“Biến” tài sản công ty thành tài sản chung vợ chồng

 Báo PLVN số 335 (1/12/2010) đã có bài phản ánh về việc TAND huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá khi xét xử vụ ly hôn đã “xẻ” đôi một doanh nghiệp để chia tài sản cho hai vợ chồng. Phán quyết gián tiếp giải tán một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có tài sản độc lập với các đương sự trong vụ án. Tòa cấp phúc thẩm sau đó đã chỉ rõ và khắc phục một số sai lầm  nhưng không hẳn đã hết sai...

Báo PLVN số 335 (1/12/2010) đã có bài phản ánh về việc TAND huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá khi xét xử vụ ly hôn đã “xẻ” đôi một doanh nghiệp để chia tài sản cho hai vợ chồng. Phán quyết gián tiếp giải tán một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có tài sản độc lập với các đương sự trong vụ án. Tòa cấp phúc thẩm sau đó đã chỉ rõ và khắc phục một số sai lầm  nhưng không hẳn đã hết sai...
Phần xây thô của khách sạn Hoa Mai do Công ty Đầu tư xây dựng
Phần xây thô của khách sạn Hoa Mai do Công ty Đầu tư xây dựng

Án sơ thẩm sai phạm

Ngoài việc chấp nhận thuận tình ly hôn giữa chị Lê Thị Tuyết (nguyên đơn) và anh Lê Sỹ Tăng (cùng trú tại xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hoá), thì HĐXX sơ thẩm đã chia chác tất cả bất động sản, tài sản của Cty TNHH Hoa Mai (do anh Tăng làm Giám đốc) vì cho rằng đây là khối tài sản chung của hai vợ chồng. Phán quyết trên bị Tòa cấp Phúc thẩm coi là “vi phạm nghiêm trọng” bởi: Xác định tài sản của Cty TNHH Hoa Mai là tài sản chung của vợ chồng để chia nhưng không xem xét đến quyền và nghĩa vụ của cty như: Cty có còn hoạt động hay chấm dứt? Nếu tiếp tục hoạt động thì giao cho ai là người được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ phát sinh?.

Trong hồ sơ còn thể hiện vợ chồng anh Tăng có ký hợp đồng thế chấp tài sản của cty gồm nhà xưởng, máy móc thiết bị xây dựng để vay của ngân hàng 1,6 tỷ  đồng nhưng chưa thanh toán… Tại phiên toà phúc thẩm, anh Tăng còn khai công ty còn nợ hơn 6 tỷ nhưng án sơ thẩm không đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng. Ngoài ra án sơ thẩm còn đưa 21 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng nhưng không xem xét giải quyết trong vụ án này. Có trường hợp cty còn nợ đến hàng tỷ đồng nhưng không được chấp nhận hoặc bác yêu cầu là đã tước mất quyền và nghĩa vụ của họ.

HĐXX còn “nhắc nhở” cấp sơ thẩm “rút kinh nghiệm” khi từ chối luật sư tham gia phiên tòa với lý do rất vô lý là “tham gia ngắn ngày, không đủ thời gian xem xét nghiên cứu hồ sơ”.

Cùng với việc chỉ ra một số sai sót khác về tố tụng, HĐXX phúc thẩm đã quyết định huỷ phần chia tài sản của Cty TNHH Hoa Mai trong bản án sơ thẩm để “giải quyết lại”.

Án phúc thẩm chưa hết “sạn”

HĐXX phúc thẩm xác định, phần tài sản chung của vợ chồng anh Tăng là trị giá hơn 9 tỷ đồng thì tiến hành chia đôi. Đường lối giải quyết như trên tuy không sai lầm nghiêm trọng như tòa cấp sơ thẩm nhưng nhiều tài sản của công ty vẫn bị “nhầm lẫn” thành tài sản chung của vợ chồng. Đơn cử rõ nhất là việc chị Tuyết được Tòa giao  sở hữu phần móng và phần xây thô tầng 01 khách sạn Hoa Mai và quyền sử dụng hơn 500 m2 đất tại phường Trường Sơn, TX Sầm Sơn (tổng trị giá hơn 4,7 tỷ đồng)

Ngay tại phiên tòa phúc thẩm, anh Tăng đã trình bày và đưa các chứng cứ (hợp đồng xây dựng, chứng từ, hóa đơn thuế, xác nhận của cơ quan thuế về tài sản cố định của doanh nghiệp...) chứng minh việc Cty TNHH Hoa Mai là người đầu tư vốn để xây dựng khách sạn Hoa Mai. Nhưng không hiểu sao, HĐXX vẫn coi giá trị xây thô này nằm trong khối tài sản chung của vợ chồng rồi đem ra chia.

Ngoài việc làm thiệt hại đến quyền lợi của Cty Hoa Mai thì bằng việc chia tài sản trên, Tòa cấp Phúc thẩm đã gián tiếp hủy bỏ luôn hợp đồng mượn đất giữa vợ chồng anh Tăng và Cty Hoa Mai (do UBND phường Trường Sơn chứng thực ngày 2/8/2009). Trước đó, do không có đất để tiến hành xây khách sạn nên Cty Hoa Mai đã phải mượn đất của vợ chồng anh Tăng tại TX Sầm Sơn để đầu tư, xây dựng, kinh doanh khách sạn Hoa Mai. Như vậy, Tòa cấp phúc thẩm đã tự hủy bỏ một  hợp đồng dân sự (mượn đất) dù không có yêu cầu của ai; không xử lý hậu quả của việc hủy hợp đồng này mà còn cho bên có đất được sở hữu toàn bộ công trình mà bên mượn đất đã đầu tư.

Phán quyết của tòa cấp phúc thẩm khiến quá trình thi hành án hiện đang gặp trở ngại khi phía Cty Hoa Mai kiên quyết không chịu giao khách sạn Hoa Mai (mà họ đã đầu tư xây dựng) cho chị Tuyết, khiến Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp) từng có văn bản trả lời khiếu nại và hướng dẫn rằng:“Nếu  cho rằng việc xét xử của TAND tỉnh Thanh Hóa là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu, sử dụng của cty thì Cty Hoa Mai có quyền khiếu nại đến Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC để được xem xét...Trường hợp phát hiện có sai lầm thì Cơ quan Thi hành án dân sự TX Sầm Sơn kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm”.

Cty Hoa Mai vẫn đang chờ động thái từ 3 cơ quan nêu trên.

Về vụ ly hôn “kết hợp” hủy bỏ hợp đồng mượn đất này,  chúng tôi đã trao đổi với LS Nguyễn Anh Tuấn- Văn phòng Luật sư Đông Dương (Nghệ An):

So với bản án sơ thẩm thì bản án phúc thẩm đã không còn phần chia tài sản của công ty, ông có nhận xét gì về phán quyết này?

- Tôi thấy, HĐXX phúc thẩm đã xác định đúng về nguyên tắc khi coi Cty Hoa Mai là một pháp nhân, không lấy tài sản của cty đem chia cho 2 vợ chồng anh Tăng như Tòa cấp sơ thẩm. Nhưng một bất động sản có giá trị lớn nhất của cty lại bị HĐXX phúc thẩm cố tình coi là tài sản chung của vợ chồng rồi mang ra chia trong vụ án ly hôn. Tuy tài sản này nằm trên đất của vợ chồng anh Tăng, nhưng Tòa phải xem xét giải quyết tranh chấp (nếu có) về hợp đồng mượn đất của Cty. Xác định, giải quyết về phần giá trị tài sản mà bên mượn đất đã đầu tư chứ không thể có chuyện “mượn đất hợp pháp rồi mất trắng tài sản đã đầu tư trên đất được”

Còn những tài sản khác của cty sẽ được Tòa cấp sơ thẩm chia tiếp khi xét xử lại?

- Không thể. HĐXX phúc thẩm đã áp dụng sai luật khi nhận định rằng: “Hủy phần chia tàn sản trong Cty Hoa Mai trong vụ án ly hôn, chuyển hồ sơ để Tòa sơ thẩm giải quyết lại”. Cty Hoa Mai là một pháp nhân nên việc giải quyết tranh chấp về tài sản giữa các thành viên trong công ty phải được giải quyết theo luật kinh tế, luật doanh nghiệp sau khi giải quyết hết các tranh chấp hợp đồng với các đối tác, với ngân hàng...Tòa cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết những vụ việc này nên không thể chuyển hồ sơ phần chia tài sản của Cty cho tòa sơ thẩm (tức TAND huyện Hoằng Hóa) được. Vả lại, việc phân chia tài sản này cũng phải trên cơ sở đề nghị của đương sự chứ không thể cứ chuyển hồ sơ rồi “đè” ra chia là được.

- Xin cảm ơn luật sư.

Khoa Lâm

Đọc thêm