Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân D. (nữ, 38 tuổi, trú tại TP HCM). Sau khi sử dụng thuốc tan mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ, bệnh nhân bị biến chứng nặng, gây hoại tử da ở vùng bụng và hai đùi.
Bệnh nhân phải nhập Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị từ ngày 27/7. Sau nhiều lần được các y bác sĩ cắt lọc vết thương, khâu da, kết hợp điều trị bằng kháng sinh và thuốc giảm đau, bệnh nhân mới có thể hồi phục và xuất viện.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân A. (nữ, 29 tuổi, trú tại TP HCM), vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 7/7 cũng do những biến chứng nặng sau khi sử dụng thuốc tan mỡ bụng. Không những bị nhiễm trùng tại chỗ tiêm, bệnh nhân còn bị hoại tử ở nhiều vùng khác của cơ thể như đùi, lưng… do thuốc lan rộng.
Theo TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình điều trị xuất phát từ việc bệnh nhân nhập viện muộn. Lúc này, tình trạng nhiễm trùng đã lan rộng, cơ thể bệnh nhân suy kiệt. Bên cạnh đó, ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều không biết được chính xác chất gì đã gây nên tình trạng hoại tử da nặng nề như vậy.
"Trong quá trình điều trị, chúng tôi xác định vết thương trên cơ thể bệnh nhân nhiều khả năng do việc tiêm thuốc tan mỡ gây ra. Bên cạnh tác dụng làm tan mỡ, thuốc tan mỡ còn gây tổn thương các mô liên kết khác. Do đó, khi còn tồn tại thuốc tan mỡ trong cơ thể bệnh nhân thì vết thương không thể lành được", TS.BS Ngô Đức Hiệp chia sẻ.
Bệnh nhân A. đã trải qua hơn 5 tháng điều trị với rất nhiều đợt phẫu thuật, hút áp lực âm (V.A.C), kết hợp kháng sinh toàn thân, nâng đỡ tổng trạng (bù máu, đạm…), sử dụng băng gạc tiên tiến và điều trị tâm lý. Nhờ nỗ lực điều trị của các y bác sĩ, tình trạng của bệnh nhân đã dần ổn định và dự kiến xuất viện hôm nay.
Cũng theo TS.BS Ngô Đức Hiệp, thuốc tan mỡ có thành phần chính là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ deoxycholate natri (DC) - một loại muối mật. Tên thương mại của thuốc tan mỡ là Lipostabil, Dermaheal LL hoặc Liponsaure. Dù được khẳng định là thiếu an toàn, nhưng thuốc tan mỡ vẫn được lưu hành tại một số nước châu Âu, chuyên dùng để chữa chứng thuyên tắc mạch máu phổi do mỡ, rối loạn lipid máu. Khi tiêm vào các mô mỡ, thuốc sẽ dần phá hủy các tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng nhũ tương.
Lợi dụng những đặc tính của Lipostabil, một số cơ sở chăm sóc sắc đẹp đã quảng cáo Lipostabil như một loại "thần dược" giúp làm tan mỡ trên cơ thể. Tuy nhiên, bên cạnh việc phá hủy tế bào mỡ, thuốc này còn phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nằm trong vùng ảnh hưởng của thuốc, tạo ra những u mỡ tại chỗ, gây viêm mô tế bào, tạo sẹo vĩnh viễn, gây đau nhức, hoại tử da, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và thậm chí cả tính mạng.
Trước những biến chứng nguy hiểm của thuốc tan mỡ, ngày 7/4/2010, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Bộ Y tế Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Australia… từng cảnh báo và cấm sử dụng Lipostabil với mục đích làm tan mỡ.