Bí ẩn quanh vụ tự sát của một Thượng tướng quyền cao chức trọng

(PLO) -Ngày 28/11/2017, Tân Hoa xã đưa tin Trương Dương, Thượng tướng, nguyên Ủy viên Quân ủy, Chủ nhiệm Bộ công tác chính trị Quân ủy Trung Quốc treo cổ tự sát tại nhà riêng. 
Giải phóng quân báo cho rằng Trương Dương tự sát vì sợ tội
Giải phóng quân báo cho rằng Trương Dương tự sát vì sợ tội

Bản tin của Tân Hoa xã cho biết: “Ngày 28/8/2017, được Trung ương đảng phê chuẩn, Quân ủy trung ương quyết định gặp gỡ Trương Dương để tổ chức nói chuyện xác thực việc ông ta có liên quan đến những manh mối của vụ án Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu. Qua điều tra đã xác thực Trương Dương vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng, dó dấu hiệu đưa hối lộ, nhận hối lộ và có số tài sản lớn không thể giải trình nguồn gốc. Theo sắp đặt của tổ chức, trong thời gian bị điều tra, Trương Dương được ở lại nhà, nhưng trưa ngày 23/11, ông ta đã treo cổ tự sát”. 

Sau khi tin này truyền đi, “Giải phóng quân báo” – tờ báo chính thức của quân đội - lập tức đăng bình luận: “Một Thượng tướng quyền cao chức trọng lại lựa chọn phương thức nhục nhã như thế để kết thúc cuộc đời mình. Tự sát trốn tội thật xấu xa, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn tiếp diễn…”.

“Hổ quân đội”

Là người  đứng đầu Bộ công tác chính trị Quân ủy, chủ quản công tác chính trị của toàn quân, Thượng tướng Trương Dương là “Hổ quân đội” đầu tiên bị tóm sau Đại hội 19. Tư liệu cho biết, Trương Dương xuất hiện lần cuối cùng vào ngày 7/8 tới Huvhot tham dự hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập Khu tự trị Nội Mong với tư cách Ủy viên Quân ủy, Chủ nhiệm Bộ công tác chính trị, Phó trưởng đoàn công tác trung ương. 20 ngày sau, ông ta bị tổ chức “gọi nói chuyện”, ít lâu sau không còn giữ chức vụ Chủ nhiệm Bộ công tác chính trị Quân ủy nữa và không có tên trong danh sách đoàn đại biểu quân đội dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một quan chức quân đội nói với phóng viên tạp chí “Nhân vật Hoàn cầu”: “Vụ việc của Trương Dương gây ảnh hưởng rất lớn bởi 2 nguyên nhân: thứ nhất ông ta có chức quyền cao; thứ hai là tiếng xấu lan rộng khắp nơi. Ông ta thật to gan, vừa dám nhận tiền lại vừa đưa hối lộ để thăng tiến”. Trong quá trình đi lấy thông tin, phóng viên thấy Trương Dương có biệt danh “Trương bao tải”, với ý nghĩa chỉ việc ông ta dùng bao tải đựng tiền nhận hối lộ. “Giải phóng quân báo” viết: “Một Thượng tướng quyền cao chức trọng lại dùng phương thức nhục nhã như thế để kết thúc cuộc đời. Tự sát trốn tội là hành vi xấu xa, việc chống tham nhũng vẫn tiếp tục”.

Trương Dương
Trương Dương

Nhập ngũ khi mới hết tiểu học

Tại quê hương Trương Dương – thôn Bắc Đê Nam, xã Tôn Trang, huyện Vũ Cường tỉnh Hà Bắc ở vùng xa xôi hẻo lánh, tin ông tự sát lan rộng đến mức các học sinh tiểu học cũng bàn luận. Tại cổng trường, một học sinh lớp 2 nói với phóng viên “Trương Dương? Có phải ông tướng treo cổ tự sát không?”. 

Ông Trương Trường Phong, người chú thứ 3 của Trương Dương chính là người gác cổng ngôi trường này. Ông không nhớ nhiều lắm về người cháu nổi tiếng này: “Hồi nhỏ nó to khỏe, lại rất biết điều, mọi người gọi là “Thiếu Tráng”; đi đường gặp người già là đến dìu đỡ. Học hết tiểu học đã bỏ ở nhà làm ruộng; 17 tuổi đã xin đi lính, từ đó về sau tôi rất ít được gặp nó”.

Trương Trường Phong kể, anh trai ông (cha Trương Dương) tên là Trương Thế Kiệt, từng phục vụ trong quân đoàn 63, năm ngoài 40 tuổi thì phải phục viên do bị bệnh. Thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” ông là Chủ nhiệm chính trị Bệnh viện quốc tế Hòa bình Norman Bitiun ở Thạch Gia Trang. Lúc này ông đã ly dị vợ, lập gia đình mới ở Thạch Gia Trang, bà mẹ thì ở lại sống một mình trong làng ở Vũ Cường. Một bác sĩ đã nghỉ hưu ở bệnh viện này xác nhận với phóng viên: Hồi thập niên 1960 có một tốp cán bộ quân đội chẳng có chút kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn gì về y tế được “thả dù” về bệnh viện, trong số này có ông Trương Thế Kiệt. (Sự điều tra tìm hiểu của tạp chí “Nhân vật Hoàn cầu” đã gián tiếp bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng, nói Trương Dương là con trai của Thượng tướng khai quốc Trương Chấn).

Khi đó Trương Dương muốn đi lính, người cha không mấy ủng hộ, nhưng Trương Dương rất kiên quyết. Đơn vị tuyển quân thấy hoàn cảnh gia đình tốt, muốn nhận, cuối cùng nguyện vọng của Trương Dương được đáp ứng. 

Trưởng thành từ cơ sở, Trương Dương lần lượt từ chiến sĩ lên tiểu đội phó, tiểu đội trưởng, chính trị viên phó rồi chính trị viên đại đội, chủ nhiệm chính trị, chính ủy trung đoàn, làm công tác chính trị trong thời gian dài, Đầu năm 1996, khi 45 tuổi, Trương Dương đang là Phó chính ủy sư đoàn 1 pháo binh được điều động làm Chính ủy sư đoàn 163, tập đoàn quân 42 (quân khu Quảng Châu). 

Năm 2000, Trương Dương được thăng chức làm Chủ nhiệm Chính trị tập đoàn quân 42, 2 năm sau đã trở thành Chính ủy, bỏ qua chức Phó chính ủy. Một cán bộ ở tập đoàn quân 42 đã nghỉ hưu tiết lộ: Trương Dương từng xông xáo ra tuyến đầu chỉ huy công tác cứu hộ cứu nạn trong cơn lũ ở lưu vực Trường Giang năm 1998, giữ được đê từ Hoàng Mai đến Hoàng Thạch không bị vỡ. Năm 2003, Trương Dương đã có công trong việc nâng sư đoàn bộ binh X thành sư đoàn cơ giới hóa…Năm 2004, ở tuổi 53, Trương Dương được thăng lên bậc phó đại quân khu, giữ chức Chủ nhiệm Cục chính trị quân khu, 3 năm sau được thăng lên bậc trưởng, được trao chức Chính ủy Quân khu Quảng Châu. Tốc độ thăng tiến nhanh chóng của ông ta khiến nhiều người hâm mộ. 

Trương Dương tham gia chống lũ lụt
Trương Dương tham gia chống lũ lụt

Trương Dương có 2 đời vợ, người vợ kết tóc của ông ta là bà Lưu Anh, năm 1983 bà sinh con gái, nhưng họ ly hôn vào năm 1989; cô này học hành và thăng tiến rất thuận lợi, đã có bằng Tiến sĩ y khoa; khi con gái lấy chồng, Trương Dương đã tặng con 500 ngàn NDT (1,75 tỷ VND). Người vợ thứ hai là con một cán bộ quân đội cao cấp, cấp trên của Trương Dương ở Quân khu Quảng Châu. Một nguồn tin nội bộ quân đội cho biết, sau khi Trương Dương bị điều tra, người vợ này đã tự sát. Có thể đó là một trong những nhân tố dẫn đến việc Trương Dương cũng tìm đến cái chết…

Người chú nói: Trước đây Trương Dương thỉnh thoảng còn về quê thăm mẹ, sau này về Quảng Đông thì rất ít về. Theo trí nhớ của người chú, từ khi về Quảng Châu giữ chức, Trương Dương chỉ về thăm quê 3 lần, lần nào về cũng vội vàng “toàn lãnh đạo huyện và xã vây quanh, chúng tôi chả được chuyện trò gì”. Lần cuối cùng Trương Dương về quê là năm 2010, mang theo tro cốt của cha từ Thạch Gia Trang về làng để hợp táng cha cùng mẹ trong nghĩa địa của Trương Gia. Khu mộ này thực ra chỉ là mấy gò đất, gồm có ông nội, cha, chú hai, anh cả của Trương Dương. Trương Trường Phong nói: Sau khi Trương Dương chết thì từ nay Trương Gia chỉ còn mỗi ông hàng năm ra đó tảo mộ, đốt vàng mã. 

Một lần khác hai chú cháu gặp nhau là năm 2008, Trương Dương về quê thị sát. Ông ta đến trước cửa nhà chú ba đứng chưa đến 1 phút đã cùng lãnh đạo huyện đến trường tiểu học. Theo báo cáo của lãnh đạo huyện, Trương Dương về thăm ngôi trường cũ được ông vận động Công ty Chiếu Lượng Thâm Quyến tài trợ 1,5 triệu tệ để xây dựng phòng học và các doanh nghiệp khác ở Quảng Đông giúp xây dựng khu nhà ở. Tổng đầu tư xây dựng ngôi trường này là hơn 2 triệu NDT. Đối với một huyện nghèo như Vũ Cường thì đây là một số tiền rất lớn. Đó là lần đầu tiên ông Trương Trường Phong ý thức được người cháu là quan cao có quyền lực và của cải, nhưng ông không biết phía sau ngôi trường hiện đại mà ông gác cổng ấy lại là lưới quan hệ chằng chịt, phức tạp cuả Trương Dương ở Quảng Đông...