Tọa lạc tại Ninh Bình, nhà thờ này được xây từ 1875 - 1898 và là một biểu tượng về quan niệm phong thủy của người Việt trong kiến trúc tôn giáo.
Khác biệt so với các nhà thờ phương Tây, nhà thờ Phát Diệm hướng theo trục Nam – Bắc, tương ứng với vị thế của đế vương trong phong thủy Á Đông, biểu tượng cho sự cao quý, trí tuệ và quyền lực.
Đặc biệt, hồ nước trước nhà thờ không chỉ là điểm nhấn kiến trúc mà theo quan niệm phong thủy, đây còn là nguồn sinh khí, mang lại may mắn và sự cân bằng năng lượng. Hòn đảo nhỏ giữa hồ với tượng Chúa Jesus càng tô điểm thêm vẻ đẹp và ý nghĩa cho công trình.
|
Hồ nước phía trước nhà thờ (Ảnh: Mia) |
Kiến trúc nhà thờ cũng phản ánh sự tương đồng với Kinh thành Huế, với các công trình trải dài theo trục chính và đối xứng qua trục, tạo nên sự hài hòa và trật tự. Hình dạng mặt bằng nhà thờ tạo thành chữ “Vương”, thể hiện quyền uy và vị thế cao quý.
|
Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm nhìn từ trên cao (Ảnh: Mia) |
Tuy nhiên, mặt trước của nhà thờ có một trục đường đâm thẳng vào. Theo phong thủy phương Đông, đây là điều kiêng kỵ. Vì vậy, để hóa giải, kiến trúc sư đã lệch trục chính so với trục đường và đào 1 ao lớn, khiến lối vào được chuyển sang hai cạnh bên của nhà thờ, phản ánh cách xử lý phong thủy trong kiến trúc truyền thống.
Nhà thờ Phát Diệm không chỉ là kiệt tác kiến trúc mà còn là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa và sự tinh tế trong ứng dụng phong thủy, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Đông và Tây, tạo nên một công trình vừa mang đậm dấu ấn văn hóa, vừa thể hiện sự sáng tạo và tôn trọng quan niệm của người Việt.