Biển xanh, biển đỏ bản chất chỉ là cách quản lý tài sản công

(PLO) - Đề xuất xóa quy định biển xanh, biển đỏ đối với xe cơ giới và thống nhất biển số xe một màu trên toàn quốc của ông Trần Ngọc Sơn (Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai) tại hội nghị an toàn giao thông ngày 22/12 ở Hà Nội lập tức tạo ra dư luận trái chiều gay gắt. Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất trên thì nhiều ý kiến nói rằng việc xóa biển xanh, biển đỏ không phải là gốc rễ vấn đề, thậm chí vô tình hạn chế quyền giám sát tài sản công của nhân dân.  
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG nhấn mạnh việc quy định biển xanh, biển đỏ về bản chất chỉ là cách quản lý tài sản công.
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG nhấn mạnh việc quy định biển xanh, biển đỏ về bản chất chỉ là cách quản lý tài sản công.

Đề xuất gây tranh cãi

Tại hội nghị nói trên, ông Sơn phát biểu: “Bây giờ ra đường có xe biển trắng của người dân, rồi xe biển đỏ, xe biển xanh. Trong thực tế khi lưu thông trên đường, nhiều xe biển xanh vi phạm giao thông nhưng không bị xử phạt. Vừa qua có trường hợp người dân phát hiện xe biển xanh vi phạm đã rất bức xúc, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý”.

PV đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với một số tài xế xe công. Một số cho rằng nói xe công chạy ẩu, coi thường pháp luật là chưa đúng: “Mỗi khi chở lãnh đạo đi công tác, chúng tôi luôn phải đảm bảo an toàn nên không có chuyện vượt ẩu. Chưa kể một số lãnh đạo khó tính, yêu cầu phải chạy xe êm thì làm sao vượt ẩu, phạm luật” một tài xế xe nói.

Nhưng cũng một số tài xế lái xe công trả lời gần như không bị “tuýt còi” hay “hỏi thăm” trên đường, kể cả trong trường hợp vi phạm luật giao thông: “Trừ trường hợp xe gây tai nạn hoặc phạm những lỗi đặc biệt nghiêm trọng, quá phản cảm bị dư luận lên án thì xe biển xanh mới bị kiểm tra giấy tờ, xử lý thôi”, anh Nguyễn Trường, lái xe cho một cơ quan nhà nước ở Hà Nội nói.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà (Cục trưởng Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, đơn vị quản lý việc cấp biển số xe) bày tỏ quan điểm đồng tình với kiến nghị trên. Theo ông Hà, ngoài xe quân đội có đặc thù, các xe còn lại cần quy định một màu biển.

Thiếu tướng Hà cũng khẳng định quan điểm của lực lượng chức năng là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, trong đó có cả xe công. Ông Hà nói sắp tới nếu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, các đơn vị chức năng sẽ xem xét đề xuất trên.

Bổ sung ý kiến, PGS TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông (hiện công tác tại ĐH Bách khoa TP HCM) cho rằng: Tất cả phương tiện tham gia giao thông đều bình đẳng thì làm sao đó để phương tiện không bị phân biệt trên đường. Do đó, việc đồng nhất màu biển số là cần thiết, ngoại trừ một số xe ưu tiên.

Với những xe ưu tiên, ông Mai góp ý có thể có ký hiệu riêng hoặc lắp thêm vật dụng nào đó để dễ phân biệt, bảo vệ. Và việc này giao cho cơ quan CSGT. Còn lại tất cả các xe công vụ đều như xe tư nhân, tức có chung màu biển số. 

PGS Mai cũng chỉ ra tồn tại hiện nay là nhiều người đi xe công vụ nghĩ rằng đó là xe của Nhà nước, họ phải được ưu tiên vì đi làm công vụ. Nhưng thực tế không phải tất cả xe biển xanh đều đi làm công vụ.

Tài xế xe biển công có tâm lý “oai”?

Tiếp tục mổ xe ý kiến của PGS Xuân Mai về tâm lý ỷ lại xe công, PGS.TS Đậu Minh Long (Khoa tâm lý, Trường ĐHSP Huế) nhìn nhận lâu nay nhiều người vẫn bị ảnh hưởng “tâm lý Nhà nước”. Ví dụ nhiều người biết làm việc trong cơ quan nhà nước có mức lương thấp hơn doanh nghiệp tư nhân nhưng vẫn cố xin vào làm việc, thậm chí phải chạy chọt. Đây chính là thái độ ngại va chạm, thích ổn định, yên vị và chưa thực sự tự tin vào bản thân. Hoặc nhiều người hay lấy vị thế cơ quan nhà nước để tỏ sự “oai” với xã hội. Câu chuyện “biển xanh” là như vậy. 

PGS Long phân tích người tài xế khi điều khiển xe biển xanh, biển đỏ với xe biển trắng cũng có tâm lý khác nhau. Theo đó, thông thường những tài xế điều khiển phương tiện là tài sản nhà nước thường có tâm lý tự tin, “ít sợ” lực lượng chức năng hơn. Tuy nhiên khi tự tin thái quá, tài xế lái xe công sinh ra tâm lý ỷ lại, chủ quan và dễ có hành vi điều khiển phương tiện cẩu thả.

Ông Long dẫn chứng một số vụ xe biển xanh đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, gây tai nạn rồi bỏ trốn bị báo chí, dư luận phản ảnh vừa qua: “Có thể tài xế lái xe công ỷ lại họ đang điều khiển phương tiện thuộc sở hữu cơ quan nhà nước, “cùng nhà” với lực lượng CSGT nên không sợ bị phạt. Hoặc có bị dừng xe xử lý thì họ cũng dễ dàng xin xỏ, nhờ người khác can thiệp”. Những tâm lý chủ quan như trên theo ông Long khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. “Mà khi người ta tự thấy bản thân có những đặc quyền khi tham gia giao thông nữa thì rất nguy hiểm. Bởi vậy việc đồng nhất một loại màu biển số xe ô tô là cần thiết, trừ những trường hợp xe ưu tiên đã được quy định”, ông Long nói.

Bỏ hay không chưa phải gốc vấn đề

Xung quanh đề xuất trên, luồng ý kiến phản đối cũng mạnh mẽ không kém. Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ đưa ra những chính sách quản lý giao thông, ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nhấn mạnh việc quy định biển xanh, biển đỏ về bản chất chỉ là cách quản lý tài sản công. Còn nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN cũng như pháp luật quy định đó là tất cả các phương tiện khi tham gia giao thông dù thuộc quyền sở hữu của Nhà nước hay tư nhân đều bình đẳng trước pháp luật, trừ những trường hợp xe ưu tiên được luật pháp quy định (xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe hộ đê…).

Theo ông Dũng, việc dư luận lên án xe biển xanh, biển đỏ vi phạm không bị xử lý hoặc xử lý nhẹ, thuộc về phạm trù văn hóa ứng xử giao thông. Góp ý về mặt chính sách, ông Dũng nhấn mạnh cần tuân thủ nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Còn việc xóa biển xanh, biển đỏ, cần hiểu rằng chỉ là thay đổi phương thức quản lý tài sản công. 

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư (LS) Trịnh Văn Toàn, Trưởng Văn phòng LS ATK (Đoàn LS Hà Nội) phân tích việc quy định biển số màu xanh, màu đỏ hay màu trắng chỉ là hình thức quản lý về mặt hành chính. Còn trước pháp luật thì xe biển số màu gì đi nữa khi tham gia giao thông trên đường đều bình đẳng.

“Mặt khác, biển số màu xanh, màu đỏ để phân biệt đó là tài sản công. Mà tài sản công thì người dân có quyền giám sát. Bởi vậy, để biển số xe công màu xanh, màu đỏ cũng là cần thiết để mọi người dễ phân biệt. Ví dụ điển hình là nhiều vụ việc sử dụng xe công đi việc riêng, đi đình chùa bị báo chí, người dân phản ánh”, LS Toàn nói.

LS Toàn nhấn mạnh pháp luật không có quy định phân biệt giữa xe của cơ quan nhà nước với tư nhân khi tham gia giao thông. Còn sự phân biệt lâu nay là do một số người tự phân biệt, tự cho mình đặc quyền. Và điều này có cả lỗi của lực lượng xử lý đã bỏ qua những trường hợp xe biển xanh, biển đỏ vi phạm luật, từ đó dẫn đến tiền lệ không tốt.

LS Toàn nói: “Việc bỏ biển xanh hay biển đỏ không quan trọng. Đây không phải bản chất vấn đề nhằm tạo công bằng xã hội đối với phương tiện giao thông. Nếu muốn công bằng thì có thể xử phạt nghiêm tất cả các phương tiện vi phạm pháp luật như nhau, tuyệt đối không bỏ qua dễ dàng với xe biển xanh, biển đỏ vi phạm. Thậm chí nếu cần, luật pháp cần có thêm quy định xử lý những cán bộ đã bỏ qua lỗi của xe biển xanh, biển đỏ. Ngày nay chúng ta đã đưa vào ứng dụng nhiều thiết bị ghi hình tự động, đây có thể là phương tiện giám sát giao thông cũng như việc xử lý phương tiện vi phạm hiệu quả. Ngoài ra các cơ quan chức năng nên kêu gọi người dân tham gia giám sát, phản ánh tiêu cực”.

ĐBQH Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam): Trả lời Báo Đất Việt, ông Bình cho rằng, việc đổi màu biển số hay không không quan trọng. Mục đích ban đầu của việc chia các loại màu biển là giúp mọi người biết được đó là xe nhà nước, xe quân đội, hay xe cá nhân.

“Việc phân biệt xe biển xanh, biển đỏ, biển trắng không phải thể hiện sự bất bình đẳng. Bởi lẽ, dù anh có đi xe biển nào đi chăng nữa anh vẫn phải thực hiện đúng những quy định về an toàn giao thông, trừ những xe được ưu tiên như xe cứu thương, cứu hỏa..

Chẳng qua, những người sử dụng xe biển xanh, biển đỏ vin vào đó để không bị xử lý khi vi phạm an toàn giao thông, lực lượng CSGT cũng vì thế mà cả nể, dẫn đến việc bất bình đẳng.

Bản chất sự bất bình đẳng không xuất phát từ màu của biển số. Nếu như chúng ta đổi thành biển trắng hết, nhưng xử lý không công bằng thì cái bất bình đẳng nó vẫn tồn tại”, ông Bình phân tích.

Bên cạnh đó, theo ông Bình, cần phải lưu ý đến một vấn đề nếu sử dụng chung một màu biển số, đó là khó có thể quản lý được một bộ phận cán bộ nhà nước lợi dụng xe công để phục vụ cho mục đích cá nhân, đồng thời gây khó khăn cho dân trong việc giám sát sử dụng xe công của cán bộ.

Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), trả lời báo chí: “Theo tôi, đây chỉ là đề xuất cá nhân nên cần phải xem xét. Mỗi đề xuất đưa ra đều phải đánh giá tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, có giúp công bằng xã hội hay không.

Việc quy về biển trắng cũng sẽ xảy ra bất cập. Xe biển xanh, biển đỏ thể hiện đó là xe công, xe quân đội. Trường hợp đó mà quy tất vào xe biển trắng là không ổn. 

Ngay cả trong cơ quan nhà nước cũng không thể sử dụng xe công tùy tiện được. Không phải ai cũng được cấp xe biển xanh, trong cơ quan nhà nước, chỉ có một số người được cấp thôi. Đổi hết sang xe biển trắng sẽ rất khó quản lý xe công.

Nếu chuyển sang biển trắng hết thì ai biết được xe của ai, của cơ quan nào. Vấn đề an ninh, an toàn sẽ không được đảm bảo. Trong các hội nghị quốc tế, xe biển xanh mới được vào, mới kiểm soát được an ninh”.

Trước ý kiến đề xuất bỏ xe biển xanh vì “pháp luật phải bình đẳng, mọi người đều có quyền như nhau, không thể để biển xanh ưu tiên hơn biển trắng”, Tướng Quân nói: “Trong nhiều trường hợp, xe quân đội, xe công an đang đi làm nhiệm vụ trên đường thì phải được ưu tiên. Tôi cho rằng, người thực hiện công vụ chắc chắn phải được ưu tiên chứ không thể ra đường là công bằng như nhau”.

“Tôi xin nhấn mạnh, xe biển xanh chỉ được ưu tiên trong trường hợp đi làm nhiệm vụ, phát tín hiệu ưu tiên chứ không phải mọi lúc, mọi nơi.

Xóa bỏ hết xe biển xanh, áp dụng tất cả cùng một màu biển cũng phải xem xét thật nghiêm túc. Nó sẽ gây tốn kém thêm cho xã hội”.

Đọc thêm