Chuyện hy hữu đã xảy ra tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), khi ông Nguyễn Văn Ngọc, VKSND huyện truy tố giám đốc Cty TNHH Ngọc Phúc về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn các bị hại thì lại không thừa nhận họ bị lừa…
Giúp người dân thành... có tội
Theo cáo trạng, tháng 7/2007, Hội đồng Giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Tĩnh Gia do ông Lê Minh Thông, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia làm Chủ tịch tiến hành kiểm kê thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện. Trong số các hộ dân bị thu hồi đất, có hộ ông Lê Hữu Việt, Lê Hữu Quý và Hoàng Thái Sâm. Ao hồ của 5 hộ này đều có tên trong sổ mục kê và bản đồ địa chính năm 1996. Thế nhưng các hộ dân này lại bị “sách nhiễu” về thủ tục bồi thường nên bị chậm đền bù thiệt hại theo quy định của Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh: Tại thời điểm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân, các Cơ quan có thẩm quyền ở huyện Tĩnh Gia đã không tiến hành bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân nói trên theo đúng quy định của pháp luật. Cũng bắt nguồn từ việc làm sai của các cơ quan này, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Theo đó, họ đã từng đến nhờ ông Ngọc tư vấn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Ông Ngọc đã đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thu thập tài liệu, chứng cứ (bản đồ địa chính, sổ mục kê)…, hướng dẫn các hộ dân làm đơn khiếu nại, đơn đề nghị và trực tiếp đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị các cơ quan này xét duyệt cho họ được được bồi thường theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc ông Ngọc đã thỏa thuận nếu các hộ dân được bồi thường 100% thì Cty TNHH Ngọc Phúc được hưởng thưởng 50% là hoàn toàn tự nguyện và hợp lý. Đây là một giao dịch dân sự thuần túy, hoàn toàn tự nguyện giữa ông Ngọc và các hộ dân. |
Do vậy, số hộ dân trên (đều là bà con họ hàng nội ngoại với ông Nguyễn Văn Ngọc) đã đến Cty TNHH Ngọc Phúc, một DN có chức năng tư vấn nhà đất, tư vấn giới thiệu việc làm, để nhờ tư vấn, viết đơn yêu cầu Hội đồng GPMB đền bù thỏa đáng.
Ngày 10/2/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt tiền bồi thường. Sáng 11/2/2009, ba hộ gồm Lê Hữu Việt, Lê Hữu Quý, Hoàng Thái Sâm được nhận đền bù hơn 622 triệu đồng.
Trong số tiền còn lại được các hộ này “trả công” cho ông Nguyễn Văn Ngọc 250 triệu đồng; hộ ông Mai Đình Lộc và bà Mai Thị Liên cũng “trả công” cho ông Nguyễn Văn Ngọc 180 triệu đồng…
Mặt khác, tháng 2/2005, ông Nguyễn Văn Ngọc còn nhận 80 triệu đồng “làm dịch vụ giúp” ông Lê Văn Luật ở xã Hải Yến, rồi “nhờ” ông Hoàng Văn Chúc ở thị trấn Tĩnh Gia “giúp chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.
Những việc làm trên của ông Nguyễn Văn Ngọc lại bị VKSND huyện Tĩnh Gia truy tố về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm môi giới hối lộ”. Ông Vũ Đình Thám (nguyên cán bộ nghỉ hưu) bị truy tố về “Tội nhận hối lộ”.
Bị hại không nhận mình là… bị hại
Sau khi nghị án, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Lê Duy Vẽ ký Quyết định số 04/2010/HSST-QĐYCĐTBC, nhận định: “Chưa có căn cứ vững chắc để kết luận hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Văn Ngọc. Bởi đây là tội xâm phạm đến quyền sở hữu, nhưng các sở hữu chủ gần như toàn bộ cho rằng mình không bị lừa đảo và cũng không bị chiếm đoạt tài sản, việc giao tài sản cho bị cáo Ngọc là hoàn toàn tự nguyện”.
Quyết định trên còn nhận định: “Riêng đối với khoản tiền 10 triệu đồng ông Luật đã giao cho Nguyễn Văn Ngọc để xin việc cho con gái là Lê Thị Hồng, thực tế Nguyễn Văn Ngọc cũng đã liên hệ xin việc, số tiền này tại phiên tòa ông Luật thừa nhận đã được Ngọc giao lại. Dù số tiền này Ngọc chưa giao lại cho ông Luật thì cũng không cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vì nếu có việc chiếm đoạt thì Ngọc cũng không có mục đích trước”…
Vì vậy, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ cho VKS để yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung: “Làm rõ hành vi lừa đảo xâm phạm quyền sở hữu tài sản của Nguyễn văn để chiếm đoạt tài sản của các chủ sở hữu”.
Xung quanh vụ việc hi hữu này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Bắc Ninh để làm rõ căn cứ điều bất hợp lý trong việc áp dụng luật khi truy tố người giúp đỡ công dân… - Thưa Luật sư, một người không phải là luật sư nhưng cũng đi tư vấn pháp luật và nhận thù lao như ông Nguyễn Văn Ngọc có phải là “lừa đảo” không? - Đúng là chức năng tư vấn pháp luật chỉ có luật sư mới thực hiện được. Nhưng, trường hợp của ông Nguyễn Văn Ngọc cũng không phải là làm trái pháp luật. Vì ông Ngọc không mạo danh là luật sư để thực hiện việc tư vấn pháp luật, giúp đỡ người dân để lấy thù lao. Bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình, ông ta giúp người dân khiếu nại và nhận thưởng của người dân. Như vậy, người dân tự nguyện đưa tiền cho ông Ngọc thì không thể nói là lừa đảo được. - Vậy, ông Nguyễn Văn Ngọc căn cứ vào đâu để nhận tiền của các hộ dân, thưa ông? - Theo quy định của Bộ Luật dân sự thì người ta có thể thực hiện một công việc mà người giao việc có thể thưởng cho người nhận việc. Đó là việc hứa thưởng và nhận tiền thường, không trái pháp luật. Trong thực tế, những trường hợp như trên khá phổ biến, đặc biệt ở khu vực nông thôn, nơi có ít cơ hội tiếp cận dịch vụ pháp lý của luật sư. Như vậy, trường hợp người dân có việc phải nhờ người khác và trả tiền thưởng, tiền công là không trái pháp luật, nhất là khi việc “nhờ vả” này đã được thực hiện xong. - Xin cảm ơn ông! |