Biến đấu trường nhan sắc thành “ao làng“

(PLO) - Đã đến lúc chúng ta không nên để tồn tại quá nhiều những cuộc thi rất đỗi ngây ngô, bi hài như nhà nhà đều tổ chức thi hoa hậu. Đừng biến những cuộc thi tuyển chọn hoa hậu thành trò hề!
Cuộc thi Người đẹp du lịch Huế trao “nhầm” danh hiệu Hoa hậu.
Cuộc thi Người đẹp du lịch Huế trao “nhầm” danh hiệu Hoa hậu.
Bi hài hoa hậu... tự phong
Sáng 9/11, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết Ban tổ chức Cuộc thi Người đẹp du lịch Huế đã sai trong việc trao các danh hiệu và Sở sẽ xử phạt, buộc các cơ quan liên quan phải đính chính danh hiệu cuộc thi Người đẹp du lịch Huế theo đúng nội dung giấy phép đã được cấp. 
Cuộc thi Người đẹp du lịch Huế năm 2015 thu hút 110 thí sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương trong cả nước như Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng... tham gia. Sau vòng thi sơ tuyển, Ban tổ chức đã lựa chọn 50 thí sinh vào bán kết, 24 thí sinh lọt vào vòng chung kết diễn ra tối 6/11. Kết quả, thí sinh Lê Trần Ngọc Trân (sinh năm 1995, sinh viên Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Huế) giành Vương miện người đẹp thứ nhất cuộc thi Người đẹp Du lịch Huế, trở thành gương mặt đại diện cho du lịch Huế. Người đẹp thứ hai và thứ ba lần lượt thuộc về Dương Thị Ngọc Chi (sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Huế) và Nguyễn Hà Thục Anh (sinh viên Đại học Kinh tế Huế).
Tuy nhiên, tại đêm chung kết, Ban tổ chức lại trao cho thí sinh Lê Trần Ngọc Trân danh hiệu Hoa hậu; danh hiệu Á hậu 1 và 2 cho các thí sinh Dương Thị Ngọc Chi và Nguyễn Hà Thục Anh.
Với những “lập lờ” trên, người ta nhớ tới nhiều lùm xùm ở những cuộc thi “ao làng” trước đó. Không chỉ rùm beng với những nghi án mua bán giải, các cuộc thi nhan sắc không uy tín còn khiến khán giả thất vọng với quy mô không khác gì chương trình tạp kỹ.
Một năm trước, Hoa hậu Việt Nam thế giới 2014 cũng bị gắn mác cuộc thi nhan sắc ao làng. Bởi lẽ, cuộc thi tại Nhật gói gọn trong hai đêm diễn vào 11 - 12/10 với khoảng 10 thí sinh tham gia nhưng có tới 5 người đẹp được đội vương miện kèm danh hiệu Hoa hậu Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngoài phần thi nhan sắc được tổ chức ngắn gọn, chương trình còn đi kèm cả biểu diễn ca nhạc và tấu hài, không khác gì một show diễn tạp kỹ. 
Trước đó, không thể không nhớ tới năm 2011, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu tại Mỹ đã thu hút sự chú ý của dư luận khi Ngọc Trinh bất ngờ đăng quang. Trước đó, chân dài xứ Trà Vinh được nhiều người nhắc đến với vai trò người mẫu nội y và các phát ngôn gây sốc trên mặt báo. Và Ngọc Trinh khởi đầu cho trào lưu “hoa hậu ao làng”. Nhưng cô vẫn luôn tự hào về danh hiệu của mình và hăng say thực hiện trách nhiệm của một hoa hậu là đi làm từ thiện từ Bắc vào Nam và được “ông bầu” của cô dùng để quảng bá hình ảnh. 
Sau Ngọc Trinh, Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu 2012 tiếp tục khiến dư luận nổi sóng khi trao danh hiệu cao nhất cho Julia Hồ, một cô gái nổi tiếng với những hình ảnh ăn chơi thác loạn. Chương trình sắc đẹp ao làng này làm khán giả dần mất niềm tin vào các cuộc thi người đẹp.
Chưa kể tới rất nhiều các cuộc thi bi hài cấp tỉnh, những cuộc thi Nữ hoàng trang sức... với nhiều “tai tiếng” như thí sinh ném giải vào sọt rác và “tố” Ban tổ chức về việc “mua, bán” giải... Lý giải cho những cuộc thi sắc đẹp tràn lan những năm qua, là bởi đáp ứng nhu cầu “danh tiếng” của nhiều cô gái trẻ muốn tìm kiếm những cơ hội đổi đời. Ai cũng hiểu, khi có danh hiệu, dù không phải tất cả, nhưng không ít các cô mau chóng có các đại gia săn đón, tìm kiếm những hợp đồng quảng cáo, những việc làm triển vọng. Và chính bởi những tham vọng vật chất, trước mắt ấy, không ít hoa hậu đã sa chân vào con đường “mua vui” chuyên nghiệp với những cái tên đã bị truy tố đầy đau xót...
Thành công không rải hoa hồng
Tuy nhiên, trở lại với thành tích Á hậu 3, lịch sử nhan sắc Việt Nam bước sang trang mới và Thúy Vân là người lật giở trang vàng này! Như thường lệ, năm nay cuộc thi tổ chức tại Nhật Bản, quy tụ hơn 70 người đẹp đến từ mọi miền quốc gia, lãnh thổ. 
Ngày 5/11 có lẽ là mốc thời gian khó quên đối với khán giả Việt Nam quan tâm đến cuộc thi nhan sắc. Bởi lẽ, lần đầu tiên trong lịch sử cử đại diện đi thi, 2 tiếng Việt Nam được xướng lên đầy tự hào và trang trọng như thế trên đấu trường nhan sắc quốc tế. Ngoài ra, thành công của Thúy Vân cũng là một minh chứng - không để “hoa hậu núp” đi thi khi chưa kịp nở, chưa có sự chuẩn bị thấu đáo.
Á hậu quốc tế Thúy Vân.
Á hậu quốc tế Thúy Vân. 
Trước Hoa hậu Quốc tế 2015, Việt Nam cũng đã có nhiều đại diện đạt được thành tích tốt tại 4 cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới như: Trương Quỳnh Mai (Top 15 Hoa hậu Quốc tế 1995), Phạm Thị Mai Phương (Top 20 Hoa hậu Thế giới 2002), Nguyễn Thị Huyền (Top 15 Hoa hậu Thế giới 2004), Mai Phương Thúy (Top 17 Hoa hậu Thế giới 2006 – Bình chọn nhiều nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương), Thùy Lâm (Top 15 Hoa hậu Hoàn vũ 2008), Trần Thị Hương Giang (Top 16 Hoa hậu Thế giới 2009), Lưu Thị Diễm Hương (Top 14 Hoa hậu Trái đất 2010), Trương Chi Trúc Diễm (Top 15 Hoa hậu Quốc tế 2011), Nguyễn Thị Loan (Top 25 Hoa hậu Thế giới 2014). 
Vậy lý do nào cô gái này lại vượt các “đàn chị” trên đấu trường quốc tế?. Trước hết, với tiêu chí của cuộc thi này - Hoa hậu Quốc tế (Miss International) được tổ chức đầu tiên vào năm 1960 tại Mỹ. Cuộc thi này còn được gọi là “Thế vận hội sắc đẹp” hay “Đại hội sắc đẹp”. Về tiêu chí, thí sinh Hoa hậu được đánh giá dựa trên: Nhan sắc, lòng nhân từ, thanh lịch, trí tuệ, tính hữu nghị, sự chủ động và quan trọng hơn cả là sự nhạy cảm với thế giới. Hoa hậu Quốc tế có mục tiêu lớn nhất là đẩy mạnh hòa bình thế giới, sự thiện chí, cảm thông...
Nếu những thí sinh Việt Nam trước đó đa phần đều rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy” khi “mang chuông đi đánh xứ người” thì Thúy Vân đã chuẩn bị một thời gian dài. Cô tỏ ra vô cùng khôn khéo, tỉ mỉ. Từ chiếc đầm dạ hội lấy cảm hứng từ hoa anh đào, loài hoa đặc trưng của nước chủ nhà Nhật Bản trong đêm tổng duyệt, đại diện Việt Nam đã “ghi điểm” vì sự chuyên nghiệp, cầu thị. Rồi giây phút cô bình tĩnh mang đến câu trả lời phù hợp tiêu chí cuộc thi ở vòng ứng xử. Nhiều người thực sự đã coi chiến thắng của Thúy Vân là dấu hiệu tốt mở ra hi vọng nhan sắc Việt trên trường quốc tế nếu nước nhà tham gia các cuộc thi với tinh thần nghiêm túc, nỗ lực hết mình.
“Tôi không quá tham vọng vào kết quả mà hướng vào việc lên kế hoạch và chuẩn bị thật kỹ những gì tôi đã vạch ra”, cô chia sẻ. Khi lên ngôi Á khôi cuộc thi Áo dài Việt Nam và trở thành đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015, Thúy Vân có 10 tháng để chuẩn bị. Cụ thể, ngay khi kết thúc Hoa khôi Áo dài, Thúy Vân tiếp tục rèn luyện duy trì và tham gia các hoạt động thiện nguyện. Đến tháng 4/2015, Á khôi đã tìm đến Én vàng, BTV Thời sự của Chuyển động 24h- Hạnh Phúc để làm HLV rèn luyện giọng nói, luyện tập khẩu hình và trau dồi kỹ năng MC. 
Sau đó, cô thử sức với lĩnh vực MC cho một kênh danh tiếng cho giới kinh doanh. Việc dẫn bằng tiếng Anh giúp cô mở rộng vốn từ và tự tin hơn ở lĩnh vực mà ít người đẹp nào giỏi. Trong thời gian đó, Thúy Vân cũng làm MC cho chương trình Asias Got Talent phiên bản Việt Nam, được làm việc với ekip chuyên nghiệp tại Singapore và Malaysia là cơ hội lớn để cô rèn ngôn ngữ và bản lĩnh. 
Với nhiều quốc gia, việc tuyển chọn người đẹp dự thi Hoa hậu Thế giới là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nét đặc sắc trong nền văn hóa đến gần hơn với bạn bè thế giới. Nhưng ở Việt Nam, dường như việc lựa chọn người đẹp đến với đấu trường nhan sắc lớn vẫn nặng tâm lý “ăn xổi”, không có chiến lược và sự đầu tư công phu, bài bản.
Gần đây, Philippines là quốc gia vẫn được nhắc đến như một hiện tượng về sự thăng hạng nhan sắc, sau khi đất nước này chuyển hướng và đào tạo thành công những người đẹp đạt được thứ hạng cao trong các quốc thi sắc đẹp quốc tế. Từng xếp sau cả Việt Nam trên bảng xếp hạng nhan sắc, nhưng nhờ sự đầu tư có chiến lược, dài hơi mà Philippines trở thành đất nước cho “ra lò” những hoa hậu thế giới đầy tiềm năng. 
Bà Thúy Nga, Giám đốc Elite Việt Nam, đơn vị giữ bản quyền cử thí sinh đi thi nhiều cuộc thi lớn cho rằng, với những quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng nhan sắc thế giới, họ đã có kinh nghiệm nhiều
 năm trong việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu chuyên nghiệp và có hệ thống đào tạo thí sinh cực kỳ chuyên nghiệp, còn Việt Nam vẫn là quốc gia non trẻ trong lĩnh vực này. 
Bà cũng cho biết thêm, đó chính là lý do Elite Việt Nam tổ chức cuộc thi Hoa khôi áo dài Việt Nam nhằm chuyên nghiệp hóa cuộc thi sắc đẹp kèm hệ thống đào tạo bài bản, bám sát tiêu chí các cuộc thi trên thế giới để chọn ra ứng cử viên đại diện cho Việt Nam tham dự Hoa hậu thế giới, nhằm nâng cao thứ hạng của đại diện Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc trên thế giới.
Đã đến lúc chúng ta không nên để tồn tại quá nhiều những cuộc thi rất đỗi ngây ngô, bi hài như nhà nhà đều tổ chức thi hoa hậu (người đẹp cấp tỉnh, cấp làng). Và để có đại diện nhan sắc ra thế giới, chúng ta không thể quá cập rập khi mà trước cuộc thi đó không lâu, chúng ta mới bắt đầu “so bó đũa, đếm cột cờ” để tìm người xứng đáng. Thế nên, chúng ta dù  tràn ngập các người đẹp, các hoa hậu nhưng rất khó thành công khi các cô gái không giỏi ngoại ngữ và không có sự khổ luyện, sự chuẩn bị tỉ mỉ khi “mang chuông đi đánh xứ người”...