Bí ẩn sau những tấm rèm cửa màu hồng ở xứ sở Chùa Tháp

(PLO) - Những gia đình có con gái đến tuổi lấy chồng, bố mẹ sẽ treo một tấm rèm màu hồng trước cửa như một tín hiệu thông báo kén rể. Nhà có nhiều con gái thì treo nhiều tấm khăn ở nhiều cửa, đến khi cô gái lấy chồng thì tấm rèm mới được kéo xuống.
Những ngôi nhà sàn trên đất nước Chùa Tháp.
Những ngôi nhà sàn trên đất nước Chùa Tháp.

Văn hóa nhà sàn

Campuchia có đường biên giới chung dài trên 1000km, khí hậu thổ nhưỡng có nhiều nét tương đồng với miền Nam của nước ta nhưng tập quán canh tác, lối sống của người dân ở xứ sở Chùa Tháp lại có nhiều khác biệt.

Đoạn đường từ cửa khẩu Mộc Bài đến thành phố Siêm Riệp (Campuchia) dài khoảng 500km. Tháng 8, Campuchia đang là mùa mưa, suốt cả chặng hành trình dài như vậy, khung cảnh duy nhất ở hai bên đường là những cánh đồng mênh mông chìm trong nước lũ. Lúa, cỏ dại, hoa sen, hoa súng dập dềnh theo sóng nước. Thấp thoáng giữa cánh đồng bạt ngàn là những cây thốt nốt sừng sững. Thốt nốt mọc ngoài ruộng, mọc bờ ao, mọc sau nhà thân thuộc như cây dừa ở miền Nam nước ta.

Những ngôi nhà sàn nằm nép mình dưới rặng cây thốt nốt, đàn bò trắng tha thẩn gặm cỏ đống rơm ở góc vườn là khung cảnh thanh bình quen thuộc ở xứ sở này. Trừ các thành phố lớn ở vùng nông thôn Campuchia hầu hết người dân sống trong những ngôi nhà sàn.

Đó là những ngôi nhà được dựng trên cột nhỏ, sàn nhà cách mặt đất từ 1 đến vài mét. Một số ngôi nhà có cột, sàn, vách nhà được làm bằng gỗ, mái nhà được lợp bằng lá thốt nốt. Ở những ngôi nhà hiện đại mới xây, cột được làm bằng bê tông, vách và mái làm bằng tôn.

Hướng dẫn viên là anh Na Dan người Campuchia, từng có 6 năm du học ở Việt Nam nên nói tiếng Việt khá chuẩn. Na Dan cho biết, do ít nhà máy nên xi măng ở đất nước anh rất đắt đỏ, còn gỗ thì nhiều vô kể, vì vậy nếu ở Việt Nam chỉ những gia đình khá giả mới xây được nhà gỗ thì ở Campuchia ngược lại.

Nguồn gốc của văn hóa nhà sàn được hướng dẫn viên giải thích: Campuchia nằm ở hạ nguồn sông Mêkông, vào mùa nước lũ nước từ thượng nguồn đổ về nhấn chìm hầu hết làng mạc, cánh đồng trong suốt nhiều tháng trời, để thích nghi người dân đã xây dựng những ngôi nhà sàn để “sống chung với lũ”. Ngôi nhà thấp hay cao phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhà cao thì khả năng chống lũ tốt hơn nhưng chi phí xây dựng tốn kém hơn rất nhiều.

Do khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, đất rộng người thưa nên ở Campuchia có nhiều thú dữ và rắn độc. Vào mùa nước nổi, các cánh đồng ngập chìm trong biển nước, rắn cùng các loại côn trùng có độc phải bò nên chỗ ở của con người để trú ngụ.

Ngoài ra, cá sấu cũng là mối đe dọa. Trước đây, vào mùa mưa lũ cá sấu tự nhiên từ Biển Hồ, rừng nguyên sinh theo nước bơi về các cánh đồng, làng mạc gây nguy hiểm cho con người và vật nuôi. Vì thế, người Campuchia đã xây dựng những ngôi nhà sàn, buổi tối họ rút cầu thang cất lên sàn để tránh thú dữ tấn công.

Bên cạnh đó, mùa khô ở Campuchia rất khắc nghiệt, có nơi nhiệt độ lên tới trên 40 độ. Để chống nóng, buổi trưa người dân ở đây kê giường hoặc mắc võng để ngủ dưới sàn nhà. Buổi đêm, họ ngủ trên sàn cao vừa tránh được rắn rết, vừa hưởng được gió thoáng mát của ban đêm. 

Chăn nuôi của nước bạn cũng khác hẳn Việt Nam. Ở đây người dân không chăn nuôi theo kiểu nhốt, trâu bò, gà, heo đều thả rông kiếm ăn ngoài cánh đồng, mặt trời lặn chúng tự tìm đường về. Trước đây, chỗ ngủ gia súc, gia cầm được bố trí  dưới sàn nhà. Ngày nay để đảm bảo vệ sinh hơn, người ta thường làm chuồng bò ở góc vườn. Do đó không gian rộng rãi dưới nhà sàn là nơi người dân bản địa dùng để để nấu ăn, để vật dụng như ghe, xuồng, nông cụ, là chỗ chơi đùa, chạy nhảy của trẻ nhỏ.

Những tấm rèm màu hồng

Một nữ du khách chú ý tới những ngôi nhà treo rèm cửa màu hồng, đem thắc mắc này hỏi hướng dẫn viên, anh cười đáp: “Ở Campuchia màu sắc của những tấm rèm cửa chính thông điệp ngầm của gia chủ”.

Theo hướng dẫn viên giới thiệu, phong tục treo những tấm rèm cửa với các sắc màu khác nhau đã có từ lâu ở xứ sở này. Na Dan giải thích: Do đất rộng nên một gia đình nông thôn ở Campuchia thường sở hữu tới vài mẫu đất. Người thưa, dân chủ yếu sống kiểu “tự cung tự cấp” nên việc buôn bán rất hạn chế. Đồng thời, để tiện canh tác thì ruộng ở đâu người dân dựng nhà ở đó. Vì vậy, họ sống rải rác, cách xa nhau chứ không xây nhà tập trung ở mặt đường như người Việt. 

Do lối sống khép kín, ít giao lưu như vậy nên để tiện trong sinh hoạt từ xa xưa người dân ở đây đã ngầm quy định màu sắc rèm cửa thành một tín hiệu thông báo cho người khác biết về gia cảnh của gia đình…

Những gia đình có con gái đến tuổi lấy chồng, bố mẹ sẽ treo một tấm rèm màu hồng trước cửa như một tín hiệu thông báo kén rể. Nhà có nhiều con gái thì treo  nhiều tấm khăn ở nhiều cửa, đến khi cô gái lấy chồng thì tấm rèm mới được kéo xuống. Trên khung cửa sổ nhiều tấm khăn hồng đã cũ, phai màu tương ứng với độ tuổi của cô con gái.

Phần lớn dân số Campuchia theo đạo Phật, họ coi trọng việc tu học. Vì thế, nhà nào có con trai trên 12 tuổi đều phải đi tu để báo hiếu cho cha mẹ. Do quan điểm những người đi tu sẽ biết đạo lý hơn, sống tốt hơn nên trong thời gian có con đi tu, chàng trai và gia đình rất được kính trọng. Họ cũng dùng những tấm rèm cửa để ngầm thông báo cho mọi người. Nếu nhìn thấy nhà nào treo rèm cửa màu vàng, người ta ngầm hiểu gia đình đó đang có con trai đi tu.

Theo hướng dẫn viên, đất nước anh vẫn duy trì chế độ mẫu hệ nên người con gái ở Campuchia rất được coi trọng, gia đình nào sinh được con gái thì nhà đó có phúc. Do vậy, trước kia để lấy được 1 cô vợ, chàng trai thường phải ở rể 3 năm, nếu được cô gái chấp nhận thì đám cưới mới diễn ra. Nhưng do tập tục này bị một số gia đình lợi dụng để có thêm lao động mà không phải trả tiền, do đó hiện đã không còn.

Tuy nhiên, hiện nay để cưới được một cô dâu thì gia đình nhà trai phải mang nhiều tiền bạc, vòng vàng tặng cho nhà gái. Cũng có thể vì văn hóa tôn trọng phụ nữ nên người đàn ông Campuchia nổi tiếng chung tình. 

Diện tích Campuchia khoảng hơn 181.000 km2 (bằng khoảng 1/2 diện tích Việt Nam) nhưng dân số chỉ khoảng 15 triệu người. Một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Vương quốc Campuchia là đền Angkor Wat và những ngôi đền thuộc quần thể Angkor thuộc tỉnh Siêm Riệp là  di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.