Mãi đến năm 1987, một số cá nhân mới lập ra “Hội xúc tiến Ngày hòa bình 28/2”, công bố “Tuyên ngôn Ngày hòa bình 28/2”, đề xuất công bố sự thật, lấy 28/2 làm “Ngày hòa bình”, nhưng các hoạt động diễn thuyết, kỉ niệm chỉ diễn ra lẻ tẻ, không được chính quyền Đài Loan ủng hộ.
Đánh giá lại, tổ chức bồi thường
Tháng 1/1991, Tổ nghiên cứu về “Sự kiện 28/2” được thành lập và tổ chức cuộc hội thảo đầu tiên vào tháng 12 cùng năm; Viện hành chính (phủ thủ tướng) Đài Loan cũng lập Tổ nghiên cứu “Sự kiện 28/2” đến tháng 2/1992 thì công bố báo cáo chính thức đầu tiên, nhưng chênh lệch rất lớn về số liệu thương vong và một số vấn đề khác.
Năm 1995, ông Lý Đăng Huy, “Tổng thống Đài Loan” cho khánh thành Bia kỷ niệm “Sự kiện 28/2”, lần đầu tiên xin lỗi thân nhân những nạn nhân. Năm 2003, “Tổng thống” Trần Thủy Biển cấp Giấy chứng nhận phục hồi danh dự cho gia đình các nạn nhân, chính quyền và các đơn vị học thuật triển khai nghiên cứu về sự kiện.
Năm 2006, “Báo cáo nghiên cứu trách nhiệm về Sự kiện 28/2” được công bố, chỉ rõ Tưởng Giới Thạch phải chịu trách nhiệm về sự kiện này, nhưng cũng có báo cáo khác quy trách nhiệm cho chính phủ Nhật. Năm 2007, Trần Thủy Biển lại xin lỗi và cho thành lập “Nhà kỉ niệm quốc gia 28/3”; năm 2010, “Tổng thống” Mã Anh Cửu cũng thay mặt chính phủ xin lỗi những người bị hại.
Việc bồi thường cho người bị hại cũng được Đài Loan tiến hành từ năm 1995 theo “Điều lệ về xử lý và bồi thường Sự kiện 28/2” của Viện Lập pháp (Quốc hội) ban hành ngày 23/3/1995. Theo đó, nạn nhân được chia làm các loại: “tử vong”, “mất tích”, “tàn phế”, “bị giam giữ đánh đập” và “sức khỏe, danh dự bị tổn hại”.
Có tất cả 862 trường hợp được xác định “tử vong” và “mất tích”, chiếm 37.67% số trường hợp được bồi thường, những người này gia đình được nhận 6 triệu Đài tệ. Đến tháng 8/2015, có tất cả 2.288 nạn nhân được bồi thường 7,2 tỷ Đài tệ.
Số người được bồi thường rất ít so với số nạn nhân trong thực tế là do nhiều nguyên nhân, như: nạn nhân đa số trong độ tuổi học sinh, thanh niên, khi đó chưa có gia đình, nay cha mẹ họ đều đã qua đời, không có thân nhân để nhận; thân nhân ra nước ngoài sinh sống; bị chết nhưng không tìm được bằng chứng chứng minh bị giết hại; hồ sơ đã bị hủy nên không tìm ra chứng cứ….
Nhiều năm qua, Trung Quốc Đại Lục luôn kỉ niệm “Sự kiện 28/2” một cách khá lặng lẽ. Năm 2017 này, nhân dịp 70 năm, Trung Quốc đã công khai với một cuộc hội thảo được tổ chức tại Bắc Kinh hôm 23/2.
Ông An Phong Sơn, người phát ngôn của Văn phòng công tác Đài Loan của Quốc vụ viện nói tại một cuộc họp báo: “Sự kiện 28/2 là một bộ phận của cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc. Từ lâu nay, sự kiện này bị một số thế lực đòi độc lập ở Đài Loan lợi dụng với ý đồ xấu”.
Trần Nghi trước khi bị xử bắn |
Trần Nghi – nhân vật gây tranh cãi
Hiện giới cầm quyền và dân chúng Đài Loan cho rằng Trần Nghi là hung thủ, cùng với Tưởng Giới Thạch phải chịu trách nhiệm về “Sự kiện 28/2”; tuy nhiên Trung Quốc Đại lục lại có cách nhìn khác về nhân vật này.
Trần Nghi sinh năm 1883, quê Chiết Giang, từng tốt nghiệp Trường Lục quân Nhật Bản, năm 1919 về nước là Cố vấn Phủ Tổng thống. Tháng 10/1924 là sư đoàn trưởng sư đoàn 1 Chiết Giang; năm 1925 là Tổng tư lệnh Từ Châu.
Tháng 10/1926 được bổ nhiệm Quân đoàn trưởng 19 quân đội Quốc Dân Đảng. Tháng 7/1927 được bổ nhiệm làm Ủy viên Quân ủy QDĐ, năm sau được đi khảo sát châu Âu (Đức) về được Tưởng Giới Thạch giao phụ trách Công binh, tháng 5/1929 được thăng Thứ trưởng Bộ Quân chính.
Năm 1934, được bổ nhiệm Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến; từ sau 1937 khi bùng nổ chiến tranh kháng Nhật, Trần Nghi kiêm thêm chức Tổng tư lệnh tập đoàn quân 25 phụ trách phòng vệ Phúc Kiến. Năm 1941, đến Trùng Khánh giữ chức Tổng thư ký Viện hành chính.
Năm 1943, Trần Nghi kiêm nhiệm Hiệu trưởng đại học Lục quân. Tháng 4/1944, Viện hành chính chính phủ Quốc dân thành lập Ủy ban điều tra Đài Loan do Trần Nghi làm Chủ nhiệm để điều tra toàn diện về Đài Loan dưới ách thống trị của Nhật, chuẩn bị cho việc tiếp quản.
Tháng 8/1945, Tưởng Giới Thạch lập Viện hành chính trưởng quan Đài Loan, bổ nhiệm Trần Nghi làm Trưởng quan. Trần Nghi nhậm chức ngày 29/8, sau đó kiêm nhiệm Tổng tư lệnh BTL cảnh bị tỉnh Đài Loan; ngày 24/10 Trần Nghi được máy bay Mỹ đưa từ Thượng Hải ra Đài Bắc, ngày 25/10 theo mệnh lệnh của Mc Arthur, Trần Nghi thay mặt Tưởng Giới Thạch tiếp nhận sự đầu hàng của Phương diện quân số 10 Nhật Bản…
Sau khi “Sự kiện 28/2” kết thúc bằng những cuộc thảm sát đẫm máu; ngày 22/3/1947, Hội nghị lần 3, Ủy ban trung ương Quốc Dân Đảng khóa 6 họp quyết định bãi chức Trưởng quan hành chính Đài Loan của Trần Nghi. Ngày 22/4, Viện hành chính chính phủ Dân quốc giải tán Viện hành chính trưởng quan, lập chính quyền tỉnh, bổ nhiệm Ngụy Đạo Minh làm chủ tịch, các sở lập ra chức Phó sở do người bản địa Đài Loan đảm nhiệm. Ngày 11/5, Trần Nghi trở về Nam Kinh làm cố vấn chính phủ.
Ngày 30/6/1948, Trần Nghi được Tưởng Giới Thạch bổ nhiệm làm Chủ tịch tỉnh Chiết Giang. Khi Quốc Dân Đảng thất thế trên chiến trường, Trần Nghi âm mưu làm phản, bàn với Thang Ân Bá, Tổng tư lệnh Cảnh bị Bắc Kinh – Thượng Hải – Chiết Giang móc nối với tổ chức bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng Thang Ân Bá mật báo với Tưởng Giới Thạch.
Biết tin, Tưởng Giới Thạch giao Cục trưởng Bảo mật Bộ Quốc phòng Mao Nhân Phụng cử điệp viên giám sát chặt chẽ Trần Nghi. Tháng 2/1949, Trần Nghi bị điều về Thượng Hải rồi bị bắt, quản thúc sau đó áp giải ra Đài Loan vào tháng 4/1950, giam ở Cơ Long. Ngày 19/5, Tưởng Giới Thạch tự tay viết chỉ lệnh giao cho Tòa án quân sự Đài Loan ra phán quyết tử hình và ngày 18/6/1950, Trần Nghi bị xử bắn.
Trần Nghi chết, thi thể được người em trai thứ 4 nhận về hỏa thiêu rồi đem tro chôn ở khu Ngũ Cổ, Tân Bắc, trên bia chỉ ghi “Trần công Thoái Tố chi mộ” (Mộ ông Trần Thoái Tố), không ghi tên thật để tránh bị trả thù, phá hoại. Sau khi vị trí mộ bị lộ, thường xuyên có người tìm đến phun sơn phá hoại; năm 2013 thì phát hiện bia mộ và hộp tro cốt bị ai đó lấy đi mất.
Mộ của Trần Nghi |
Sau khi Trần Nghi bị hành quyết, ở Đài Loan rộ lên tin đồn do Trần Nghi lạm sát bừa bãi người dân Đài Loan vô tội trong “Sự kiện 28/2” nên Tưởng Giới Thạch đã nổi giận giết chết ông ta; nhưng thực tế nguyên nhân Trần Nghi bị giết là do lôi kéo Thang Ân Bá cùng sang hàng Đảng Cộng sản. Trong di chúc để lại, Trần Nghi viết, ông ta đổ máu thay cho 18 triệu người dân Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang. Vì vậy chính phủ Trung Quốc dành cho người thân ông ta sự quan tâm, ưu đãi.
Ngày 9/6/1980, Ban Mặt trận thống nhất và Ban điều tra trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết luận: “Trần Nghi, tự Công Hiệp, quê Thiệu Hưng, Chiết Giang, sinh 1883, bị Quốc Dân Đảng giết hại tại Đài Loan ngày 18/6/1950.
Ông tốt nghiệp trường sĩ quan lục quân và ĐH lục quân của Nhật, từng là quan chức Bộ lục quân chính phủ Mãn Thanh; Tham nghị Văn phòng Thống soái Viên Thế Khải; Sư trưởng sư đoàn 1, Tổng tư lệnh Từ Châu, Tỉnh trưởng Chiết Giang; sau là Thứ trưởng Bộ Quân chính kiêm Tổng cục trưởng công binh,Chủ tịch chính phủ Phúc Kiến; Tổng thư ký Viện hành chính, TTK Ủy ban khảo sát công tác đảng, chính QDĐ, Hiệu trưởng ĐH Lục quân, Chủ nhiệm Viện nghiên cứu quốc phòng.
Tháng 8/1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng, Trần Nghi đến Đài Loan tiếp nhận, giữ các chức Trưởng quan Hành chính Đài Loan và Chủ tịch tỉnh Chiết Giang.
Năm 1948, Trần Nghi có quan hệ với đảng ta, nhận nhiệm vụ của đảng giao là khởi nghĩa và vận động lôi kéo Tổng tư lệnh cảnh bị Bắc Kinh – Thượng Hải – Chiết Giang Thang Ân Bá. Ông còn căn cứ chỉ thị của đảng phóng thích hơn 100 nhân sĩ yêu nước bị đặc vụ Quân thống bắt giam. Do Thang Ân Bá báo cáo, việc khởi nghĩa thất bại, Trần Nghi bị Tưởng Giới Thạch sát hại.
Căn cứ những sự thật nói trên, được Trung ương phê chuẩn, nay truy nhận tiên sinh Trần Nghi là “Nhân sĩ yêu nước hi sinh tính mạng vì sự nghiệp giải phóng nhân dân Trung Quốc”.
Ngôi nhà cũ của gia đình ông ta ở Hàng Châu, được Cục du lịch coi là một điểm đón khách tham quan du lịch.Trần Nghi có vợ là người Nhật kết hôn vào thời kỳ ông ta học Trường sĩ quan lục quân Nhật Bản; hai người không có con cái…