Bi kịch trong gia đình 18 năm sống cùng những cơn say

Hai chị em đứa bé Phạm Thị Huế và Phạm Văn Thương cùng người mẹ nuôi dắt nhau đến tòa soạn chúng tôi vào một buổi chiều mưa, vành khăn tang vẫn trắng trên đầu và mắt vẫn ướt nước không hiểu vì nước mưa hay lệ rơi. Hai đứa bé còn ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã biết mếu máo: “Từ khi lớn lên chúng cháu đã khổ sở vì những cơn say rượu của bố, thế nên chỉ mong các cô chú cho mọi người biết thảm cảnh trong gia đình cháu để đừng ông bố nào say sưa rượu chè nữa mà khổ các con”.

[links()] Hai chị em đứa bé Phạm Thị Huế và Phạm Văn Thương cùng người mẹ nuôi dắt nhau đến tòa soạn chúng tôi vào một buổi chiều mưa, vành khăn tang vẫn trắng trên đầu và mắt vẫn ướt nước không hiểu vì nước mưa hay lệ rơi. Hai đứa bé còn ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã biết mếu máo: “Từ khi lớn lên chúng cháu đã khổ sở vì những cơn say rượu của bố, thế nên chỉ mong các cô chú cho mọi người biết thảm cảnh trong gia đình cháu để đừng ông bố nào say sưa rượu chè nữa mà khổ các con”.


Đổ đốn vì vụ mất trộm?

Người mẹ nuôi của hai đứa trẻ cho biết, cưới nhau được 18 năm trời cũng là 18 năm hung thủ Nguyễn Thị Thơ phải làm vợ và làm mẹ trong cảnh bần hàn túng quẫn với người chồng nghiện rượu tối ngày. Có lẽ trong gia đình ấy, thứ nhiều nhất 3 mẹ con biết đến là những trận đòn của chồng, những giọt nước mắt của mấy mẹ con khóc trong những lần anh Lai uống rượu say về đánh chửi, đập phá.

Cặp vợ chồng này đều là những người quê gốc ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), sau đó chuyển đến vùng kinh tế mới và lập nghiệp ở Hà Giang. Lúc chưa cưới nhau, cả hai đều là những thanh niên chịu thương chịu khó. Thế nhưng tật nghiện rượu đã biến người thanh niên đẹp trai, giỏi giang thành một kẻ nghiện ngập tối ngày.

Khi chưa cưới vợ, anh Lai là người khéo tay, hay làm với sức vóc cao lớn khỏe mạnh. Làm lụng quần quật suốt ngày không biết mệt, nhờ chịu thương chịu khó mà anh đã dành dụm được một số tiền khoảng hơn mười triệu đồng. Số tiền đó so với thời giá những năm 1990 là số tiền rất lớn đối với một người thanh niên đang lập nghiệp. Thế nhưng số tiền bấy lâu góp nhặt bỗng dưng bị trộm khiến anh thanh niên đang tu chí đâm ra chán nản, quẫn chí. Vì tiếc số tiền mà mình dồn bao công sức mới làm được bị mất, người thanh niên ấy đã tìm đến rượu để giải sầu. Lâu dần rượu trở thành thói quen không thể thiếu của anh, khiến anh không còn chí thú làm ăn như xưa nữa, rồi trượt dài trên con đường nghiện nghập.

Nguyễn Thị Thơ là một thiếu nữ đẹp người đẹp nết  được nhiều thanh niên trong xóm để ý đến nhưng cô chưa đồng ý một ai. Chỉ đến khi gặp anh Lai thì họ mới bén duyên nhau và từng được đánh giá là đôi “trai tài gái sắc”. Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi anh Lai mặc dù có vợ nhưng thói quen rượu chè vẫn không thể bỏ được, mà mỗi lần rượu say thì anh lại chửi bới đánh vợ. Mới đầu chị Thơ đã khuyên chồng hết lời nhưng cũng chỉ được một thời gian người chồng đâu lại vào đó.

Hai đứa con trước bàn thờ cha.
Hai đứa con trước bàn thờ cha.

Nhưng vì yêu chồng chị vẫn không bỏ cuộc, vẫn luôn khuyên can chồng. Đến khi đứa con đầu lòng của anh chị ra đời là bé Phạm Thị Huế, tưởng chừng hạnh phúc sẽ trở lại khi có tiếng cười trẻ thơ trong căn nhà đó. Vậy mà cuộc sống lại tối tăm hơn với người vợ đáng thương này. Người chồng càng bê tha rượu chè hơn, bỏ mặc vợ và con nhỏ đáng thương trong căn nhà nghèo khó. Mỗi lần rượu say thì hai mẹ con lại phải bồng bế nhau lánh đi không thì sẽ nhận được những trận đòn vô cớ của người chồng. Khuôn mặt cháu bé đến giờ vẫn còn một vết sẹo dài, tàn tích của một lần cháu bị bố trong cơn say phang cả gáo nước vào mặt.

Cuộc sống làm vợ kẻ say tiếp tục với chị cả đến khi đứa con trai thứ hai ra đời cũng không làm người bố “ma men” kia thay đổi được gì. Có chăng thay đổi cũng chỉ là say nhiều hơn và đánh đập mấy mẹ con nhiều hơn mà thôi. Khi chồng say rượu thì không làm ăn được gì, một tháng may ra người chồng tỉnh rượu được mười ngày. Vì thế mà chị Thơ đã trở thành lao động chính nuôi sống cả nhà. Tiền nuôi con, tiền cho chồng thỏa cơn say đã làm cho cuộc sống của mấy mẹ con thêm phần khốn khổ. Sau một lần bị bố say dìm xuống ao gần chết, bé Huế xin phép mẹ cho đi xuống Hà Nội làm thuê.

“Con giun xéo mãi cũng quằn”

Chị Quách Thị Huyền (ngụ Hà Nội) là người đã đứng ra cưu mang hai đứa trẻ đáng thương cho biết. “Trước kia, thời gian khi cô ấy không chịu nổi chồng và đã xuống đây làm thuê, tôi đã bảo cô ấy ở lại đây nhưng cô ấy không nghe vì thương người chồng nghiện rượu khi say sẽ không có ai chăm sóc. Chỉ vì vấn vương chồng nên cô ấy mới quay về để và mới có chuyện như vậy”.

Chị tiếp lời: “Tuy tôi không phải ruột thịt nhưng tôi hiểu và thương cô ấy lắm, cô ấy là người hiền lành, sống nội tâm và hết lòng vì chồng con”. Chị kể có lần Thơ gọi điện xuống Hà Nội nói rằng nhà bị mất con gà, nhìn thấy bên hàng xóm có gà nhà mình nhưng cũng không dám đòi. Trong mắt hai đứa trẻ và cả hàng xóm, hung thủ Nguyễn Thị Thơ là một người phụ nữ hiền lành.

Gần 20 năm sống cùng người chồng nghiện rượu đã làm cho người phụ nữ này gầy mòn héo hon, từ một người khỏe mạnh bây giờ chỉ còn hơn 30 cân nặng. Những trận đòn của chồng cùng với gánh nặng gia đình đã làm cho người đàn bà này cạn sức lực và ốm yếu. Chị chưa từng kể với ai về việc mình bị chồng đánh bao giờ. Chị cũng đã có lần mang con bỏ về nhà mẹ đẻ nhưng không ở được vì những người anh em bên ngoại không chấp nhận, sợ bị chia đất.

Do bị hành hung nhiều lần nên người đàn bà cũng dần tìm cách tự vệ khi đã từng đánh lại khiến anh chồng từng ngã dập sống mũi. Có lẽ đỉnh điểm bi kịch là khi chiếc vô tuyến, tài sản có giá nhất trong căn nhà đã được người chồng đem đi đổi lấy 50 ngàn đồng lấy tiền uống rượu. Có lẽ “con giun xéo lắm cũng quằn” khi hai vợ chồng xô xát nhau vào ngày 11/11 vừa qua và người vợ đã siết cổ chồng đến chết bằng một sợi dây thừng, phi tang xác chồng bằng cách ném trôi sông.

Những đứa trẻ tội nghiệp

Bi kịch đi qua, người chồng say đã chết, người vợ quẫn trí đã vào trại tạm giam, nỗi đau còn lại chỉ những đứa con vô tội gánh chịu. Cô bé Phạm Thị Huế nói trong tiếng nấc nghẹn nghào: “Cháu không trách mẹ nhiều. Cháu đã rất buồn vì mất bố nên không muốn mất thêm mẹ”. Đứa em trai tên Thương thì chỉ nói được câu: “Giá như bố cháu không say rượu”, rồi lại khóc nức nở.

Từng gặp hung thủ Nguyễn Thị Thơ những lần xuống Hà Nội làm thuê nên chị Quách Tân Huyền rất cảm thông và thương cảm hoàn cảnh éo le của gia đình này và nhận cháu Thương làm con nuôi. Tuy không phải là “mang nặng đẻ đau” nhưng nhìn con nuôi nức nở, người phụ nữ này cũng ứa nước mắt: “Cùng là phụ nữ nên tôi hiểu một người trong hoàn cảnh như cô Thơ hành động như vậy tuy quá đáng nhưng cũng vì nguyên nhân uất ức quá mà thôi. Với một người chồng quanh năm say xỉn lại đánh vợ con thường xuyên thì ít ai chịu đựng nổi từng ấy năm”.

Chị tiếp lời: “Vụ việc đáng tiếc đã xảy ra. Tôi chỉ mong mọi người hãy hiểu cho tâm trạng của một người phụ nữ trong hoàn cảnh như vậy. Cô ấy có tội nhưng mọi người đừng nhìn cô ấy là một “sát thủ máu lạnh”, cô ấy đã nhẫn nhịn nhiều quá”.

Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết về sự việc người vợ nhẫn tâm siết chồng đến chết, độc giả Phạm Hoài Linh (quê ở Yên Bái)  là người từng có thời gian làm thuê cùng Nguyễn Thị Thơ cũng bày tỏ sự thông cảm với người phụ nữ vừa đáng thương vừa đáng tội này bằng lá thư gửi về tòa soạn. Lá thư có đoạn: “Cùng là người phụ nữ có gia đình chồng con, tôi thấy Thơ là người phụ nữ khổ nhất mà tôi từng biết, mắt chị ấy lúc nào cũng như muốn khóc. Ngoài đời chị Thơ rất hiền lành và ít nói…”.

Cuối lá thư, độc giả Linh viết: “Tôi biết chị ấy có tội, nhưng xin mọi người hãy bao dung hơn với con người đã nhẫn nhục nhiều năm nay để sống với chồng con, nhưng đã không giữ được bình tĩnh nên trong một cơn tức giận bộc phát, một người ít học như chị ấy cuối cùng đã quẫn trí… Tôi xin mọi người hãy có cái nhìn bao dung cho lỗi lầm của chị ấy”.

Theo Pháp luật & Thời đại

Đọc thêm