Thế nhưng, có một giai đoạn, Biệt đội Đỏ của SEAL 6 còn sử dụng vũ khí rất thô sơ là một chiếc rìu – loại vũ khí sau này trở thành một biểu tượng đầy tiêu cực về những hành động giết chóc bừa bãi của một bộ phận thành viên SEAL 6.
Vượt tầm kiểm soát
Những thành công vang dội trong năm 2002 đã khiến Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (JSOC) chọn SEAL 6 làm đơn vị dẫn đầu trong cuộc truy lùng phiến quân Al Qaeda cũng như trong cuộc tiến quân vào Baghdad hồi tháng 3/2003.
Vai trò ngày càng lớn của Lực lượng Tác chiến Đặc biệt trong chiến lược trọng điểm của quân đội Mỹ khiến Đội đặc nhiệm SEAL 6 không ngừng mở rộng về quy mô và trách nhiệm so với thời điểm sau sự kiện 11/9.
Đến năm 2006, SEAL 6 đã nâng quân số từ 200 lên 300 thành viên và từ những đội biệt kích ban đầu, SEAL 6 dần trở thành các đơn vị chiến đấu. Năm 2008, SEAL 6 có thêm Biệt đội Bạc - đội thứ 4 sau 3 Biệt đội Đỏ, Vàng và Xanh.
SEAL 6 vẫn tự hào về việc không phải tuân theo cách thức hoạt động của các đơn vị quân đội thông thường, theo đó, quá trình thực thi nhiệm vụ của họ phụ thuộc khá nhiều vào phán đoán và quyết định của từng cá nhân trên chiến trường. Nói cách khác, các thành viên của SEAL 6 – dù không ở vị trí chỉ huy – có ý thức rất cao về “giá trị cá nhân”.
Khi số lượng thành viên tăng lên 300 người, những chỉ huy trong đơn vị càng khó có thể bao quát những quyết định mang tính chiến thuật trên chiến trường. Đây chính là kẽ hở tạo nên những chỉ trích trong nội bộ quân đội Mỹ rằng Đội đặc nhiệm SEAL 6 – với các hình xăm khắp tay, chân, mình – trông chẳng khác nào những thành viên của một băng đảng xã hội đen.
Những đồn đoán về các hành động tàn bạo của họ trên chiến trường vẫn tồn tại, dù một số người bào chữa cho họ rằng đó là “hội chứng tâm lý chiến tranh” để chống lại kẻ thù.
Bầu không khí khi SEAL 6 thực hiện các chiến dịch luôn nóng hừng hực. “Khi được điều động tới Afghanistan, chúng tôi chỉ thực hiện khoảng 5 nhiệm vụ. Khi di chuyển tới Iraq, chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ tới 5 ngày trong một tuần. Iraq là một môi trường có rất nhiều mục tiêu, vì vậy chúng tôi được phép hành động quyết liệt hơn bình thường” – một cựu thành viên SEAL 6 kể lại.
Theo các thành viên SEAL 6, Tướng chỉ huy Stanley McChrystal đã yêu cầu SEAL 6 thúc đẩy tiến độ tác chiến và tiến hành các cuộc đột kích thường xuyên hơn để quét sạch các lực lượng nổi dậy ở cả Iraq và Afghanistan, kể cả trong một số trường hợp họ không có đủ thông tin tình báo đủ tin cậy.
Wyman Howard – người có ý tưởng tặng rìu cho các thành viên SEAL 6. |
“Hậu sinh khả úy”
Trong các chỉ huy của SEAL 6, Hugh Wyman Howard là một trong những người sẵn sàng “bật đèn xanh” cho những quyết định tấn công, dù thông tin tình báo không đủ tin cậy. Howard còn nổi tiếng hơn cả Đại úy Vic Hyder (xem kỳ 2) về cách ra quyết định theo hướng “giết nhầm còn hơn bỏ sót”.
Năm 2006, Hugh Wyman Howard – con cháu của một Đô đốc Hải quân và bản thân cũng tốt nghiệp Học viện Hải quân - lên nắm quyền chỉ huy Biệt đội Đỏ với khoảng 50 thành viên. Trước đó, dù có quá trình thăng tiến rất nhanh chóng trong Quân chủng Hải quân, song Howard từng hai lần bị cấp trên từ chối trong quá trình huấn luyện để gia nhập SEAL 6.
Đến năm 1998, với sự can thiệp của một quan chức cấp cao tại Trại huấn luyện Dam Neck, Howard đã có một chỗ đứng trong Biệt đội Xanh Lá. Nhờ dòng dõi của Howard, các chỉ huy trong Đội đặc nhiệm SEAL 6 phụ trách chương trình huấn luyện đã phải chịu áp lực để cho Howard vượt qua các bài sát hạch. Sau sự kiện ngày 11/9, dù vẫn còn những dấu hỏi xung sự thăng tiến của mình, song ảnh hưởng của Howard trong đội ngày một gia tăng.
Để Biệt đội Đỏ thể hiện đúng văn hóa của thổ dân châu Mỹ như biểu tượng trên phù hiệu, Howard nảy ra ý tưởng tặng cho mỗi thành viên trong đội 1 chiếc rìu dài khoảng 35cm sau khi họ phục vụ trong lực lượng được 1 năm. Chi phí cho những chiếc rìu này được lấy từ các khoản đóng góp mà Howard đứng ra kêu gọi và được một người thợ làm dao có tiếng ở Bắc Carolina là Daniel Winkler chế tạo.
Theo ý tưởng ban đầu của Howard, những chiếc rìu chủ yếu mang tính biểu tượng, bởi với độ nặng như vậy, chiếc rìu này khó có khả năng phát huy tác dụng trong các chiến dịch đặc biệt vốn có nhịp độ rất nhanh.
Thế nhưng các thành viên Biệt đội Đỏ tìm thấy ở chiếc rìu một ý nghĩa khác: “Đó là cách khẳng định rằng bạn là một bộ phận không thể tách rời của SEAL 6. Có được chiếc rìu này mang lại niềm tự hào, là một minh chứng bạn đang thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc”.
Những chiếc rìu nhuốm máu
Với một số thuộc cấp của Howard, những chiếc rìu nhanh chóng vượt ra khỏi ý nghĩa biểu tượng ban đầu khi được họ dùng để chặt đầu các chiến binh ở Iraq và Afganistan. Một số người thì sử dụng để phá tay nắm cửa trong các cuộc đột kích hoặc để hạ thủ đối phương trong các cuộc giao đấu “tay bo”.
Trong những lần thực hiện nhiệm vụ ở Iraq và Afganistan, các thành viên SEAL 6 còn thường xuyên sử dụng chiếc rìu này để chặt ngón tay, lột da đầu hoặc da trên thi thể kẻ thù để phục vụ mục đích xét nghiệm ADN. Một cựu chỉ huy của SEAL 6 thừa nhận rằng ông lo ngại các thành viên trong đội lạm dụng việc lấy mẫu xét nghiệm DNA để hủy hoại thi thể của đối phương – một hành vi bị coi là tội ác chiến tranh.
Đến năm 2007, khi Howard và Biệt đội Đỏ xuất hiện cùng với những chiếc rìu của mình tại Iraq, các báo cáo nội bộ về việc sử dụng rìu để chặt đầu các chiến binh đã liên tục được gửi tới cho sĩ quan chỉ huy của SEAL 6, gồm Đại tá Scott Moore và trợ lý của ông ta là Đại tá Tim Szymanski.
Những chiếc rìu Winkler mà thành viên Biệt đội Đỏ sử dụng |
Theo báo cáo, trước khi triển khai một chiến dịch, Howard thường tập hợp các thành viên SEAL 6 và nói với họ “hãy tắm máu cho chiếc rìu của mình”. Một thành viên trong SEAL 6 sau đó có biện hộ rằng, những lời nói của Howard chủ yếu khơi dậy tinh thần chiến đấu cho anh em, giống như sự động viên của các huấn luyện viên trước khi vào trận, chứ không phải mang nghĩa đen là sử dụng những chiếc rìu này để thực hiện các hành vi được coi là tội ác chiến tranh.
Thế nhưng, một số thành viên khác lại chỉ trích Howard ra mặt. Họ nói rằng thường xuyên nghe thấy Howard hỏi các thành viên trong đội sau khi thực hiện nhiệm vụ trở về xem liệu họ có quên “tắm máu chiếc rìu” hay không.
Trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Iraq, bản thân Howard cũng thường trở về sau một cuộc đột kích trong bộ dạng bê bết máu dính trên chiếc rìu và bộ đồng phục. Việc Howard tặng rìu và kêu gọi “tắm máu” khiến một số thành viên cấp cao trong SEAL 6 cũng như các quan chức CIA hoạt động bán quân sự trong đội thực sự lo ngại.
Bắt đầu từ năm 2005 cho tới năm 2008, tần suất các lần ra quân của đội SEAL 6 tại chiến trường Iraq và Afghanistan tăng lên đáng kể. Đặc biệt, tình trạng bạo lực gia tăng ở Iraq khiến các thành viên dễ dàng bị kích động dẫn tới hành vi băm chặt thi thể của đối phương - một kiểu hành hình vẫn thường được al Qaeda sử dụng.
“Iraq là một kiểu chiến tranh rất khác, khác xa những điều mà chúng tôi chưa từng thấy trước kia” – một cựu chỉ huy SEAL 6 kể lại. Nhiều người chỉ trích rằng, việc Howard tặng rìu cho các thành viên, kết hợp với tính chất khốc liệt trên chiến trường và sự thiếu kỷ luật quân đội của chính Howard chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”.
Đó cũng là lý do khiến một số thành viên SEAL 6 bị mắc chứng mà các nhà khoa học gọi là “biến dạng về nhân thái và nhân cách” để giống như những thổ dân châu Mỹ trên phù hiệu mà họ đeo. Và cho đến bây giờ, câu chuyện về “những chiếc rìu đẫm máu” của Howard và các thành viên Biệt đội Đỏ một thời vẫn là một “vết đen” mà đội đặc nhiệm lừng danh SEAL 6 muốn càng ít người biết càng tốt!…
(Mời xem tiếp vào số sau)