Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Những giá trị thiêng liêng trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PLVN) - Cuốn sách đã chỉ ra yêu cầu tối cao của chiến lược quân sự, quốc phòng (QSQP) là bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; ngăn ngừa chiến tranh, duy trì môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước; không để Tổ quốc “bị động, bất ngờ” trong mọi tình huống...
Cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn ảnh: NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật)

Cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn ảnh: NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật)

Kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023), phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về những chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN từ cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới” của Tổng Bí thư, xuất bản tháng 7/2023.

- Thưa Thượng tướng, cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới nghiên cứu và các nhà quân sự đánh giá rất cao, là “kim chỉ nam” để cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, học tập, hiểu rõ, nắm vững và quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới. Mỗi cuốn sách hay đều có những giá trị riêng của nó, vậy ông có thể cho biết những giá trị trong cuốn sách của Tổng Bí thư?

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN thời kỳ mới” gồm 39 bài viết, bài phát biểu, bài trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Quân ủy Trung ương được viết trong khoảng thời gian 15 năm, từ năm 2008 khi Tổng Bí thư còn là Chủ tịch Quốc hội đến nay. Cuốn sách được chia làm 3 phần, các bài viết sắp xếp logic, khoa học, ngôn ngữ giàu hình ảnh, phong cách gần gũi, luận điểm thuyết phục, là sự hệ thống hóa những chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương về đường lối QSQP Việt Nam hiện nay.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ 4 nhiệm vụ cũng như 4 trụ cột chính sách của Đảng là: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) là trọng yếu, thường xuyên”. Từ căn cứ định vị mối quan hệ và mức độ ưu tiên giải quyết đối với từng lĩnh vực, ta thấy bảo đảm QPAN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Viết về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ, nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư có giá trị nhiều mặt về cả lý luận và thực tiễn và có giá trị như một văn kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng về vấn đề QSQP trong các cuộc chiến tranh giải phóng và BVTQ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật nhận thức mới, tư duy mới về chiến lược QSQP Việt Nam và định hướng nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.

Theo đó, một mặt, cuốn sách đánh dấu sự phát triển tư duy lý luận nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, BVTQ thời kỳ mới. Mặt khác, cuốn sách có giá trị toàn diện đối với toàn bộ hoạt động xây dựng và triển khai đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, BVTQ Việt Nam XHCN cả trước mắt, lẫn lâu dài nói chung, đối với xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị thời kỳ mới nói riêng. Trong đó, điểm cốt lõi, bước đột phá chính là tư duy về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, là tư tưởng bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình của Tổng Bí thư.

Đặc biệt, cuốn sách đã chỉ ra yêu cầu tối cao của chiến lược QSQP là bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; ngăn ngừa chiến tranh, duy trì môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước; không để Tổ quốc “bị động, bất ngờ” trong mọi tình huống.

Cuốn sách còn là sự định hướng quan trọng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong thời kỳ mới.

Đối với xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị thời kỳ mới, cuốn sách của Tổng Bí thư góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng trong Quân đội thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ QSQP, phát huy hơn nữa truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trong nhiều bài viết và bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI vào tháng 9/2020 được in trong sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng bộ Quân đội cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính chất, vai trò của Quân đội ta là “QĐND, Quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng, để thực hiện được 6 nhiệm vụ về: quán triệt nhận thức tính chất, trách nhiệm của Quân đội; xây dựng quân đội trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, tiêu biểu; tăng cường mối quan hệ máu thịt của Quân đội với nhân dân; sẵn sàng BVTQ từ sớm, từ xa; phối hợp các bộ, ngành, địa phương để tăng cường tiềm lực quốc phòng và thế trận toàn dân; và thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng “Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Do vậy, “Quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân”.

Từ đó, có thể thấy, cuốn sách có giá trị to lớn trong xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “thế trận lòng dân” vững chắc; nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ tăng cường sức mạnh quốc phòng, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Không những vậy, cuốn sách còn giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên hiểu rõ, nắm vững và quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc tham gia xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ các cấp vững chắc.

Sự ra đời của cuốn sách này cùng với cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất bản tháng 2/2022 là sự thống nhất, hoàn chỉnh về mọi mặt trong hệ thống quan điểm của Tổng Bí thư về 2 nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu và có mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng CNXH và BVTQ Việt Nam XHCN - một trong mười mối quan hệ lớn được Đảng ta xác định từ Văn kiện Đại hội XI và tái khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, thủy thủ Tàu ngầm 184 Hải Phòng năm 2016. Ảnh: Quang Tiến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, thủy thủ Tàu ngầm 184 Hải Phòng năm 2016. Ảnh: Quang Tiến.

- Cuốn sách của Tổng Bí thư đã chỉ ra yêu cầu tối cao của chiến lược QSQP là bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; không để Tổ quốc “bị động, bất ngờ” trong mọi tình huống. Vậy ông có thể nói rõ những giá trị nổi bật về lý luận và thực tiễn trong cuốn sách của Tổng Bí thư về nhiệm vụ BVTQ “từ sớm, từ xa”, từ khi “nước chưa nguy”?

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu BVTQ trong tình hình mới là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng XHCN”.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với sự thôn tính, xâm lăng của các thế lực ngoại bang lớn mạnh. Chính vì vậy, “lo giữ nước từ khi nước chưa nguy, trị nước từ khi chưa loạn” là tư tưởng lớn và là truyền thống quý báu của dân tộc. Kế thừa kinh nghiệm, truyền thống ấy và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, phát triển và nâng lên tầm cao mới thành kế sách BVTQ từ sớm, từ xa.

Tinh thần đó thể hiện tập trung trong hệ thống các chiến lược về QPAN, BVTQ; luôn thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, phải kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt, giữ trong ấm, ngoài êm, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.

Đại hội XIII của Đảng đánh giá, sau 35 năm đổi mới, chúng ta luôn “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tư duy về QPAN, đối tác, đối tượng, BVTQ có bước phát triển mới và ngày càng hoàn thiện”.

Vậy tư duy về QPAN, đối tác, đối tượng, BVTQ có bước phát triển mới và ngày càng hoàn thiện như thế nào? Trong nghị quyết các kì đại hội Đảng toàn quốc kể từ khi đổi mới, vấn đề BVTQ luôn được nhấn mạnh và quán triệt thực hiện nghiêm túc cùng với xây dựng Tổ quốc. Hơn thế, trong nhiệm kì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới (năm 2003). Việc tổ chức quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này của Đảng đã góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế của đất nước.

Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX, trong nhiệm kì Đại hội XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới (năm 2013).

Cụ thể hóa “Chiến lược BVTQ trong tình hình mới”, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 về “Chiến lược quốc phòng Việt Nam”; Kết luận số 31-KL/TW ngày 16/4/2018 về “Chiến lược quân sự Việt Nam”, tiếp tục khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, sự nghiệp QPAN, BVTQ, đồng thời là bước phát triển mới về tư duy, nhận thức của Đảng đối với công cuộc BVTQ “từ sớm, từ xa”.

BVTQ từ sớm, từ xa là những phát ngôn của Tổng Bí thư trong các bài viết, bài phát biểu về QSQP tại các hội nghị Quân ủy Trung ương, Hội nghị Quân chính, các buổi làm việc với Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân chủng… trở thành những tiền đề sau này được nâng tầm, khái quát hóa thành những nội dung mang tính chủ trương và phương châm lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Đảng đã góp phần làm sáng tỏ bước phát triển tư duy lý luận của Đảng về đường lối quân sự và chiến lược quốc phòng, đặc biệt là vai trò lãnh đạo và năng lực hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Tại Đại hội XIII diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến 1/2/2021, Đảng ta tiếp tục phát triển, hoàn thiện đường lối về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy”, trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng và BVTQ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới: “Chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”, “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”; “Thực hiện dĩ bất biến, ứng vạn biến, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt;... giữ trong ấm, ngoài êm, giữ nước “từ sớm, từ xa”, từ khi nước chưa nguy”.

Như vậy, đến Đại hội XIII của Đảng, tư duy chiến lược của Đảng về BVTQ từ sớm, từ xa đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

BVTQ từ sớm nghĩa là về thời gian phải bảo vệ từ trước, chủ động phòng ngừa, tích cực chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ vững chắc Tổ quốc ngay trong thời bình, khi đất nước chưa có chiến tranh, nguy biến. BVTQ từ xa nghĩa là về không gian phải chủ động bảo vệ từ bên ngoài biên giới lãnh thổ của đất nước.

Tóm lại, về lý luận, BVTQ từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy đã được nâng lên một tầm tư duy mới, không chỉ giới hạn ở bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN mà Đại hội XIII đã bổ sung, phát triển toàn diện và sâu sắc hơn nội hàm mục tiêu BVTQ, gồm cả bảo vệ “an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh”.

Đây là quan điểm nhân văn, tiến bộ của Đảng, luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và BVTQ.

BVTQ từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy để bảo đảm có kế sách, chuẩn bị tốt các điều kiện bảo vệ đất nước ngay trong thời bình, khi chưa xảy ra chiến tranh; chủ động các phương án, lực lượng để BVTQ, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động, ứng phó kịp thời, hiệu quả, đảm bảo giành thắng lợi trong trong mọi tình huống; đồng thời đảm bảo ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, giữ vững QPAN, xây dựng và BVTQ.

Cùng với đó, sự kết hợp giữa nhiệm vụ quốc phòng, quân sự đối với kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh “từ sớm, từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Thực tiễn công cuộc xây dựng và BVTQ, Đảng, Nhà nước ta đã luôn quán triệt thực hiện phương châm trên. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên tư duy, lý luận về BVTQ “từ sớm, từ xa” được Đảng ta hoàn thiện, phát triển mới, chính thức đưa vào văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc.

Về thực tiễn, thành tựu cơ bản của BVTQ từ sớm, từ xa như Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá ở trên và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Hiện nay, để BVTQ từ sớm, từ xa một cách hữu hiệu, phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nảy sinh trong dư luận, củng cố sự đồng thuận xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

- Những ngày này, người dân cả nước đang hồ hởi đón Tết độc lập. Độc lập là quyền bất khả xâm phạm của một đất nước, một quốc gia, một dân tộc và người dân được sống trong hòa bình. Ông có thể nói rõ ý nghĩa vì sao bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình - tư tưởng được các nhà nghiên cứu, các tướng lĩnh đánh giá là điểm cốt lõi, bước đột phá trong tư duy về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng (CLQP) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Bài viết “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương-một người có tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng đường lối quân sự, CLQP, BVTQ Việt Nam XHCN” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong phần thứ ba của cuốn sách đã cho người đọc thấy một cách khách quan về Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương, một người có tư duy biện chứng, tầm nhìn chiến lược trong xây dựng đường lối quân sự; CLQP, chiến lược quân sự, BVTQ Việt Nam XHCN.

Việc hoạch định đường lối, chiến lược QSQP là quá trình nhận thức sâu sắc về thời đại, về thời cơ và thách thức đặt ra đối với nhiệm vụ BVTQ. Khi ấy, Bộ Chính trị xác định cần có một CLQP để cụ thể hóa chiến lược BVTQ, có quan hệ chặt chẽ với chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại.

41 trang của bài viết kể về quá trình xây dựng dự thảo CLQP Việt Nam sau là Nghị quyết số 24-NQ/TW về CLQP Việt Nam được Bộ Chính trị khóa XII ban hành ngày 16/4/2018. Theo tướng Vịnh, CLQP Việt Nam được nghiên cứu, xây dựng trong 6 năm, từ năm 2012 đến 2018, qua rất nhiều quy trình, từ ý tưởng, thực hiện các đề tài khoa học, soạn thảo, lấy ý kiến từ 20 hội nghị, hội thảo, đến Bộ Chính trị thông qua, ban hành.

Quá trình xây dựng dự thảo CLQP Việt Nam, tướng Vịnh có nhiều lần đến gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xin ý kiến chỉ đạo. Dù không phải là nhà quân sự chuyên nghiệp nhưng mỗi lần làm việc với tướng Vịnh, Tổng Bí thư đã chỉ đạo rất tường tận, cặn kẽ, sâu sát, gợi mở những ý tưởng chủ đạo để xây dựng CLQP Việt Nam. Cái hồn của nghị quyết về CLQP Việt Nam, mục tiêu tối thượng của CLQP chính là bảo vệ hòa bình và nó ra đời từ phát biểu của Tổng Bí thư. Điều này cho thấy “sự uyên bác, vốn hiểu biết sâu rộng” và “tư duy tầm chiến lược” của người đứng đầu Đảng.

Điểm cốt lõi trong tư duy của Tổng bí thư là “bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình”, bởi hòa bình được coi là giá trị thiêng liêng, “bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định” là điều kiện căn cốt nhất để đất nước phát triển. Và như vậy, lấy bảo vệ môi trường hòa bình là mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc phòng, quân sự là tư tưởng lý luận QSQP sáng tạo, độc đáo.

Chúng ta đang trong không khí kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hòa bình, không có chiến tranh và người dân được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc là khát vọng của toàn nhân loại. Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam không chỉ là lời tuyên bố độc lập, khai sinh cho một Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo đuổi mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, mà còn đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người và vì hạnh phúc của con người.

Kể từ ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay. Song lời thề lịch sử “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!” vẫn luôn soi rọi cho mọi trái tim, khối óc của mọi người Việt Nam yêu nước. Lời thề ấy mãi là cội nguồn sức mạnh tạo nên sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân để chúng ta đương đầu với mọi thử thách. Và mỗi người con đất Việt vẫn son sắt một niềm tin: Không có kẻ thù nào chúng ta không thể chiến thắng, không có khó khăn nào không thể vượt qua!

- Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Đọc thêm