Biến tướng bán hàng đa cấp ngày càng tinh vi phức tạp

(PLO) - Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, một số cá nhân, tổ chức đã chuyển sang các hình thức khác để tiếp tục huy động tài chính như kinh doanh tiền ảo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án "bánh vẽ" như bất động sản, nhà hàng, khách sạn... 
Hình minh họa
Hình minh họa

Tất cả đều có một đặc điểm chung là sử dụng mô hình đa cấp, cụ thể là mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Đây là kiểu kinh doanh trái phép, đã bị luật pháp nghiêm cấm.

Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 02/CT-BCT về tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) diễn ra chiều 19/9 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Đang có nửa triệu người tham gia BHĐC

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, tính đến tháng 9/2016, cả nước có 50 doanh nghiệp đa cấp có giấy phép hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm, các công ty bán hàng đa cấp đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế 452 tỷ. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện có 500 ngàn người (giảm 57% so với hơn 1,1 triệu người của cùng kỳ năm 2015).

Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, Nghị định 42/2014/NĐ-CP quản lý hoạt động bán hàng đa cấp sau hơn 2 năm triển khai đã bộc lộ một số bất cập, khiến loại hình kinh doanh này bị biến tướng tại Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. Ít nhất 9 doanh nghiệp đã bị rút giấy phép hoạt động và bị xử phạt với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng.

Các mức xử phạt quy định tại Nghị định 42 chưa đủ sức răn đe. Do vậy Nghị định sửa đổi đang được soạn thảo theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời siết chặt hơn nữa các hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, kiểm tra cho thấy 26 doanh nghiệp trên tổng số 48 công ty nằm trong diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm và bị xử phạt. Các vi phạm phổ biến gồm không đăng ký hoạt động, tự ý thay đổi hồ sơ, khuyến mãi “chui”, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo mạng lưới quy mô lớn mà không thông báo xin phép...  

Nói thêm về các tồn tại, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, hiện các doanh nghiệp mặc dù đã thực hiện khá đầy đủ nghĩa vụ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, nhưng việc quy định doanh nghiệp không cần có chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh tại địa phương đang gây nhiều khó khăn cho công tác giám sát, quản lý, thanh kiểm tra.

Ngoài ra, đặc điểm cơ bản của bán hàng đa cấp là người tham gia/nhà phân phối đến tận địa chỉ của khách hàng để tư vấn, giải thích về công dụng của sản phẩm cũng như về các lợi ích về kinh tế trong chương trình trả thưởng của doanh nghiệp.

Do những hoạt động này được thực hiện tại các địa điểm riêng tư nên rất khó kiểm soát về nội dung và càng khó thu thập được chứng cứ để xử phạt trong trường hợp người tham gia đó nói sai, nói quá về công dụng của sản phẩm cũng như lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp để dụ dỗ khách hàng mua hàng hoặc tham gia vào mạng lưới do mình xây dựng.

Đáng chú ý, trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, một số cá nhân/tổ chức đã chuyển sang các hình thức khác để tiếp tục huy động tài chính như kinh doanh tiền ảo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án "bánh vẽ" như bất động sản, nhà hàng, khách sạn...

Tất cả đều có một đặc điểm chung là sử dụng mô hình đa cấp, cụ thể là mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Kiểu kinh doanh này là kinh doanh trái phép, đã bị luật pháp nghiêm cấm.

Tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự đã xóa bỏ tội "kinh doanh trái phép" nên hiện nay không có chế tài để xử lý các hành vi này ngay từ khi chúng mới manh nha xuất hiện. Cơ quan chức năng chỉ có thể vào cuộc khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, mà khi đó thì đã quá muộn.

Còn có ý kiến tranh cãi về lợi ích của hình thức bán hàng đa cấp
 Còn có ý kiến tranh cãi về lợi ích của hình thức bán hàng đa cấp 

Sẽ siết chặt, hạn chế cấp phép mới BHĐC

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, với quy mô số người tham gia bán hàng đa cấp lên tới 1,2 triệu người, dù không phải công ty đa cấp nào cũng vi phạm nhưng nếu đổ vỡ sẽ có tác động rất lớn đến đời sống người tham gia và cả người tiêu dùng.

Theo ông Tuấn Anh, hiện có rất nhiều hiện tượng BHĐC bất chính, lợi dụng BHĐC lừa đảo, huy động tài chính, thậm chí các hình thức biến tướng khác…

Nếu không kịp thời nghe ý kiến từ dư luận, xã hội, tăng cường biện pháp quản lý thì chắc chắn nguy cơ rất lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, gây bất ổn xã hội. Ông Tuấn Anh trăn trở: “Cần cơ chế, chính sách, giải pháp nào, các đồng chí cần có ý kiến để Bộ Công thương tổng hợp?”.

Trả lời câu hỏi này, đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay: "Việc kiểm tra, xử lý các Công ty BHĐC rất khó khăn do nhiều công ty có địa chỉ ảo, tổ chức bán hàng lén lút, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; giao dịch tiền ảo, làm từ thiện ảo, hô hào đầu tư vào các dự án ảo” và kiến nghị nên sớm hoàn thành các quy định quản lý BHĐC cho chặt chẽ hơn, cùng với việc tăng cường kiểm tra kiểm soát, thanh tra các doanh nghiệp BHĐC trên toàn quốc.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế nêu ví dụ cụ thể hơn:"Có đồng chí Bí thư tỉnh ủy cũng bảo người thân của mình cũng bị lừa. Chủ yếu là doanh nghiệp ở các thành phố lớn đi lừa người ở các tỉnh khác. Người bị lừa chủ yếu là người lao động, sinh viên, người về hưu...". Vị này chỉ ra nguyên nhân:

"Văn bản, chính sách không theo kịp thực tế BHĐC. Các văn bản của Bộ không chế định kịp thời các hành vi phát sinh trên thị trường. Nói tăng cường kiểm tra thì tăng cường kiểm tra ai. Ví dụ ở Huế, tìm thương nhân BHĐC thì họ là ai? Có cuộc hội nghị 5h sáng, có cuộc cuối giờ chiều, hàng trăm người, không quản lý kịp".

Vẫn lời đại diện Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, nên có đánh giá, bao nhiêu doanh nghiệp tham gia, mang lại lợi ích gì cho đất nước: "Nếu chúng ta không siết chặt quản lý, chấn chỉnh ngay thì người dân sẽ lãnh đủ. Nhiều gia đình đổ vỡ, khánh kiệt vì tệ nạn này".

Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản, chính sách quản lý và trong thời gian đó, phải siết chặt, hạn chế cấp phép mới BHĐC.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công thương cho biết: "Chúng tôi cũng sẽ sửa quy định về đăng ký kinh doanh BHĐC, tăng cường điều kiện, quy định chặt chẽ hơn về người tham gia. Một nội dung sẽ bổ sung là yêu cầu ký quỹ, để đảm bảo mức tối thiểu 10 tỷ hay 20 tỷ đồng, hệ thống càng lớn, tỷ lệ ký quỹ càng phải cao để đảm bảo lợi ích cho người tham gia".

Đa cấp lừa đảo dám đe dọa cả Bộ trưởng: 

Trong cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kể lại câu chuyện, ông từng được góp ý: "Nếu Bộ trưởng không nhìn nhận đúng BHĐC bất chính và không xử lý được, thì Bộ trưởng và Bộ Công thương sẽ không còn uy tín nào với người dân".

"Lúc đó tôi đã trả lời sẽ ghi nhận, sẽ xử lý, và điều này thực sự khiến tôi rất trăn trở. Tôi nghĩ là với việc xử lý các hành vi BHĐC trái phép vừa qua, nếu không có phương tiện truyền thông, có lẽ Bộ Công thương còn không kịp phản ứng", ông nói.

"Đấu tranh chống BHĐC bất chính, lừa đảo không dễ. Họ sẽ còn lợi dụng để tiếp tục trục lợi... Chúng tôi thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn, tiếp cận mua chuộc, đe dọa... Nhưng với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Bộ Công thương sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động BHĐC trái phép, trục lợi gây thiệt hại cho người dân", ông Tuấn Anh nói.

Đọc thêm