Dân tin tưởng cán bộ dám nói, dám làm

(PLO) - Một trong những vấn đề lớn trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý xã hội hiện nay là tạo dựng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự nghiêm minh của pháp luật. Niềm tin – đó là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo ra sự ổn định chính trị, trật tự xã hội và xây dựng kinh tế, phát triển đất nước.
Dân tin tưởng cán bộ dám nói, dám làm

Đại đa số nhân dân ta tin tưởng vào đường lối, chính sách và pháp luật. Ngay cả việc mà bị coi là tiêu cực như tình trạng khiếu kiện nhiều cũng bộc lộ ý nghĩa tích cực là người dân có tin vào sự giải quyết của chính quyền thì người ta mới khiếu kiện. Đặc biệt, niềm tin đó được gửi gắm vào từng cán bộ lãnh đạo cụ thể, diễn đạt bằng một cách khác là mỗi lãnh đạo phải thể hiện “cái tâm, cái tầm”, cách thức chỉ đạo, điều hành của mình để dân tin tưởng, yêu quý.

Một dẫn chứng thuyết phục là cuộc bầu cử vừa qua, những lãnh đạo được dân tin yêu có số phiếu cao tuyệt đối như trường hợp của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hay Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Gần đây, một nhà lãnh đạo địa phương tạo được niềm tin rất lớn trong nhân dân và được nhân dân tin yêu, ủng hộ là ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM.

Không chỉ dừng lại ở “hiện tượng Đinh La Thăng” trước đây mà bằng những động thái quyết liệt, hợp lý, hợp tình và hợp lòng dân, ông đã tạo ra một luồng gió mới trong phong cách lãnh đạo. Đằng sau những quyết định kịp thời, có phần cứng rắn của ông là cả một quá trình đã nghiên cứu, cân nhắc, nắm chắc bản chất sự việc, đối chiếu với pháp luật,... nên đó là những quyết định hoặc chỉ thị đúng đắn, chứ không phải cảm tính, bốc đồng như một số người gán ghép cho hiện tượng này. Một người yêu cầu cách chức cán bộ vô cảm trong bộ máy trì trệ, không đặt lợi ích của dân lên hàng đầu thì người đó không thể là người hành xử theo cảm tính.

Ở trong một tình trạng mà có cán bộ ngại tiếp xúc với dân, xa dân, đưa ra những quyết định từ phòng máy lạnh, quan sát đời sống nhân dân qua cửa kính xe hơi, chỉ đạo trong hội nghị,... thì những động thái của các vị lãnh đạo như công khai số điện thoại, email của mình, lắng nghe và phản hồi ý kiến tích cực của người dân đã mang lại rất nhiều thiện cảm từ phía dân chúng và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ họ.

Phương châm “cái gì lợi cho dân thì làm”, “làm gì thì cũng phải xuất phát từ quyền lợi của người dân” chỉ có thể phát huy tác dụng bằng những việc làm cụ thể của từng vị lãnh đạo cụ thể!

Đọc thêm