảo vệ rừng. 

Du lịch được khuyến khích, nhưng khi du khách muốn tới tham quan và khám phá sẽ được cảnh báo và cung cấp chi tiết những lời khuyên để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả dòng sông.

Đồng thời cũng phải chuẩn bị tâm lý trước khi tiến vào khu rừng vì tình trạng ẩm ướt, phải đi bộ đường dài rất nhiều, côn trùng cắn, thiếu không khí, không internet hay tín hiệu điện thoại, cũng như phải mất 1 giờ để đến phòng khám gần nhất và 3 giờ để đến bệnh viện gần nhất… Mặc dù rất khó khăn để tiếp cận dòng sông huyền bí này, nhưng để được chứng kiến sự kỳ diệu của thiên nhiên, nhiều người vẫn muốn một lần được thử sức một lần trong đời...