Bí mật về Hội Tam hoàng Trung Quốc

(PLO) -Hội Tam hoàng được cho là đã tồn tại ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ và đến nay vẫn là một trong những tổ chức tội phạm nguy hiểm nhất, phức tạp nhất trên thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng Hội Tam hoàng người Trung Quốc đã khiến băng nhóm mafia khét tiếng Sicilian chỉ giống như những tên nghiệp dư trong thế giới tội phạm.
 
Bí mật về Hội Tam hoàng Trung Quốc

Kỳ 4: Đệ nhất băng đảng “bố già của mọi bố già” lao đao vì đấu đá nội bộ

Với số thành viên lên đến hàng trăm nghìn người, Tân Nghĩa An được xem là băng nhóm Tam hoàng lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, băng nhóm này cũng đang vấp phải sự truy đuổi của cảnh sát do những cuộc đấu đá lẫn nhau của các phe nhóm trong băng.

Nổi tiếng tàn bạo

Băng Tân Nghĩa An hay Hội công chính và bình an thương mại và công nghiệp mới, do Heung Chin – một tay xã hội đen khét tiếng Hong Kong, kẻ được mệnh danh là “Bố già của mọi Bố già” - đứng ra thành lập vào năm 1919.

Theo một số tài liệu, băng nhóm này có mối quan hệ mật thiết với chính quyền. Thậm chí, có nguồn tin nói rằng các thành viên của băng nhóm này ở một số thời điểm đã thâm nhập sâu vào bộ máy chính quyền tỉnh Quảng Đông và dùng tiền bạc cùng thế lực của chúng để chi phối giới chức tỉnh này.

Hoạt động của băng Tân Nghĩa An khá bài bản, với cơ cấu quyền lực được phân cấp rõ ràng. Người đứng đầu băng này chính là Heung Chin và các thành viên trong gia đình hắn. Dưới đó là 5 trợ lý cấp cao, được đặt những biệt danh như Hổ Tây, Hổ Đông… phụ trách các địa bàn khác nhau.

Dưới những đối tượng này lại có những người ở cấp thấp hơn giúp việc. Để giữ bí mật hoạt động, tất cả những thành viên cấp cao của băng này đều được mã hóa và giao tiếp với nhau rất tinh vi. Theo nhiều ghi chép, vào ngày thứ 6 đầu tiên của mỗi tháng, những thành viên cấp cao trong băng này lại tổ chức họp ở Hong Kong để bàn bạc công việc.

Trong giai đoạn này, chỉ riêng ở đặc khu kinh tế Hồng Kông, những thành viên của Tân Nghĩa An đã thu về đề hàng trăm triệu đô Hồng Kông từ các hoạt động phi pháp. Băng này đã trở thành một trong những nguồn cung tiền giả, cờ bạc, ma túy, đưa người nhập cư lậu, mại dâm, buôn lậu và tống tiền lớn trên thế giới.

Thêm vào đó, Tân Nghĩa An còn thu được nhiều tiền từ phí bảo kê, đầu tư vào các nhà hàng hay các công ty sản xuất phim… Tuy nhiên, vào đầu những năm 1950, Heung Chin bị trục xuất tới Đài Loan nhưng vẫn tiếp tục dẫn dắt băng Tân Nghĩa An từ xa.

Một thời gian sau đó, Tân Nghĩa An được chuyển lại hẳn cho con trai cả của Heung Chin là Heung Wah-yim, người bề ngoài là một thư ký luật, tiếp quản. Dù vậy nhưng hoạt động của tổ chức này cũng không vì thế mà bị ảnh hưởng nhiều.

Với việc số lượng thành viên ngày càng gia tăng, băng Tân Nghĩa An cũng khiến nhiều người khiếp sợ bởi tính chất tàn bạo của chúng. Chúng luôn sẵn sàng ra tay triệt hạ đối thủ hay cả những người cùng bang để tranh giành và bảo vệ lợi ích của mình.

Cuộc trấn áp của cảnh sát

Sự gia tăng các hoạt động phi pháp và tàn bạo của Tân Nghĩa An đã buộc cảnh sát phải vào cuộc. Ngày 1/4/1980, một tờ nhật báo đưa tin cảnh sát khu vực này 2 ngày trước đó đã đột kích một cơ sở hoạt động của băng Tân Nghĩa An, bắt giữ gần 50 đối tượng và thu giữ nhiều vũ khí hiện đại cùng các ghi chép của băng nhóm này.

Tiếp sau đó, đến tháng 2/1986, một cựu sỹ quan cảnh sát Hồng Kông tên Anthony Chung – người tự nhận mình là một thành viên của băng Tân Nghĩa An – đã ra đầu thú trước cảnh sát và xin được bảo vệ nhằm tránh bị đồng bọn trả thù vì phản bội chúng.

Để chuộc lại sai phạm liên quan tới thế giới ngầm, Anthony Chung cũng đã cung cấp nhiều thông tin nội bộ của băng Tân Nghĩa An cho cảnh sát. Theo đó, cựu cảnh sát này khai báo con trai của Heung Chin là Heung Wah-yim là thủ lĩnh của nhóm Tam hoàng này. Từ lời khai này, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ Wah-yim và 11 thành viên khác của băng Tân Nghĩa An vào ngày 1/4/1987.

Trong quá trình khám xét nơi ở và làm việc của tên Heung Wah-yim, cảnh sát Hong Kong cũng đã phát hiện được danh sách 900 cái tên được đánh số cẩn thận mà theo suy đoán của cảnh sát chính là những thành viên cốt lõi của tổ chức này. Từ thông tin quan trọng đó, cảnh sát tiếp tục mở rộng truy quét thêm các thành viên của Tân Nghĩa An.

Biểu tượng của băng Tân Nghĩa An.

Biểu tượng của băng Tân Nghĩa An.

Tháng 10 cùng năm, Heung Wah-yim đã phải ra hầu tòa cùng 5 đối tượng khác. Trong phiên tòa này, trong khi 5 tên kia nhanh chóng thừa nhận là thành viên của Tân Nghĩa An cũng như sự liên can đến các hành vi phạm tội của băng nhóm này thì Heung Wah-yim khăng khăng khẳng định mình vô tội.

Tên này nói rằng hắn chỉ là người đứng đầu nhóm địa phương của một câu lạc bộ có tên Lions Club và rằng danh sách mà cảnh sát tìm được trong phòng của hắn chỉ là những người đã quyên tặng cho câu lạc bộ của hắn. Ngày 20/1/1988, bồi thẩm đoàn đã buộc tội đối với 5 bị cáo, trong đó có Heung Wah-yim và tuyên trắng án với một đối tượng khác. Với việc bị buộc tội cầm đầu một đường dây xã hội đen, tên Heung Wah-yim bị kết án 7,5 năm tù giam.

Tháng 1/1994, cảnh sát tiếp tục mở đợt trấn áp lớn nhằm vào Tân Nghĩa An. Lần đó, họ đã bắt giữ 14 cảnh sát biến chất đã gia nhập băng nhóm này. Đến thời điểm này, số thành viên của băng nhóm tội phạm này được cho là đã tăng nhanh chóng lên đến 100.000 người và trở thành băng nhóm lớn nhất trong Hội Tam hoàng.

Tại Hồng Kông, ít nhất 7.000 người mang các quốc tịch khác nhau, làm đủ ngành nghề khác nhau như bán hàng, làm việc trong lĩnh vực giải trí hay thậm chí là những người làm trong những công ty xe bus cũng tham gia băng nhóm này.

Đấu đá nội bộ

Năm 2009, cái tên Tân Nghĩa An được nhắc đến liên tục khi Lee Tai-lung Lee – một thủ lĩnh của Tân Nghĩa An ở khu vực Tsim Sha Tsui – đã bị các thành viên của băng đối thủ Hòa Thắng Hòa tông trúng và chém chết ngay trước cửa Khách sạn Shangri-La ngày 4/8/2009.

Vụ giết chóc này được cho là do tên Leung Kwok-chung – một thành viên cấp cao của Hòa Thắng Hòa ở Tai Kok Tsui - ra lệnh tiến hành để trả thù cho việc hắn đã bị Lee đả thương trong một vụ ẩu đả dằn mặt nhau ở một quán bar vào tháng 7/2006.

Không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các băng nhóm đối thủ, chính các nhóm nhỏ trong băng này cũng có sự ganh đòi lẫn nhau. Tháng 1/2012, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ 222 đối tượng được cho là thành viên của Tân Nghĩa An, ngăn chặn được thành công một vụ thanh toán nội bộ nhằm thôn tính lẫn nhau giữa các đối tượng này.

Hồi tháng 4 vừa qua, cảnh sát cũng đã mở một chiến dịch lớn nhằm truy bắt 10 tay găng-tơ, trong đó có 2 đối tượng được cho là thủ lĩnh của 2 nhánh thuộc băng Tân Nghĩa An. Động thái này được tiến hành sau một loạt các vụ tấn công và trả đũa giữa 2 nhóm này xảy ra liên miên trong vòng vài tháng trước đó.

Một trong 2 tên nói trên là tên “Sai B” – người đứng đầu nhóm Tsim Sha Tsui thuộc Tân Nghĩa An. Tên này được cho là đã trở thành thủ lĩnh của Tsim Sha Tsui sau khi Lee Tai-lung bị sát hại. Thủ lĩnh của nhóm nhỏ thuộc Tân Nghĩa An còn lại là tên Man Sun Chung của nhóm Kwun Tong

Vươn “vòi bạch tuộc” tới Mỹ

Sau những đợt trấn áp liên tục của cảnh sát, số thành viên của Tân Nghĩa An hiện nay còn khoảng hơn 60.000 người, hoạt động chủ yếu ở Hong Kong và Trung Quốc nhưng cũng có cả ở nước ngoài như Mỹ, Pháp.

Vào những năm 1960, dưới sự chỉ đạo của đối tượng tên Huang Wei, Tân Nghĩa An bắt đầu xâm nhập vào những khu phố Tàu ở California, Mỹ, hoạt động khắp từ San Francisco tới Los Angeles.

Năm 1980, Huang và con trai là Chao Wei – kẻ được cho là còn khát máu hơn cha – bắt đầu tìm cách triệt hạ những ông trùm băng nhóm ở San Francisco để giành vị trí độc tôn. Tuy nhiên, âm mưu thất bại, sau một cuộc đụng độ với băng 14k di cư tới Mỹ, gia đình Huang đã tới Los Angeles. Thời kỳ mới của Hội Tam hoàng ở khu phố Tàu bắt đầu từ đây.

Cho đến nay, Tân Nghĩa An ở Mỹ có quy mô nhỏ hơn so với “người anh em” ở Hong Kong và hoạt động khá im ắng. Những thành viên của băng này khoác lên mình bộ dạng của những doanh nhân, điều hành những doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, thực chất, chúng vẫn tham gia vào các hoạt động phi pháp như buôn ma túy, súng, bảo kê…

Đọc thêm