Dựa dẫm quá nhiều vào Nhà nước
Trước đó, trong loạt bài “Tư nhân hóa khai thác công trình thủy lợi: Tại sao không?”, PLVN đã phản ánh ngân sách nhà nước hàng năm phải tiêu tốn trên dưới 7.000 tỷ đồng để cấp bù thủy lợi phí cho người dân nhưng thực chất là để nuôi bộ máy quản lý vận hành các công trình thủy lợi vừa cồng kềnh, vừa kém hiệu quả. Và đây cũng được coi là... “miếng mồi ngon” cho tiêu cực, tham nhũng.
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về định giá nước trong nông nghiệp” được tổ chức mới đây, lần đầu tiên lãnh đạo ngành Nông nghiệp thừa nhận, vận hành theo nguyên tắc thị trường mới nâng cao được hiệu quả, năng suất, giảm lãng phí nước, tạo động lực phát triển nông nghiệp theo hướng tiết kiệm nước.
Thậm chí, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) còn nói rằng trong giai đoạn qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ thủy lợi phí để giảm bớt gánh nặng cho người dân. Nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, nước không chỉ sử dụng riêng cho nông nghiệp. Trong giai đoạn mới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách sử dụng nước theo hướng thị trường. Định giá nước để tính đúng với các đối tượng mà chưa cần phải hỗ trợ.
“Một trong những yếu kém của ngành Thủy lợi chính là hiệu quả khai thác các công trình. Và đặc biệt, tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất, dân sinh trong mùa hạn năm nay ở miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Nhưng có những vùng chúng ta có thể khắc phục được, đặc biệt là khi cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương cấp dưới, hệ thống bơm, cấp nước được hiện đại hóa. Để làm được điều đó thì không chỉ có sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải có sự tham gia của toàn dân, đặc biệt là khu vực tư nhân” - ông Thắng nói.
GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi từ cơ chế quản lý nước, cung cấp nước có tính chất bao cấp sang quản lý và cung cấp theo cơ chế thị trường là rất cần thiết.
Hỗ trợ dân theo cách khác
Thứ trưởng Thắng cũng cho biết, định giá nước trong nông nghiệp hay đưa các nguyên tắc của thị trường vào trong thủy lợi không có nghĩa rằng sẽ không hỗ trợ người dân mà thực chất là sẽ có giải pháp hỗ trợ cao hơn. Để thúc đẩy vấn đề này không chỉ là sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần huy động sự tham gia của toàn dân, khu vực tư nhân. Do đó, thời gian tới cần thúc đẩy các đối tượng này đầu tư, quản lý vận hành các hệ thống thủy lợi.
Liên quan tới việc xây dựng giá nước, trao đổi với PLVN, ông Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi nói không nên lấy 7.000 tỷ đồng ngân sách chi ra để giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp cho người dân qua cấp bù thủy lợi phí. Đã đến lúc Nhà nước cần phải xóa bỏ triệt để cơ chế cấp bù gián tiếp như hiện nay. Theo ông Nhơn, Nhà nước đừng hỗ trợ cho người dân theo con đường đó.
“Anh” cứ để người ta tự trả thủy lợi phí, ngân sách không chi cái này, số tiền ngân sách này nên đưa vào chương trình đầu tư điện, đường, trường, bệnh viện,… và các chính sách hỗ trợ thiết thực khác cho người nông dân như cấp bù cho con cái họ được đi học chẳng hạn” - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi nhấn mạnh.
Chuyên gia này khẳng định giá để căn vào tính định mức cấp bù thủy lợi phí hiện nay chỉ là giá để cho các công ty thủy nông đủ sức tồn tại và vận hành, hoàn toàn không phải là cái giá để các công ty thủy nông chủ động để kinh doanh.
“Khi tư nhân hóa, giá nước phải xây dựng đúng giá thị trường. Một công trình thủy lợi cũng như mọi công trình xây dựng cơ bản khác, khi đã hoàn công đưa vào phát huy tác dụng phục vụ sản xuất thì trong giá thành sản phẩm của công trình phải đưa vào các yếu tố sau đây. Thứ nhất, chi phí sản xuất tức là chi phí quản lý vận hành công trình. Khoản này bao gồm trả lương công nhân cán bộ, trả tiền điện và các chi phí quản lý khác. Thứ hai, chi phí để tu sửa thường xuyên. Thứ ba, chi phí cho công tác sửa chữa lớn (khấu hao sửa chữa lớn). Cuối cùng là khấu hao cơ bản”- ông Nhơn nhấn mạnh.
Vì sao Thứ trưởng Bộ NN&PTNT muốn định giá nước?
Ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng trong giai đoạn qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ thủy lợi phí để giảm gánh nặng cho người dân. Nhưng hiện nay, nước không chỉ sử dụng riêng cho nông nghiệp. Trong giai đoạn mới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách sử dụng nước theo hướng thị trường, định giá nước để tính đúng với các đối tượng mà chưa cần phải hỗ trợ.