Theo phản ánh từ Tập đoàn Thành Nam, vụ kiện giữa Công ty Posco với Tập đoàn Thành Nam tại TAND quận Nam Từ Liêm đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp này, đặc biệt là uy tín của một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Do đó, phía Tập đoàn Thành Nam cũng mong muốn vụ kiện được giải quyết một cách nhanh chóng và đúng pháp luật nhằm làm sáng tỏ sự thật về khoản nợ mà Công ty Posco khởi kiện đòi Tập đoàn Thành Nam phải trả. Tại phiên toà sơ thẩm, Tập đoànThành Nam đã trình bày rất rõ về việc không còn nợ tiền Công ty Posco nhưng ý kiến này toà không xem xét vì vụ án đã bị đình chỉ với lý do nguyên đơn không có quyền khởi kiện do hết thời hiệu khởi kiện.
Trở lại nội dung việc tranh chấp giữa hai đơn vị có quan hệ truyền thống trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng thép không gỉ. Theo trình bày của Công ty Posco trình bày tại toà án, hai doanh nghiệp đã có quan hệ kinh doanh với doanh số bán hàng lên đến hơn 1 nghìn tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Thành Nam đã thanh toán hơn 908 tỷ đồng. Số tiền còn lại là hơn 58 tỷ, Tập đoàn Thành Nam đã xác nhận công nợ nhưng chậm trả nợ nên Công ty Posco đã khởi kiện đòi nợ đối với Tập đoàn Thành Nam.
Ngược lại, Tập đoàn Thành Nam khẳng định, các biên bản xác nhận công nợ mà Công ty Posco viện dẫn không phải do người có thẩm quyền của Tập đoàn Thành Nam ký không được coi là văn bản có giá trị pháp luật, giàng buộc trách nhiệm của các bên. Hơn nữa, bản thân biên bản xác nhận công nợ không chứng minh được nguồn gốc của số nợ là xuất phát từ hợp đồng mua bán nào nên biên bản xác nhận công nợ này không đáng tin cậy và phải xem xét lại. Nội dung này, Tập đoàn Thành Nam đã trao đổi với Công ty Posco khi hai bên có vướng mắc và trong quá trình toà án giải quyết tranh chấp. Vì số nợ trên là “không rõ nguồn gốc” nên Tập đoàn Thành Nam không chấp nhận yêu cầu khởi kiện từ phía Công ty Posco.
Lý giải về điều này, đại diện của Công ty Thành Nam cho biết, để thực sự hiểu rõ giữa Tập đoàn Thành Nam và Công ty Posco còn tồn tại số nợ 58 tỷ đồng hay không, cần phải hiểu về cách thức mà hai bên giao dịch mua bán hàng hoá với nhau.
Theo đó, từ năm 2011 đến 2013 Thành Nam và Công ty Posco ký nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa. Việc mua bán hàng hoá được thực hiện theo quy trình mà bên bán quản trị chặt chẽ, khó có thể làm phát sinh công nợ. Trước hết, hai bên ký hợp đồng mua bán, sau đó bên mua thực hiện việc đặt hàng và đặt cọc; gửi kế hoạch lấy hàng. Sau khi bên bán xuất hoá đơn giá trị gia tăng, bên mua trả tiền mua hàng hoặc có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng thì bên bán mới tiến hành giao hàng.
Căn cứ theo hợp đồng mua bán giữa hai bên đã được ký thì phía Công ty Posco sẽ xuất hóa đơn trước và chỉ giao hàng sau khi Công ty Thành Nam hoàn tất nghĩa vụ thanh toán. Do đó, Công ty Thành Nam cho rằng, khó có thể phát sinh công nợ giữa hai bên, bởi nếu có thì Công ty Posco đã yêu cầu ngân hàng bảo lãnh phải thanh toán khoản nợ này.
Lý giải về biên bản xác nhận công nợ do kế toán trưởng hai bên ký, Tập đoàn Thành Nam cho rằng, phương thức thanh toán được thể hiện tại các hợp đồng mua bán hàng hóa cụ thể hai bên không thỏa thuận về việc thanh toán theo biên bản xác nhận nợ. Biên bản đối chiếu công nợ được ký bởi kế toán trưởng của hai công ty vào ngày 27/11/2013 là chứng từ phục vụ cho mục đích hạch toán kế toán của cả hai bên, chỉ căn cứ trên tổng các hóa đơn Công ty Posco đã xuất mà không dựa vào biên bản giao hàng thực tế nên không có giá trị xác định nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn Thành Nam.
Do vậy, trong công văn ngày 11/12/2013 gửi Công ty Posco, Tập đoàn Thành Nam đã nêu rõ hai bên vẫn tiếp tục làm rõ số liệu trên vì vẫn còn một số sai sót và tiếp tục chốt lại biên bản vì số nợ là "ảo", không phản ánh đúng số hàng đã giao nhận. “Biên bản đối chiếu công nợ chỉ căn cứ trên tổng các hóa đơn Công ty Posco đã xuất mà không căn cứ vào hàng hoá thực tế đã giao nhận nên không phản ánh đúng số nợ thật. Do đó, nếu dựa vào biên bản trên để xác định số nợ thì thực chất, đó là số nợ ảo nên thực chất Tập đoàn Thành Nam không nợ Công ty Posco”, đại diện doanh nghiệp này khẳng định.
Theo các tài liệu do Tập đoàn Thành Nam cung cấp, doanh nghiệp này tích cực tham gia giải quyết tranh chấp tại toà án và không ngại tung ra các bằng chứng để phản bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Lý giải về điều này, đại diện Tập đoàn Thành Nam cho rằng, vụ việc tranh chấp này đã khiến cho hình ảnh công ty bị ảnh hưởng. Do đó, phía công ty tích cực giải quyết để nhanh chóng có phán quyết cuối cùng về vụ việc, đặc biệt là việc làm rõ nguồn gốc số nợ mà Công ty Posco khởi kiện đòi Tập đoàn Thành Nam. Song, vụ việc kéo dài đến hơn 4 năm khiến cho doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau khi TAND quận Nam Từ Liêm đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do đơn khởi kiện của Công ty Posco được nộp khi đã hết thời hiệu khởi kiện, Tập đoàn Thành Nam không kháng cáo nhưng doanh nghiệp này cho rằng, bản chất đây là một vụ kiện đòi nợ không có thực bởi số tiền đòi nợ không dựa trên hợp đồng, hóa đơn cụ thể và thực tế phía Công ty Thành Nam chưa được nhận hàng. Do vậy, vụ án có đình chỉ hay xét xử thì cũng có cùng một phán quyết là Tập đoàn Thành Nam không còn nợ Công ty Posco mới đúng bản chất thực tế của quan hệ thương mại giữa hai bên.
Vụ tranh chấp đang được TAND TP Hà Nội xem xét theo kháng cáo của Công ty Posco. Ngoài vấn đề mà Công ty Posco yêu cầu toà giải quyết, những ý kiến từ phía bị đơn cũng cần phải làm rõ để sự thật về khoản nợ được sáng tỏ.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.