Cách sử dụng thời gian của phụ nữ và nam giới có nhiều sự khác biệt
Trung tuần tháng 5/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã công bố kết quả ban đầu Điều tra quốc gia về sử dụng thời gian năm 2022. Theo đó, cuộc điều tra quốc gia về sử dụng thời gian năm 2022 đã được thực hiện với hơn 6 nghìn mẫu khảo sát là người dân Việt Nam có độ tuổi từ 15 - 64, sống trong các cấu trúc hộ gia đình đủ điều kiện ở cả 3 vùng Bắc - Trung - Nam, ở cả nam và nữ.
Kết quả điều tra quốc gia về sử dụng thời gian năm 2022 sẽ đem lại những dữ liệu hữu ích trong việc đánh giá một số chỉ tiêu về bình đẳng giới. Kết quả cũng có thể được sử dụng để phục vụ các hoạt động: chăm sóc cho người cao tuổi, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, đối phó với biến đổi khí hậu, so sánh năng suất lao động, tận dụng lợi thế dân số vàng, đặc biệt là vấn đề giới...
Điều tra được thực hiện với 8 nhóm hoạt động, gồm: công việc được trả lương; công việc nhà; chăm sóc gia đình; công việc cộng đồng và giúp đỡ các hộ gia đình khác; học tập; tham gia xã hội; giải trí và sử dụng phương tiện truyền thông; chăm sóc bản thân, ăn uống, nghỉ ngơi. Tổng cục Thống kê tham gia hỗ trợ về thiết kế mẫu, tư vấn phiếu hỏi, giám sát, hỗ trợ tính toán một số chỉ tiêu của điều tra.
Kết quả cho thấy, việc sử dụng thời gian của phụ nữ và nam giới khác nhau nhiều nhất ở khía cạnh phân bổ không đồng đều giữa công việc được trả lương và không được trả lương cũng như thời gian rảnh rỗi.
Cụ thể, tỷ lệ thời gian dành cho công việc được trả lương chiếm 21% thời gian không dành cho nhu cầu cá nhân của nữ giới và chiếm 25% thời gian không dành cho nhu cầu cá nhân của nam giới. Tỷ lệ thời gian làm việc nhà chiếm 12% thời gian của nữ giới và ở nam giới là 4%; trong khi đó, tỷ lệ thời gian giải trí và sử dụng phương tiện truyền thông của nữ giới là 6% và nam giới là 10%.
So sánh với một số quốc gia khác như Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, cả nữ giới và nam giới ở Việt Nam đều có ít thời gian giải trí trong ngày hơn các nước còn lại. Mặt khác, việc sử dụng thời gian của nữ giới và nam giới khác nhau nhiều nhất ở khía cạnh phân bổ không đồng đều giữa công việc được trả lương và không được trả lương cũng như thời gian rảnh rỗi.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia các công việc được trả lương ở Việt Nam cao, gần 70% phụ nữ Việt Nam từ 15 đến 74 tuổi làm công việc được trả lương trung bình một ngày (trong tuần và ngày cuối tuần). Tỷ lệ tham gia giải trí của phụ nữ thấp, trung bình gần 1/3 phụ nữ Việt Nam không có thời gian giải trí trong ngày. Kể cả Thứ Bảy và Chủ nhật, 30% phụ nữ Việt Nam không đề cập đến các hoạt động giải trí.
Mặc dù trung bình hầu hết phụ nữ đều làm việc nhà hàng ngày, nhưng chỉ có 55% nam giới tham gia vào loại hoạt động này; thời gian mỗi người tham gia làm việc nhà cũng cao hơn nhiều đối với phụ nữ (3h mỗi ngày) so với nam giới (1h42’ mỗi ngày).
Phụ nữ tham gia nhiều hơn vào công việc chăm sóc gia đình so với nam giới, trong khi trung bình có 45% phụ nữ làm công việc chăm sóc gia đình mỗi ngày, chỉ có 24% nam giới làm công việc này; Ngoài ra, thời lượng mỗi người tham gia công việc chăm sóc gia đình của phụ nữ (khoảng 3h15’) cao hơn nhiều so với nam giới (khoảng 2h).
Sẻ chia mối quan tâm, công việc để cùng tiến bộ, hạnh phúc, đó chính là bình đẳng giới giữa nam và nữ. |
Bình đẳng không có nghĩa là cân bằng nam nữ giống nhau
Sự khác biệt trong cách sử dụng thời gian của hai giới tồn tại không chỉ ở Việt Nam mà đây là vấn đề của rất nhiều quốc gia. Cách đây 9 năm, Cục Thống kê Lao động Mỹ đã tiến hành một cuộc khảo sát về cách sử dụng thời gian của hai nhóm nam và nữ. Kết quả cho thấy, phụ nữ vẫn là người dành nhiều thời gian cho gia đình hơn - hơn 2 giờ đồng hồ mỗi ngày, trong khi với nam giới chỉ là 1 giờ 15 phút.
Điều đáng chú ý khi nhìn vào thời gian dành cho gia đình, phụ nữ dành tới khoảng 1 giờ cho các công việc nhà và khoảng 45 phút mỗi ngày để nấu ăn. Trong khi đó, nam giới chỉ bỏ ra khoảng 17 phút cho các công việc này. Cũng theo cuộc khảo sát, trung bình, nam giới dành thời gian cho công việc nhiều hơn phụ nữ tới 1 tiếng 15 phút và có khoảng 20 phút rảnh rỗi nhiều hơn đồng nghiệp nữ.
Mặc dù trong vài thập kỷ qua, đã có nhiều nỗ lực trong việc tiến tới bình đẳng giữa nam và nữ, có thể thấy, ngay cả ở những nước tiên tiến như Mỹ, vẫn tồn tại sự khác biệt trong cách sử dụng thời gian của hai giới.
Như đã nói trên, bình đẳng giới sẽ không bao giờ đạt được những kết quả to tát, lớn lao nếu không xuất phát từ những điều nhỏ nhất, thông thường nhất hàng ngày trong tư duy và trong hành động. Khi một đứa trẻ sinh ra, em bé đó hoàn toàn không có khái niệm phân biệt giữa nam và nữ. Định kiến về giới được người lớn cùng kỳ vọng của xã hội đặt ra đối với trẻ trên chặng đường đời tiếp theo.
Theo đó, đàn ông không được khóc, phải thành đạt. Phụ nữ phải nhìn bà, nhìn mẹ học tập, làm theo sao cho ra dáng phụ nữ. Những định kiến đó, vô hình trung đã biến mỗi đứa trẻ trong sáng ngày nào thành “chiến binh” để giành chiến thắng trong cuộc chiến bình đẳng ngày ngày vây quanh. Chính vì vậy, thúc đẩy để bình đẳng giới trở thành cơ hội cho nam - nữ xích lại gần nhau là rất quan trọng. Hay nói cách khác, bình đẳng giới rất cần cho cả hai giới, chứ không riêng gì nam hoặc nữ.
Còn nhớ, trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông vào tháng 3/2022, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã nhấn mạnh, hiện nay, bình đẳng giới không còn được xem xét như là vấn đề chỉ của phụ nữ mà phải là vấn đề của cả nam giới và các giới khác nữa. Bình đẳng giới phải được thực hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là bình đẳng giới thực chất. Chúng ta đều biết phụ nữ và nam giới đều có năng lực khác nhau. Việc tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới cùng thể hiện năng lực của mình ở trong mọi lĩnh vực của cuộc sống mới chính là bình đẳng giới thực chất.
Cũng trong phỏng vấn này, ông Thái Ngô Hùng công tác tại Công ty Cổ phần Dịch vụ chăm sóc sức khỏe HAB Việt Nam cho rằng: “Với quan niệm của cá nhân tôi, phụ nữ luôn là người đang chịu thiệt thòi hơn so với đàn ông trong cả gia đình lẫn ngoài xã hội. Ở góc độ nào đó, phụ nữ vẫn gắn liền với sự hy sinh quyền lợi và hạnh phúc cá nhân của mình cho gia đình, chồng, con. Theo tôi, chỉ có sự bình đẳng mới có thể đem lại cuộc sống hạnh phúc cho cả hai giới. Sự bình đẳng ấy không phải cứ cân bằng nam nữ đều giống nhau về một tỷ lệ nhất định, mà nó là sự hỗ trợ, thấu hiểu để cả hai bên đều cảm thấy được yêu thương, hạnh phúc. Ví dụ khi phụ nữ vất vả mang thai, sinh nở, chăm sóc con cái thì nam giới cần yêu thương và chia sẻ khó khăn cho người vợ về tài chính, chia sẻ việc nhà, nuôi dạy con… Trong gia đình mọi việc cần được vợ chồng bàn bạc và chia sẻ từ việc nhỏ đến việc lớn, từ mục tiêu để cùng nhau thống nhất, có như vậy cuộc sống mới hạnh phúc”.
Còn theo nhà thơ, Tiến sĩ Trần Hoàng Thiên Kim thì: “Trong xã hội hiện đại, không chỉ nam giới mà với phụ nữ cùng lao động, làm việc như đàn ông, thậm chí có khi còn hơn. Vì ngoài công việc ở công sở, họ còn có thiên chức làm vợ, làm mẹ, giữ lửa ấm cho ngôi nhà, cho căn bếp. Vì thế, cả đàn ông và phụ nữ đều phải chia sẻ trách nhiệm giới với nhau. Trong gia đình tôi, công việc trong gia đình sẽ được chồng hỗ trợ hết sức, không có sự phân biệt. Chồng tôi vẫn lau nhà, chợ búa, rửa bát, dọn dẹp những lúc vợ bận rộn. Nhờ có sự chia sẻ đó, tôi có cơ hội học tập nâng cao trình độ, phấn đấu trong sự nghiệp…”.
Như vậy, có thể thấy, không cần phải đợi đến những con số từ kết quả điều tra quốc gia về sử dụng thời gian năm 2022 nói trên, mà ngày ngày, vấn đề bình đẳng giới luôn là vấn đề được quan tâm, trăn trở.
Duy chỉ có điều, mọi người hay kể những câu chuyện bất bình đẳng họ nhìn thấy và nghe được từ những số phận của một người khác chứ không phải của chính họ. Còn những người trong cuộc lại lựa chọn sự cam chịu, chấp nhận như là số phận của chính mình. Thế nên, bình đẳng giới không phải chỉ là vấn đề của xã hội hay ở đâu đó, của ai đó, mà là vấn đề của mỗi cá nhân chúng ta, dù nam hay nữ. Và rất cần được nỗ lực để thay đổi dần mỗi ngày.