Bí mật của kích cỡ áo ngực phụ nữ

Nhiều chị em đã bỏ ra hàng đống tiền để mua các loại áo ngực cao cấp của các hãng có tên tuổi, nhưng rồi rốt cuộc vẫn thất vọng khi không tìm được loại có kích cỡ vừa với "núi đôi" của mình. Các chuyên gia tuyên bố, họ hiện đã biết lí do tại sao.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Theo các chuyên gia, hệ thống phân loại kích cỡ đang được ngành công nghiệp đồ lót sử dụng hiện nay đã có từ cách đây 100 năm và nó dựa vào các số đo của... đàn ông.
Sue McDonald, một chuyên gia lắp ráp áo ngực phụ nữ, người đã nghiên cứu về nguồn gốc hệ thống phân loại đồ lót, cho biết, các kích cỡ áo ngực được phát triển từ các kích cỡ áo sơ mi. Trong khi đó, các kích cỡ áo sơ mi lại dựa vào hệ thống phân kích cỡ của quân phục dành cho nam giới trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Những người chỉ trích tuyên bố, hệ thống đo phân loại như trên không còn phù hợp với phụ nữ ngày nay. Atul Khanna, một bác sĩ tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ nói, phụ nữ trước kia thường mảnh mai hơn và sở hữu cơ thể ít nảy nở hơn, nhưng ngày nay, phái yếu có xu hướng sở hữu cơ thể đầy đặn, "phì nhiêu" hơn.
Chẳng hạn như, 60% phụ nữ ở Anh hiện trong tình trạng dư cân hoặc béo phì, đồng nghĩa với hàng triệu người sẽ phải chật vật tìm kiếm một chiếc áo ngực vừa với họ.
Theo Joanna Scurr, một chuyên gia sức khỏe bộ ngực đến từ Đại học Portsmouth University, người từng tiến hành một nghiên cứu riêng rẽ khác về áo ngực, hệ thống phân loại kích cỡ quả áo ngực (cúp ngực) chưa bao giờ được thiết kế vượt quá cỡ H (tương ứng với vòng 1 đạt 102 - 107cm). Trong khi đó, hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ sở hữu bộ ngực "khủng" hơn, lên tới cỡ ZZZ, đồng nghĩa với vòng 1 có thể lên tới trên 150cm.
Bác sĩ Khanna, người đã tiến hành nhiều ca phẫu thuật giảm kích cỡ "núi đôi" cho những phụ nữ không còn lựa chọn nào khác, đã tiến hành khảo sát một nhóm phụ nữ dư cân xem liệu họ có phải hứng chịu các triệu chứng của việc mặc áo ngực không phù hợp, chẳng hạn như đau cổ và đau lưng hay không.
Kết quả thu được hé lộ, 9/10 số người được hỏi thông báo áo ngực của họ gây cảm giác đau, dù đã chọn mua theo kích cỡ công bố. Bị mẩn ngứa cũng là một vấn đề phổ biến khác, với 2/5 số người mắc phải. Khoảng 35% chị em dư cân bị đau vai, 20% đau cổ và 20% khác bị đau lưng.
Ông Khanna cũng phát hiện, áo ngực sai kích cỡ so với bảng phân loại truyền thống thường vừa vặn với người phụ nữ hơn so với những chiếc áo ngực được cho là may đo đúng bảng chuẩn.
Vấn đề trên không chỉ xảy ra với các phụ nữ dư cân, mà còn cả những phụ nữ mảnh mai sở hữu bộ ngực đồ sộ. Hệ thống phân loại kích cỡ thông dụng hiện nay đồng nghĩa, họ được chỉ dẫn sử dụng các áo ngực rất nhỏ ở quanh vai, khiến áo ngực vô cùng chặt, gây khó chịu cho người mặc.
Hệ thống phân loại áo ngực hiện liên quan đến việc lấy 2 số đo, một ở vòng phía dưới ngực (chân ngực) và một ở vòng phía trên (giữa ngực, ngang nhũ hoa). Kết quả đo chân ngực cho cỡ dây lưng của áo ngực, chẳng hạn như 32 hay 34, trong khi sự chênh lệch giữa số đo đó với kết quả đo vòng phía trên ngực sẽ cho cỡ cúp ngực, chẳng hạn như C hay D.
Ông Khanna hiện đã đồng sáng chế ra một bảng phân loại kích cỡ áo ngực có tên gọi là Optifit, sử dụng 3 số đo và được cho là phù hợp và chuẩn xác hơn với hình dạng cặp tuyết lê của phụ nữ hiện đại.