Biện pháp hữu hiệu 'giữ chân' người lao động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kinh nghiệm năm 2021 cho thấy, thời điểm dịch bùng phát mạnh, dòng người đổ dồn về quê và đã có những lo ngại về việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, song nhờ các giải pháp kiểm soát tốt của Chính phủ và ngành LĐ-TB&XH, điều đó đã không xảy ra...
Ngành LĐ-TB&XH đang làm nhiều giải pháp để “giữ chân” người lao động, ổn định đời sống. (Ảnh minh họa)
Ngành LĐ-TB&XH đang làm nhiều giải pháp để “giữ chân” người lao động, ổn định đời sống. (Ảnh minh họa)

Tổng cục Thống kê vừa có Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II/2023 và 6 tháng đầu năm cho thấy, tuy lực lượng lao động đang làm việc quý II tăng so với quý trước, nhưng thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất.

Lý giải nguyên nhân, Tổng cục Thống kê cho biết, chủ yếu do nhiều doanh nghiệp công nghiệp cắt giảm lao động nên lao động có xu hướng chuyển dịch sang khu vực dịch vụ và chấp nhận làm công việc ít ổn định hơn. Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng lên ở hầu hết các vùng kinh tế - xã hội.

Theo phân tích của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), dự báo thị trường lao động trong nửa cuối năm 2023 còn phụ thuộc vào việc cập nhật kịch bản tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức đều cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn sẽ còn chịu tác động của địa chính trị trên thế giới, lạm phát, giá cả tăng cao…

Thực tế này có thể nhìn rõ ở Hà Nội, theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dù xu hướng tuyển dụng ở thị trường Hà Nội vẫn tích cực, song trong các tháng tiếp theo, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu sử dụng lao động sẽ có xu hướng phân hóa theo từng ngành sản xuất kinh doanh tùy theo diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế. Nhưng nhìn chung nhu cầu sử dụng lao động sẽ có mức tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước phụ thuộc nhiều vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn Hà Nội tập trung chủ yếu là nhân viên kinh doanh - bán hàng, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may, nhân viên dịch vụ nhà hàng khách sạn, nhân viên du lịch lữ hành… Dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: dịch vụ du lịch và lữ hành; bán buôn và bán lẻ; vận tải, kho bãi. Một số nhóm ngành được dự báo là xuất hiện tình trạng giảm việc làm do thiếu hụt đơn hàng như: kinh doanh xuất nhập khẩu; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; chế biến gỗ…

Về phía ngành LĐ-TB&XH, phát biểu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho thấy, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang làm nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, ổn định đời sống. Đơn cử như phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu gói hỗ trợ từ các quỹ bảo hiểm xã hội.

Thực tế cho thấy, có việc làm và được hỗ trợ kịp thời, đó là biện pháp hữu hiệu để “giữ chân” người lao động tốt nhất. Ngành LĐ-TB&XH từng xử lý tốt tình huống này khi kinh nghiệm năm 2021 cho thấy, thời điểm dịch bùng phát mạnh, dòng người đổ dồn về quê và đã có những lo ngại về việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, song nhờ các giải pháp kiểm soát tốt của Chính phủ và ngành LĐ-TB&XH, điều đó đã không xảy ra.

Đọc thêm