Bi kịch chồng gần

(PLVN) - Đừng đứa nào lấy chồng xa mẹ đấy nhé. Mẹ chỉ cho phép trong vòng bán kính 10 cây số thôi đấy! ”. Cầu được ước thấy, cả hai đứa con gái của bà Thành đều lấy chồng gần, quá gần là đằng khác. Cô chị lấy chồng đầu phố này với giữa phố kia. Cô em thì hai nhà cách nhau đâu có năm phút chạy bộ.... Tác giả: Hồng Minh

Nhà có hai đứa con gái, khi con vừa đến tuổi cập kê, bà Thành đã ra vào tỉ tê: “Con ơi, các cụ nói cấm có sai đâu.

Con gái mà gả chồng gần

Có bát canh cần nó cũng đem cho

Con gái mà gả chồng xa

Trước là mất giỗ, sau là mất con.

Đừng đứa nào lấy chồng xa mẹ đấy nhé. Mẹ chỉ cho phép trong vòng bán kính 10 cây số thôi đấy! ”. Cầu được ước thấy, cả hai đứa con gái của bà Thành đều lấy chồng gần, quá gần là đằng khác. Cô chị lấy chồng đầu phố này với giữa phố kia. Cô em thì hai nhà cách nhau đâu có năm phút chạy bộ. Khỏi phải nói cũng biết bà Thành vui thế nào. Con gái đi lấy chồng mà cũng như không vì chỉ cần "ới" một câu là chúng tề tựu đông đủ. Chứ có đâu như cảnh nhà bà Thân, bạn gái từ hồi để chỏm của bà. Gả con lấy chồng xa, đã chín cái giỗ bố qua đi mà con chưa một lần về thăm nhà, kể từ ngày chào mẹ xuất giá. Rồi hai cô con gái đồng loạt đẻ, chỉ cách nhau vài tháng. Bà Thành phờ phạc đi trông thấy, còn hàng xóm mỗi lần gặp lại đùa: “Gớm, dạo này bà như sao giới sâu – bít ấy nhỉ, chạy sô liên tục”. Bà Thành chỉ còn biết mếu máo cười, bởi chồng vừa ngã trẹo chân đang nằm nhà rên hừ hừ, mà hai cô con gái gọi điện réo liên tục. Nào “mẹ ơi, cu Bin lại hâm hấp rồi, quấy lắm, mẹ sang ngay nhé”, rồi “mẹ ơi, con cho con Tũn ăn sữa mà sao nó cứ phun, kiểu này chỉ tín nhiệm mỗi bà ngoại thôi”…Máu chảy ruột mềm. Bận lắm, mệt lắm, nhưng hễ cứ nghe tiếng con bà Thành lại tặc lưỡi, cắp nón đi. Thông gia mỗi khi gặp bà tất tả đến chăm con gái lại thả ra những câu khen mát ruột “Bà ngoại mát tay quá, cháu đứa nào cũng ngoan”. Báo hại, ông chồng già của bà nhăn nhó “Được tiếng khen ho hen chẳng còn”. Thấm thoắt cũng đến ngày hai đứa con gái hết hạn nghỉ đẻ đi làm, chẳng hiểu hai chị em nó bàn nhau thế nào mà đồng loạt sang nỉ non “mẹ trông cháu hộ con”. Cứ nghĩ đến cảnh già mà phải sống lại những ngày nuôi con mọn bà lại thấy rùng mình!

Tuy cha mẹ không yêu cầu, nhưng cứ nghĩ đến cảnh mấy đứa bạn gái lấy chồng xa, Tết nào cũng bìu ríu nhau về nhà chồng ăn Tết bỏ bố mẹ đìu hiu ở nhà, Yến đã hạ quyết tâm chỉ lấy chồng gần. Chồng Yến chính là cậu bạn hàng xóm cạnh nhà, ngày xưa cùng học, hai bà mẹ cũng trong “hội” buôn dưa lê của phố. Ngày cưới Yến, khi trưởng đoàn xin dâu nhà trai đã bước vào trong rạp nhà gái thì người cuối cùng vẫn ở trong rạp nhà trai. Mọi sự vẫn yên ổn cho đến ngày Yến sinh cu Bum. Con đầu cháu sớm nên bà nào cũng quý cũng yêu “cháu vàng cháu bạc của bà” và mâu thuẫn cũng bắt đầu từ những cách chăm cháu mà theo mỗi bà thì chỉ “có cách của tôi là đúng”. Có lần, trở về nhà sau giờ làm việc, Yến chứng kiến hai mẹ đứng ở đầu ngõ, cãi nhau tay đôi về chuyện cun Bum sốt nên hạ sốt bằng thuốc hay lá nhọ nồi, mà như quên mất thằng cháu ốm đang khóc e é trong nhà. Yến lặng lẽ đi vòng lối sau về nhà vì nếu không sẽ chẳng biết can ngăn và ứng xử thế nào, bênh mẹ đẻ hay mẹ chồng. Tối hôm ấy, chồng về, chẳng hiểu nghe mẹ thế nào lại trách Yến: “Em chẳng biết nói mẹ em gì cả”. Vừa bực chồng ăn nói không suy nghĩ, vừa giận mẹ chẳng biết giữ lời làm khổ con, Yến to tiếng lại. Thế là chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng lại xảy ra. Đã nhiều lần Yên khóc lóc, cầu xin mẹ đừng tranh luận với bà thông gia nữa. Nhưng Yến cũng biết điều đó là không thể vì hai bà vốn là “thành viên” tích cực nhất của tổ “tám” mà. Hơn nữa, mẹ Yến cứ mỗi lần nghe con yêu cầu mình kiệm lời, lại đùng đùng chạy sang sang nhà mắng vốn thông gia là “đã không hiểu lại còn dạy bảo con dâu này nọ”. Nhiều lúc quá bực bội, mệt mỏi, Yến đâm ra nghĩ quanh co “Giá như ngày xưa mình đừng sớm nghe câu hát “Chim đa đa, đậu ở cành đa/Chồng gần không lấy, lại lấy chồng xa”, thì nay đâu đến nỗi…”.