Bị chó cắn không báo với người nhà, 2 trẻ nguy kịch vì bệnh dại

(PLVN) - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) 2 tuần qua tiếp nhận 2 trẻ em mắc bệnh dại. Hai trẻ sau khi bị chó cắn đều không báo cho người nhà, dẫn đến nguy kịch do nhập viện muộn.

Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Nhiễm và COVID-19 bệnh viện, 2 bệnh nhi gồm 1 bé 8 tuổi quê ở Gia Lai và 1 bé 13 tuổi quê ở Đắc Nông.

2 trẻ nhập viện ở giai đoạn viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch. Người nhà cho biết, trước đó các bé không kể cho gia đình biết về việc bị chó cắn nhưng tại khu vực quanh nhà đã phát hiện chó chết bất thường.

Qua trường hợp này, bác sĩ Việt khuyến cáo các bậc phụ huynh và người dân: Tuyệt đối không được chủ quan với bệnh dại do virus gây nên. Loại virus này lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày và dài có khi 1 - 2 năm, tuỳ lượng virus và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương.

Triệu chứng khởi đầu của bệnh này gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi... Bước vào giai đoạn viêm não thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió). Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động...

Nguồn lây bệnh dại là động vật hoang dã và cả động vật sống gần người (chó, mèo,…). Phương pháp để xác định bệnh dại là xét nghiệm PCR virus dại trong nước bọt. Virus gây bệnh có sức đề kháng yếu và bất hoạt trong khoảng 2 phút ở 70 độ C, dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn thông thông thường có thể làm mất độc lực.

Trước thềm Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9), bác sĩ Việt lưu ý: "Bệnh dại vô cùng nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng tránh. Người lớn nên giúp trẻ em hiểu và khai báo sớm nếu bị động vật cắn tổn thương. Cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để chích vaccine, huyết thanh kháng dại, chích ngừa uốn ván theo chỉ định của nhân viên y tế nếu có. Đồng thời cần chích ngừa dại cho vật nuôi và diệt ổ bệnh khi phát hiện, theo dõi sát những vật nuôi chưa phát bệnh trong ổ. Với những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm… cũng cần chích ngừa định kỳ".

Trong 5 năm qua bệnh dại ở nước ta đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong. Bước sang năm 2023, chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm đã có đến 43 trường hợp, đối với bệnh dại trên động vật đã phát hiện 39 ca tại 13 tỉnh.

Ngày 28/9/2023 đánh dấu Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại lần thứ 16, với chủ đề "Bệnh dại: Một sức khỏe, không tử vong" (One Health, Zero Death).

Hiện nay, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương, kể cả ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

- Khi bị chó, mèo cắn cần:

+ Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

+ Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).

+ Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

+ Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

+ Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh dại. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Đọc thêm