Mấy ngày nay, dư luận “dậy sóng” vì tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội - đường Lê Trọng Tấn. Điều mà dư luận quan tâm là hệ thống biển hiệu của các cơ sở kinh doanh ở tuyến phố này được quy hoạch theo kiểu “đồng phục”, “bao cấp”.
Cào bằng thương hiệu và biến Thủ đô văn hiến thành "chú hề"?
Hệ thống biển hiệu của các cơ sở kinh doanh, trụ sở làm việc ở tuyến phố này được quy hoạch đồng bộ về màu sắc (theo 2 màu: xanh, đỏ), bố cục và cách trang trí.
Chiều cao trung bình của các loại biển bảng quảng cáo so với mặt đất được cố định khoảng 3,2-3,3m. Chiều cao bảng biển là 1,1m, được sơn 2 màu xanh và đỏ. Ngoài xanh, đỏ, dạng biển phẳng in bạt hiflex khá phổ thông, bình dân hóa.
Nhiều người cho rằng, tuyến phố Lê Trọng Tấn có tầm nhìn rộng, thoáng, về nguyên tắc thị giác và mỹ quan, không nhất thiết phải bó hẹp các dạng biển hiệu chỉ theo một chất liệu và kiểu dáng.
ThS Nguyễn Hữu Vinh cho hay: “Tôi ủng hộ việc chỉnh trang lại bộ mặt đô thị thông qua kiểm soát và quy định chặt chẽ về kiểu dáng nhà cửa, các hoạt động quảng cáo nhưng tôi không ủng hộ cách thức khô khan, lạc hậu, thiếu thẩm mỹ và triệt tiêu sáng tạo, triệt tiêu hình ảnh thương hiệu như cách làm ở đường Lê Trọng Tấn”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Chiến nhận xét: “Không hiểu ai là tác giả những biển hiệu xanh - đỏ được thiết kế rập khuôn này. Bản thân sự đa dạng đó chính là cái hay, là văn hóa. Chính sự đơn điệu làm giảm yếu tố văn hóa và mỹ thuật. Thử tưởng tượng, thời gian tới, mô hình kiểu mẫu lại nhân rộng tới các phố Hà Nội, hàng trăm ngàn cửa hàng kinh doanh cùng xanh, đỏ thì Thủ đô ngàn năm có nguy cơ thành… chú hề”.
Việc “đồng phục” biển hiệu khiến các chủ kinh doanh kêu trời. Việc “cào bằng” một cửa hàng bún đậu, quán cà phê, cửa hàng rửa xe không chuyên nghiệp với một thương hiệu quốc gia, tập đoàn lớn làm mất đẳng cấp thương hiệu, bản sắc riêng mỗi một loại hình.
Một thương hiệu lớn chuyên kinh doanh ga gối với biển hiệu màu tím hồng nay bị chuyển sang đỏ hoặc xanh khiến họ ấm ức.
Hiện, tại đường Lê Trọng Tấn, các tập đoàn, thương hiệu lớn cũng đang “đau đầu” khi phải “cùng chiếu” với kinh doanh nhỏ lẻ. Thương hiệu của họ bị “chết yểu” hình ảnh một cách oan ức. Các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ bồn chồn không kém.
Chủ quán cà phê ngao ngán: “Quán cà phê có biển hiệu mỹ thuật, đèn led tươi vui, sinh động để hút khách, nay biển xanh, đỏ cứng nhắc thế này, như mệnh lệnh hành chính, như cơ quan phường, xã, chả ai buồn vào. Khách vắng teo mà tiền thuế, tiền cửa hàng, thuê nhân viên…vẫn phải trả, bảo sao tôi không bức xúc? Cứ đà này, khéo tôi phải trả mặt bằng, đi tìm thuê ở tuyến phố khác”.
157 biển hiệu đều như “sinh sản vô tính” khiến khách hoa mắt tìm cửa hàng mình muốn đến. Khó tìm cửa hàng, nhất là tiết trời nắng nóng, chẳng ai muốn căng mắt đi đọc từng chữ trên biển hiệu, khách hàng bỏ đi mua sắm ở tuyến phố khác là điều dễ hiểu.
Rất nhiều người cho rằng, việc đồng bộ biển hiệu như thế này là cách tốt nhất để... giết chết bản sắc của doanh nghiệp cũng như nghề thiết kế, quảng cáo. Ngay cả một hàng bún đậu bình dân cũng hoàn toàn có quyền trưng một biển hiệu với màu sắc, kiểu chữ mình ưa thích. Thậm chí có người còn nói: "Đến con phố này, chuyên gia marketing chỉ muốn bỏ nghề".
Người dân không phải bỏ tiền, không có nghĩa bị… áp đặt
Báo cáo của quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, màu sơn do quận Thanh Xuân thống nhất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc gam màu cơ bản.
Về phía Sở Văn hóaThể thao Hà Nội. ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở cho biết, Sở chỉ là đơn vị hướng dẫn về mặt quản lý nhà nước, hướng dẫn về mặt quy định trong Luật Quảng cáo.
Ông cũng đồng cảm với người dân: "Biển hiệu cùng kích cỡ là theo Luật Quảng cáo. Việc đồng bộ hai màu xanh đỏ trong tuyến phố kiểu mẫu thì các đơn vị phải lấy ý kiến của người dân trong khu phố đó, được sự đồng thuận với dân thì mới bền vững được".
Sáng 13/5, Cổng thông tin điện tử quận Thanh Xuân có đăng bài “Tổng hợp, cung cấp thông tin báo chí về chỉnh trang biển hiệu đường Lê Trọng Tấn - phường Khương Mai, quận Thanh Xuân”.
Theo đó, qua tiếp nhận cơ bản các biển hiệu đáp ứng được nhu cầu của các hộ gia đình. Trên cơ sở đó quận Thanh Xuân đã tiến hành chỉnh trang đồng bộ hệ thống biển hiệu toàn tuyến.
Đối với các tổ chức doanh nghiệp đã có logo quảng cáo và thương hiệu độc quyền quận tôn trọng nhưng đề nghị thực hiện việc chỉnh trang đảm bảo kích thước để tạo sự thống nhất đồng bộ”.
Việc thực hiện được làm theo phương thức xã hội hóa, nói cách khác, nhân dân không phải bỏ tiền. Một tập đoàn đã ủng hộ 1,7 tỉ đồng làm 157 biển hiệu. Nhưng “đại gia” chi tiền, chính quyền thực hiện, không có nghĩa người dân bị… áp đặt.
Các cơ sở kinh doanh cho rằng, việc quy định của Nhà nước chỉ nên dừng lại ở kích cỡ, độ sâu của biển. Phần nội dung biển, màu sắc, chữ viết, hình ảnh nên để doanh nghiệp, cá nhân tự quyết định, miễn là không vi phạm pháp luật.