“Babylon”, tên của dự án sản xuất một khẩu siêu đại bác được tổng thống Saddam Hussein cho triển khai vào năm 1988. Kỹ sư chịu trách nhiệm chính là một người Canada, Gerald Bull, một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực quân khí.
Trước đó, Bull từng được biết tới khi tên tuổi gắn với những dự án tham vọng của Canada nhằm hồi sinh công nghệ siêu đại bác từng bị bỏ rơi trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Truân chuyên một ý tưởng
Trước đây, Đức Quốc xã từng có ý tưởng dội bom các khu vực từ một khoảng cách rất xa, bằng những khẩu đại bác nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Gustav Lớn và Dora. Những khẩu đại pháo này có thể phóng ra những quả đạn có kích thước 31,5 inch (tương đương 80 cm) và hạ gục mục tiêu ở khoảng cách khoảng 30 dặm (khoảng 47 km).
Tuy nhiên, khả năng cơ động kém khiến những khẩu đại pháo này dễ dàng trở thành mục tiêu của máy bay của Đồng minh và cũng khó bảo trì.
Nhưng Bull thì cho rằng, nếu khẩu pháo này không hữu dụng cho tác chiến, nó có thể dùng vào việc khác. Bull định chế tạo một vật thể được gọi với cái tên “Pháo Không gian”, với khả năng đưa vệ tinh vào quỹ đạo.
Ý tưởng này không thể triển khai do bất đồng với Cục Quân trang và Nghiên cứu Phát triển Canada (CARDE) vào năm 1960 buộc McGill phải ra đi. Bộ Quốc phòng Mỹ biết được tài năng, mời Gerald Bull về cộng tác, phân công đứng đầu dự án HARP – Chương trình nghiên cứu độ cao – để ông được tha hồ thể hiện ý tưởng chế tạo một khẩu thần công có thể bắn quả đạn lên tận quỹ đạo Trái đất.
|
Di sản cuối cùng của dự án Babylon nhiều tham vọng của Saddam Hussein, một ống thép khổng lồ tại bảo tàng Vũ khí Hoàng gia Anh ở Fort Nelson, Portsmouth. |
Dự án này được đặt tại đảo Barbados, các quả đạn thử nghiệm được bắn về phía Đông, ra hướng Đại Tây Dương sử dụng một khẩu pháo cũ của hải quân Mỹ, với đường kính nòng 16 inch (410 mm), chiều dài 20 mét (sau đó được gia cố thêm chiều dài lên tới 40 mét).
Năm 1966, dự án lắp đặt phiên bản thứ ba và cũng là phiên bản cải tiến cuối cùng với bãi thử nghiệm mới ở Yuma, bang Arizona. Ngày 18/11/1966, khẩu pháo mang tên Yuma bắn một trái đạn nặng 180 kg với vận tốc 2.100 mét/giây lên không gian trong một thời gian ngắn và lập một kỷ lục về độ cao mới (180 km).
Tuy nhiên, dự án này bị hủy bỏ do những tranh cãi gay gắt về chính sách của chính quyền trong Chiến tranh Việt Nam và cũng là để bảo vệ mối quan hệ ngoại giao truyền thống giữa Mỹ và Canada.
Ít lâu sau, Richard Bull mở một công ty riêng mang tên “Viện Nghiên cứu Không gian” với ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn chế tạo, sản xuất các loại đại bác. Năm 1978, thông qua bảo trợ của CIA, công ty của Bull đã bán cho Nam Phi 200 khẩu đại bác tầm xa GC 45. Hiệu quả tác chiến của GC 45 đã góp phần rất lớn giúp Nam Phi chiến thắng Angola vào năm 1979.
Năm 1980, Bull bị bắt giữ về tội vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Nam Phi, bị một tòa án ở Canada tuyên phạt 6 tháng tù giam. Sau khi được trả tự do, Bull đến sinh sống tại Bỉ và lập Công ty EPRB chuyên tư vấn chế tạo, sản xuất các loại siêu đại bác.
Ý tưởng lớn gặp nhau
Năm 1981, Chính phủ Iraq chủ động liên lạc với Bull và mời hợp tác thiết kế pháo binh cho Iraq, giúp nâng cấp năng lực quốc phòng phục vụ cho cuộc chiến chống nước láng giềng Iran.
Sự hợp tác này được hiện thực hóa bằng bản hợp đồng năm 1988, theo đó Baghdad đồng ý “rót” cho Bull 25 triệu USD để hoàn thành “dự án Babylon” với những siêu đại bác – những pháo không gian đầu tiên của nhân loại.
Bull đã hoàn thành khá tốt cam kết: Hai sản phẩm ra đời là khẩu “Đại Babylon” và “Tiểu Babylon”. “Tiểu Babylon” sử dụng loại đạn 13,5 inch (350mm), được bắn đi từ ống phóng có chiều dài tới 46 mét. Trong thử nghiệm, khẩu đại bác này có tầm bắn lên tới 466 dặm, tương đương 750 kilômet nhưng trọng lượng của nó nặng tới 102 tấn. Khẩu đại bác rất khó di chuyển và phạm vi pháo kích của khẩu thần công này không thể với tới lãnh thổ Israel.
|
Gerald Bull bên cạnh một khẩu pháo mình tạo ra ở Highwater, Quebec, Canada. |
Còn “Đại Babylon” thì gồm một ống phóng 156 mét, đủ sức để khai hỏa một trái đạn 1 mét; trọng lượng thiết kế là 2.100 tấn, hy vọng có thể là một khẩu súng không gian, với khả năng đưa vệ tinh vào quỹ đạo.
Thiết bị này buộc phải được trang bị hệ thống dẫn đường giai đoạn cuối, không có khả năng thay đổi góc bắn, tốc độ nạp đạn và bắn cũng là điều đáng bàn, còn âm thanh phát ra từ mỗi lần bắn là một “đặc sản”: Đối phương có thể nhận ra vị trí của “Đại Babylon” ngay khi khai hỏa.
Với những thông số và khả năng tác chiến như vậy, “Đại Babylon” không tạo ra khác biệt gì đáng kể so với những siêu đại bác của Đức Quốc xã trong chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Giấc mộng dang dở
Câu hỏi về mục đích thực sự của dự án Babylon tới giờ vẫn nằm trong vòng bí ẩn, ngay cả Saddam Hussein cũng chưa từng đề cập tới ý định của ông khi xây dựng khẩu đại pháo này. Thời điểm đó, Iraq đã có trong tay tên lửa Scud, loại vũ khí hiệu quả và thực tế hơn siêu pháo Babylon rất nhiều.
Tuy nhiên, Bull vẫn dự định đưa vào sản xuất một phiên bản nâng cấp của “Đại Babylon” – một khẩu pháo có thể đặt vừa trên một toa tàu và di chuyển khi cần thiết. Tầm bắn của khẩu pháo thứ ba này vào khoảng 1.000 km, có thể hủy hoại cả Israel lẫn Iran, hai nước vốn chẳng có quan hệ tốt đẹp với chính quyền Saddam Hussein.
Nhưng điều quan trọng nhất khiến “Đại Babylon” không bao giờ có thể khai hỏa trên chiến trường là bởi bộ óc đứng sau nó - Gerald Bull bị ám sát tại Brussels tháng 3/1990. Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra sau sự kiện này mà kịch bản chắc chắn nhất là cơ quan Mật vụ Israel – Mossad - đã “xuống tay” nhằm ngăn ngừa hậu họa.
Sự nghi ngờ này bắt nguồn từ việc Mossad là người đầu tiên công bố thông tin về sự liên quan của các đặc vụ Iraq tới vụ ám sát này, chỉ vài giờ sau khi nó xảy ra.
Nhiều người khác thì cho rằng đó có thể là do bàn tay của chính phủ Iran, Syria, Nam Phi hay có lẽ là từ chính những người Iraq. Một vài người khác thì khẳng định các cơ quan tình báo Phương Tây như CIA, MI6 có trách nhiệm trong âm mưu này. Thậm chí, còn có giả thuyết rằng một thế lực nào đó từ Chile đã ra lệnh giết Bull bởi những mối quan hệ giữa ông với nhà độc tài Chile, tướng Pinochet.
Không lâu sau sự kiện này, Hải quan Anh đã tịch thu các kiện hàng gồm nhiều bộ phận của khẩu đại bác, mà rất nhiều được nhập khẩu từ Anh. Các chi tiết này còn được đặt ở Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Italy và Đức dưới các hợp đồng trá hình. Trong trường hợp này, các thùng gỗ được đóng mác “đường ống áp lực phục vụ hóa dầu”.
Sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, chính quyền Iraq thừa nhận sự tồn tại của những khẩu súng chưa được hoàn tất và chấp nhận phá hủy chúng dưới sự giám sát của LHQ trong chương trình giải trừ vũ khí.
Di sản duy nhất của dự án điên rồ này là hai ống thép khổng lồ đang được trưng bày tại Bảo tàng Vũ khí Hoàng gia Anh Fort Nelson, Portsmouth, nơi nó chứng minh cho những tham vọng quyền lực của một thời đã qua...