Bí thư Thăng thêm động thái làm 'thỏa lòng dân'

(PLO) - Có thể có một thứ triết lý giáo dục mới khi Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đề xuất: “Những gì liên quan đến cơ chế chính sách, mô hình, khi quyết định phải dựa trên định hướng khoa học về giáo dục, đào tạo, không phụ thuộc vào ý chí chính trị, ý chí chủ quan của bất cứ cá nhân nào”.
Bí thư Thăng thêm động thái làm 'thỏa lòng dân'

Nhưng, trước khi xây dựng một nền giáo dục khoa học và nhân văn, phù hợp và hiện đại thì cần có những thay đổi cụ thể cả về tư duy và thực tế đang làm hỏng đi ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của giáo dục. Một trong những vấn đề cụ thể gây bức xúc xã hội là dạy thêm, học thêm.

Trước yêu cầu của Bí thư Thăng “cấm dạy thêm, học thêm” đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của các bậc phụ huynh, có người thẳng thắn gọi việc dạy thêm, học thêm là một sự “lạm dụng giáo dục”. Cũng có một số ý kiến yếu ớt bênh vực việc dạy thêm với lý do “lương giáo viên thấp”. Ý kiến này thiếu thuyết phục bởi tương quan mặt bằng chung trong đội ngũ viên chức nhà nước, lương giáo viên không hề thấp.

Mặt khác, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ thị về việc không được dạy thêm, học thêm từ mấy năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế việc này vẫn xảy ra, người ta tìm cách lách bằng yêu cầu phụ huynh phải viết đơn xin học cho con em. Đây cũng na ná như chiêu các trường sử dụng kiểu “sổ vàng” và các khoản đóng góp “tự nguyện”, đưa Hội phụ huynh ra làm lá chắn.

Trước đó, chủ trương xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn cũng không thực hiện được khi các trường cố thủ trong cái gọi là “trường, lớp chất lượng cao”. Rõ ràng, tiền đã chi phối mục đích giáo dục.

Một điểm nữa cũng rất đáng lưu ý trong hiện tượng “chạy” trường diễn ra khá phổ biến hiện nay, đó chính là hệ lụy của việc bắt học sinh phải học đúng tuyến và việc thi tuyển vào các cấp học. Những động thái của ngành Giáo dục này đã hạn chế quyền hiến định của mọi người, đặc biệt là trẻ em là quyền được học, dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh như thế nào.

Việc dạy thêm, học thêm ảnh hưởng xấu đến các em nhiều phương diện, kể cả làm xấu đi hình ảnh người thầy. Chính một quan chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát biểu, bắt trẻ em tiểu học đi học thêm là một việc làm “dã man”. Như vậy còn có cái cớ gì nữa để không chấm dứt cái việc mà cả xã hội không đồng tình này?!.

Cần có thời gian để thay đổi một nền giáo dục với kiến thức và phương pháp lỗi thời, cho ra những sản phẩm không theo mong muốn nhưng những việc gì có thể làm được để ngăn chặn việc “lạm dụng giáo dục” thì nên làm ngay. Chẳng hạn, việc cấm dạy thêm, học thêm nên trở thành một chế định pháp luật để kiểm soát quan hệ này! 

Đọc thêm