Bị công an đánh nhập viện?
Anh Võ Hướng (SN 1985, ngụ thôn 3, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) hiện vẫn nằm phải nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tình trạng liệt nửa người, chân phải và tay phải không cử động, không còn cảm giác.
Theo bác sĩ, anh Hướng bị chấn thương tạm thời ngưng trệ tế bào não. Anh Hướng tố cáo mình bị Công an huyện Tuy Đức mời làm việc rồi đánh ép nhận tội vào khoảng 14h ngày 10/11/2016.
Theo lời kể của chị Lê Thị Thìn, vợ anh Hướng: “Trưa ngày 10/11, chồng tôi nói có giấy mời của công an huyện làm việc gấp. Theo lịch hẹn là khoảng 14h chiều. Tôi và chồng có đọc giấy mời nhưng không để ý họ mời làm việc với lý do gì. Chiều hôm đó, chồng gọi tôi đến trông coi hàng trái cây ở chợ để anh ấy đi lên công an”.
Tưởng chồng làm việc với công an huyện, chị Thìn không gọi điện. Đến khoảng 16h30, chị Thìn nghe em gái gọi điện nói có người quen trong bệnh viện thấy anh Hướng nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
“Tôi cấp tốc chạy đến Bệnh viện huyện Tuy Đức. Tại đây, tôi thấy chồng mặc quần đùi, tay chân liên tục co giật. Miệng sùi bọt mép. Do co giật liên tục, chồng tôi cắn phải lưỡi nên chảy máu. Biết chồng bị đánh, tôi kiểm tra thân thể thì không thấy thương tích. Chỉ thấy phía bên má phải kéo dài đến tận mang tai có màu đỏ như bị ngoại lực tác động”, chị Thìn kể.
Chị Thìn cho biết, thời điểm anh Hướng nhập viện có một người mặc áo đỏ tên Sĩ, là Công an huyện Tuy Đức. Chị Thìn kể: “Tôi hỏi anh Sĩ “chồng tôi làm sao mà ra nông nỗi này”. Anh Sĩ trả lời đang làm việc thì chồng tôi tự ngã xuống ghế, ngất xỉu. Sau đó, anh Sĩ kéo tôi ra ngoài giải thích, nói chuyện về việc chồng tôi tự ngã.
Chị Thìn cho biết không được thông báo khi công an đưa chồng đến Bệnh viện huyện Tuy Đức cấp cứu |
Theo người quen của tôi ở bệnh viện kể lại, công an đưa chồng tôi vào và căn dặn bác sĩ không được báo tin ra ngoài. Tôi và người thân ở nhà không hề hay biết chuyện anh Hướng nhập viện. Nếu không có người quen báo tin, tôi không biết sẽ xảy ra chuyện gì”.
Thấy tình trạng của anh Hướng nguy kịch, chị Thìn và người thân yêu cầu chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu, theo dõi. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Hướng được thăm khám và bước đầu xác định bị chấn thương tạm thời ngưng trệ tế bào não.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có kết luận nguyên nhân gây nên tình trạng thương tích của anh Hướng. Hiện nay, sức khỏe anh Hướng tạm ổn nhưng vẫn bị liệt nửa người, chân phải và tay phải không còn cảm giác, không cử động được.
Theo tìm hiểu, Công an huyện Tuy Đức vừa mới bắt giữ một người tên là Hiển để điều tra về hành vi ghi số đề. Khám xét điện thoại của ông Hiển, công an phát hiện một số điện thoại lưu tên “huong so” có tin nhắn “ghi số đề 400 nghìn” (đồng).
Ông Hiểu khai số điện thoại này của một người tên Hường Sô ở chợ Đắk Búk So khoảng 52 tuổi. Tuy nhiên, không hiểu tại sao Công an huyện Tuy Đức lại mời anh Hướng lên làm việc.
Anh Hướng kể: “Tôi lên công an huyện theo giấy mời. Ban đầu, người công an tên Sĩ đưa tôi vào phòng làm việc. Tại phòng có nhiều người khác. Ông Sĩ kêu tôi cởi áo ra và hỏi về việc ghi số đề. Tôi bảo không có thì ông Sĩ dùng tay tát nhưng tôi đỡ được. Tôi nói không phải là tội phạm, không ăn cướp, nghiện hút thì công an không được đánh. Do có nhiều người trong phòng, ông Sĩ chuyển tôi qua phòng khác”.
Tại phòng làm việc thứ hai, anh Hướng tố công an Sĩ đánh anh một bạt tai vào má phải. Lần này anh Hướng không đỡ và cho biết nếu bị đánh thêm lần nữa sẽ bỏ về vì làm việc theo giấy mời chứ không phải giấy triệu tập, lệnh bắt. Sau đó, một công an mà sau này anh Hướng xác minh được tên là Phùng Danh Quảng vào phòng.
“Cả hai người buộc tôi phải nhận tội ghi số đề. Họ dụ tôi nhận tội thì chỉ bị phạt hành chính. Tôi không đồng ý vì mình không liên quan. Họ bảo ông Hiển khai hết rồi nên tôi yêu cầu được đối chứng”, anh Hướng nói.
Chỉ vì một tin nhắn?
Theo lời kể của anh Hướng, trong lúc đối chứng, ông Hiển xác nhận anh Hướng không phải là người có số điện thoại lưu tên “huong so”. Ông Hiển có quen biết với anh Hướng nhưng người ghi số đề tên là Hường Sô, 52 tuổi.
Sau khi đối chứng, ông Hiển được ông Quảng đưa sang phòng khác và được cho ra về. Riêng anh Hướng vẫn bị giữ lại và được chuyển sang phòng làm việc thứ ba. Anh Hướng mô tả phòng làm việc này kín hơn, không có người. Sau khi đưa anh vào, toàn bộ cửa sổ, cửa chính đều bị đóng lại.Tại phòng làm việc này, ông Sĩ cho rằng anh Hướng “nó còn quanh co chối tội, lý lẽ lắm”.
Anh Hướng kể: “Ông Quảng yêu cầu ông Sĩ đi lấy còng tay còng tôi lên cửa sổ. Tôi tiếp tục phản ứng vì mình không phải tội phạm. Sau đó, ông Quảng cho tôi coi một tin nhắn của một người tên Hạ với nội dung số điện thoại có tên “huong so” là của tôi. Tôi tiếp tục yêu cầu đối chứng thì ông Quảng không đồng ý.
Lúc này, ông Sĩ đã ra ngoài. Bất ngờ, ông Quảng đánh tôi hai phát vào sau gáy. Vì bị đánh từ đằng sau, tôi không kịp né nên lãnh trọn hai phát. Bị đánh lần này, tôi ngất đi ngã xuống đất trong trạng thái lơ mơ. Tôi nằm dưới đất thì nghe ông Quảng bảo gọi y tá đến. Y tá đến khám và thấy huyết áp tôi tăng cao nên đề nghị đưa đi bệnh viện”.
Anh Hướng nhập viện ở khoa nội thần kinh trong tình trạng liệt nửa người |
Anh Hướng và người thân khẳng định từ trước đến nay anh không có bệnh lý nào, sức khỏe bình thường. “Tôi khẳng định, ông Quảng đánh tôi hai cái vào sau gáy. Tôi không hề ghi số đề mà họ ép phải nhận. Làm như vậy có được hay không” anh Hướng nói.
Theo lời kể của anh Trình, người thân của anh Hướng, sáng 11/11 (sau khi anh Hướng nhập Bệnh viện Chợ Rẫy), Phó trưởng công an huyện có đến nhà xin lỗi và hứa sẽ giải quyết khi nào anh Hướng xuất viện.
“Phó trưởng công an huyện không thừa nhận cũng không phủ nhận việc công an đánh em tôi và cũng không lấy lý do bệnh lý. Họ bảo gia đình đừng tung tin ra ngoài. Họ hứa sẽ giải quyết cho Hướng và xử lý những người làm sai. Họ đến nhà tôi hai, ba lần gì đó. Tuy nhiên đến nay chưa thấy gì trong khi hoàn cảnh gia đình Hướng khó khăn lắm”, anh Trình nói.
Chị Thìn kể: “Chồng tôi nhập viện được hai ngày thì có người gọi điện nói sẽ có công an đến bệnh viện thăm. Đến khoảng 19h tối thì có một anh công an mặc cảnh phục đến kèm theo trái cây và một phong bì. Cái phong bì này đã bị xé một góc. Lúc đó, chồng tôi và người anh kêu người công an trả lại nhưng anh ta không nhận. Chúng tôi đã gửi về Đắk Nông cho người thân mang đến công an huyện trả lại”.
Anh Hướng cho biết hiện bác sĩ đang tiến hành khám xét để làm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh của mình. “Chưa có kết luận của bác sĩ, tôi chưa dám nói thương tích của tôi là do bị đánh. Tuy nhiên, tôi khẳng định mình bị công an đánh và bị ngất xỉu, nhập viên ngay sau đó”, anh Hướng nói.
Được biết, anh Hướng tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc. Cả gia đình sống nhờ sạp trái cây lèo tèo ngay chợ cũ Đắk Búk So. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Hiện nay, tiền viện phí còn được các tiểu thương ở chợ quyên góp phụ giúp.
Trao đổi qua điện thoại, ông Dương Danh Quế, Trưởng công an huyện Tuy Đức cho biết công an làm việc với anh Hướng vì nghi ngờ liên quan đến vụ án ghi số đề trên địa bàn.
“Sự việc anh Hướng nhập viện sau khi làm việc, người nhà anh Hướng đã có đơn trình báo. Chúng tôi đã chuyển lên công an tỉnh điều tra xác minh. Còn chuyện người ta nói đánh thì chuyện của người ta. Công an có đánh hay không phải chờ cơ quan chức năng có kết luận. Chuyện công an đến nhà xin lỗi, hứa giải quyết tôi không nắm được”, ông Quế nói.