Số tiền mà ông Trần Minh Anh bị quy kết chiếm đoạt là tiền của vợ chồng ông do con trai ông gửi về từ Đức.
Tòa ra đề, Cơ quan điều tra không có lời giải
Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt (Cty Bảo Việt) đã được Báo PLVN phản ánh trong nhiều số báo trước đây là một vụ án oan do “hình sự hóa” tranh chấp dân sự.
Xuất phát từ việc mượn giấy tờ của mẹ vợ để mở tài khoản chứng khoán, ông Trần Minh Anh bị khởi tố vì hành vi “lừa đảo” do cơ quan điều tra (CQĐT) xác định rằng, việc ông sử dụng và rút tiền trong tài khoản là “chiếm đoạt” tiền của bà Bùi Thị Minh (mẹ vợ ông). Tuy nhiên, VKSNDTC vẫn ra cáo trạng, truy tố ông Minh Anh vì đã chiếm đoạt tài sản của…Cty Bảo Việt.
Lời buộc tội của VKSNDTC thiếu thuyết phục, nên đã bị TAND TP Hà Nội trả hồ sơ để bổ sung chứng cứ. Theo yêu cầu của Tòa án, CQĐT, VKSND phải làm rõ 6 nội dung quan trọng liên quan tới lời buộc tội.
Trong đó, phải tiến hành đối chất giữa ông Minh Anh với bà Minh và bà Ngân (vợ ông Minh Anh) hiện cư trú tại Đức và lấy lời khai của con trai của ông Minh Anh (Trần Minh Hoàng) về số tiền 176.000 euro được gửi về để “đầu tư chứng khoán”, để làm rõ quyền sở hữu số tiền này. Đây là số tiền thuộc sở hữu chung của ông Minh Anh bà chị Ngân, vì hai người đang tồn tại quan hệ hôn nhân được đăng ký kết hôn từ năm 1988.
Tòa án cũng yêu cầu CQĐT làm rõ tại sao “bị hại” lại là Cty Bảo Việt, trong khi doanh nghiệp này không có đơn đòi tiền và cũng không có căn cứ pháp lý nào cho thấy doanh nghiệp này là chủ sở hữu của số tiền trong tài khoản nhà đầu tư.
Sau 2 tháng điều tra bổ sung, CQĐT đã không có “lời giải” đối với những yêu cầu của Tòa. Trong Kết luận Điều tra bổ sung ngày 12/11/2010, CQĐT không lấy lời khai của Trần Minh Hoàng, không cho đối chất theo yêu cầu của Tòa án và đặc biệt không thể trả lời được tại sao Cty Bảo Việt lại là “bị hại” của vụ án này.
Bị cáo chính là… bị hại
Xác định “bị hại” của vụ án gắn liền với việc xác định chủ sở hữu của số tiền 3 tỷ 50 triệu đồng mà ông Minh Anh bị quy kết là chiếm đoạt. Ban đầu, CQĐT cho rằng bị hại là bà Minh thì đồng nghĩa với việc bà Minh là chủ sở hữu số tiền. Tuy nhiên, sau đó CQĐT và VKSNDTC lại thống nhất Cty Bảo Việt là “bị hại”, có nghĩa là doanh nghiệp này bị “chiếm đoạt tài sản”. Như thế, đương nhiên số tiền 3 tỷ 50 triệu đồng trong tài khoản mà ông Minh Anh mở là của…Cty Bảo Việt.
Nhưng không hiểu vì lý do gì, mà khi được xác định là bị hại thì Cty Bảo Việt lại đem tiền 1,5 tỷ đồng nộp vào tài khoản của CQĐT để “khắc phục” hậu quả của hành vi phạm tội do “bị can” gây ra. Cũng không hiểu số tiền này CQĐT sẽ xử lý như thế nào vì theo lẽ thường của các vụ án hình sự, tiền khắc phục hậu quả phải được đem trả lại cho… bị hại.
Số tiền 3 tỷ 50 triệu đồng trong tài khoản chứng khoán có tranh chấp có nguồn gốc từ số tiền 176.000 euro do cháu Hoàng gửi từ Đức về qua tài khoản của bà Minh. Khi nhận được số tiền này, ông Minh Anh đã đổi ra 3 tỷ 50 triệu đồng và 34.000 USD. Số tiền Việt Nam trên được gửi vào tài khoản chứng khoán do ông mở mang tên bà Minh tại Cty Bảo Việt.
Hiện nay, ông Minh Anh và bà Ngân vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân có đăng ký từ năm 1988, nên khoản tiền này vẫn là tài sản chung của vợ chồng ông Minh Anh. Khi gửi vào tài khoản do ông mở, thì nó vẫn là của ông Minh Anh chứ không thể biến thành tài sản của Cty Bảo Việt. Vì thế, việc ông Minh Anh rút tiền từ tài khoản chứng khoán mà là “tội phạm”, thì người bị hại phải được xác định chính là… ông Minh Anh.
Vụ án càng điều tra càng phát lộ oan sai, khi ông Minh Anh đang phải ngồi tù vì sử dụng tiền của chính mình. Việc CQĐT, VKSND cho rằng Cty Bảo Việt là bị hại của vụ án có căn cứ pháp luật không, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn về vấn đề này: * Thưa ông, CQĐT cho rằng Cty Bảo Việt là bị hại của vụ án vì họ bị thiệt hại về tài sản, việc đánh giá như vậy có đúng không? - Tội “Lừa đảo…” là tội phạm xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt; bị hại là người bị xâm phạm quyền sở hữu chứ không phải là người quản lý tài sản. Cty chứng khoán là đơn vị quản lý tài sản (tiền, chứng khoán) theo hợp đồng dịch vụ với nhà đầu tư, Cty không phải là chủ sở hữu tài sản. Vì thế, họ không phải là “người bị thiệt hại về tài sản” – bị hại của vụ án này. * CQĐT, VKSND viện dẫn Luật Chứng khoán để xác định Cty Bảo Việt là “bị hại”, ông nhận xét gì về vấn đề này? - Luật Chứng khoán không có điều khoản nào quy định Cty chứng khoán là chủ sở hữu tài sản trong tài khoản của khách hàng. Trái lại, theo Quyết định 27/2007/QĐ-BTC, ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính về Tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán thì tiền và chứng khoán trong tài khoản là tài sản của nhà đầu tư, không phải là tài sản của Cty chứng khoán. Hợp đồng mở tài khoản cũng xác định rõ điều này. * Vậy theo ông, trong trường hợp này thì tiền và chứng khoán trong tài khoản có tranh chấp là sở hữu của ai và ai là bị hại nếu có hành vi xâm phạm sở hữu đối với tài sản trên? - Theo quy định chung của pháp luật về sở hữu và quy định cụ thể trong lĩnh vực này thì chủ tài khoản chứng khoán là chủ tài sản trong tài khoản. Như vậy, xác định ai mở và sử dụng tài khoản thì tài sản là của người đó. Đương nhiên, khi tài sản trong tài khoản bị chiếm đoạt thì chủ tài khoản cũng là chủ tài sản mới là bị hại của vụ án. Đối với trường hợp mượn tên để mở tài khoản, việc xác định ai là chủ tài khoản thì phải căn cứ vào hợp đồng. Ai ký hợp đồng thì người đó là chủ tài khoản. Nếu người ký hợp đồng không phải là người có tên trong hợp đồng thì hợp đồng này vô hiệu và việc xác định quyền sở hữu tài sản trong tài khoản sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự vì đây là tranh chấp quyền sở hữu. Xin cảm ơn ông! |