Bình Định chuyển tư duy từ “quản lý, giải quyết” sang “phục vụ, đáp ứng”

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng : bên cạnh vai trò điều hành của lãnh đạo chính quyền địa phương, nền kinh tế tỉnh tăng trưởng bền vững hay không là có sự đóng góp rất lớn từ cộng đồng DN trong nước cũng như ngoài nước đang hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 đạt từ 9 – 9,5%, tỉnh Bình Định đã đề ra nhiều giải pháp để có thể đạt được mục tiêu này, trong đó có nhóm giải pháp hướng đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng nhấn mạnh, bên cạnh vai trò điều hành của lãnh đạo chính quyền địa phương, nền kinh tế tỉnh tăng trưởng bền vững hay không là có sự đóng góp rất lớn từ cộng đồng DN trong nước cũng như ngoài nước đang hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Ông Thắng chia sẻ:

- Thời gian qua, tỉnh Bình Định luôn xác định chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt trong việc điều chỉnh chính sách, thể chế, thủ tục hành chính nhằm tăng năng suất đồng thời giảm chi phí, rủi ro trong kinh doanh cho DN, tạo niềm tin, giúp các DN phát triển đầu tư, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả tốt nhất. Chính vì vậy, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định cùng với các ngành, các địa phương của tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách liên quan đến thu hút đầu tư, kinh doanh.

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng
Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng

Tuy nhiên, các giải pháp tổ chức thực hiện, đặc biệt là vai trò tiên phong của lãnh đạo và trách nhiệm của các ngành có lúc, có nơi chưa thường xuyên, quyết liệt trong giải quyết khó khăn cho DN dẫn đến sự cảm nhận tích cực của DN giảm dần. Điều này thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ top đầu cứ tụt hạng dần, nhất là PCI 2011, Bình Định tụt xuống thứ 38/63 trong bảng xếp hạng này, tụt 18 bậc so với năm 2010 và 31 bậc so với năm 2009, thuộc nhóm “cuối khá”.

Phải có quyết tâm chính trị cao

* Vậy Bình Định đã khắc phục thực trạng trên như thế nào để năm vừa qua quay trở lại vị trí cao nhất đã đạt được cách đây 5 năm và là tỉnh dẫn đầu khu vực duyên hải miền Trung trong bảng xếp hạng PCI năm 2012?

- UBND tỉnh Bình Định liên tục phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức nhiều cuộc hội thảo để tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng này. Từ chỉ đạo trực tiếp đến ban hành hàng loạt văn bản, chỉ thị, đối thoại để các ngành, các cấp, các địa phương chấn chỉnh, làm hài lòng các DN, nhà đầu tư.

Kết quả của sự quyết tâm đó là năm 2012 Bình Định đã trở lại top đầu như mấy năm trước đây.

* Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm qua các năm mà tỉnh cho là cần quan tâm?

- Phải có quyết tâm chính trị cao. Muốn cải thiện, trước hết phải nhìn nhận được hạn chế để từng bước khắc phục, điều này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất của tỉnh, sự đồng thuận của nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều địa phương. Nếu có quyết tâm chính trị và biết rõ ưu, nhược của mình để ứng xử thích hợp thì chỉ số năng lực cạnh tranh chắc chắn sẽ được cải thiện.

Thứ hai, nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp, tăng cường đối thoại với DN, minh bạch khi tiếp cận thông tin. Lãnh đạo các cấp, các ngành thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư với quan điểm việc gì khó cơ quan Nhà nước phải tập trung giải quyết, việc gì thuận lợi phải dành cho DN, không để các vụ việc giải quyết dây dưa, kéo dài, gây phiền hà cho DN; dám tiếp thu và cầu thị, thừa nhận những yếu kém, những bất cập trong bộ máy để sửa chữa, khắc phục đó cũng là cách “ghi điểm” của lãnh đạo các cấp.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định luôn dành thời gian tối đa để giải quyết các vấn đề có liên quan đến DN, đầu tư – kinh doanh, kể cả ngoài giờ, ngày nghỉ.

Thứ ba, giảm đến mức tối thiểu chi phí không chính thức, chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước và tăng cường các dịch vụ hỗ trợ DN. Chúng tôi luôn quan tâm đến việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của DN, từng bước đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của DN đối với cơ quan công quyền và dịch vụ công.

Chúng tôi hiểu rằng đạt thứ hạng cao đã khó, giữ thứ hạng cao lại càng khó hơn. Sắp tới đây, Bình Đình sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới hơn nữa cách điều hành nền kinh tế để càng làm hài lòng hơn các nhà đầu tư, các DN, làm hết mức có thể để giữ được thứ hạng PCI như năm nay.

Chính quyền phải chuyển biến mạnh về tư duy

* Ông vừa đề cập đến minh bạch khi tiếp cận thông tin. Đây thực sự vẫn là câu chuyện không ít nan giải tại nhiều địa phương. Còn Bình Định thì sao, thưa ông?

- Để thực sự minh bạch khi tiếp cận thông tin, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin của tỉnh, trang thông tin xúc tiến đầu tư và hợp tác, website của các sở, ngành, huyện, thành phố và tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Không những thế, tỉnh còn thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, các thủ tục hành chính, các chính sách mới ban hành; thông tin về quy hoạch, kế hoạch, dự án nhằm giúp DN tiếp cận, nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, tận dụng tốt các cơ hội đầu tư và tổ chức hoạt động được nhanh chóng, thuận lợi theo đúng chủ trương, chính sách đã ban hành.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải sớm hoàn thiện các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh chủ động hơn trong mời gọi đầu tư và khi nhà đầu tư vào tỉnh thì không phải chờ đợi. Căn cứ các quy hoạch được duyệt, việc chấp thuận chủ trương đối với từng dự án đầu tư sẽ được xem xét, quyết định nhanh hơn.

*Trong quá trình tiếp xúc với DN, ông thấy DN thường phản ánh những khó khăn, vướng mắc nào và tỉnh đã giải quyết ra sao?

- Vấn đề được cộng đồng DN đặc biệt quan tâm là tiếp cận đất đai, tiếp đến là thủ tục hành chính còn dài và lâu. Đây là những vướng mắc cần tập trung giải quyết. Về đất đai, trước hết phải quy hoạch để xác định khu vực nào thì đầu tư được cái gì, trên cơ sở quy hoạch đó được phê duyệt thì công khai, minh bạch ra để các DN đến người ta biết và các cơ quan có trách nhiệm cũng trên cơ sở quy hoạch đó tiến hành giải quyết những nhu cầu đầu tư của DN ở lĩnh vực A, B, C nào đó.

Đồng thời, để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan cần tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xác định giá đất một cách hợp lý hơn, vừa đảm bảo lợi ích của ngân sách (trong điều kiện nguồn thu còn hạn hẹp) vừa phù hợp với định hướng ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh đối với từng lĩnh vực, trong từng thời kỳ, phù hợp với mặt bằng giá và có tính cạnh tranh trong khu vực.

Còn về thủ tục hành chính, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bình Định cũng xác định cải cách thủ tục hành chính là một khâu rất trọng yếu. Nếu đột phá thành công ở khâu này cộng với các giải pháp mà tôi đã nói như quy hoạch được duyệt một cách bài bản, công khai, minh bạch thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của DN đặt ra.

Bên cạnh đó cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, từng bước đáp ứng yêu cầu mới, thay đổi từ trong nhận thức, thói quen, tác phong đến thái độ làm việc, tận tâm, tận tụy phục vụ, nắm vững quy định của pháp luật, chính sách mới để giải quyết công việc một cách công khai, minh bạch và có hiệu quả. Chuyển từ tư duy “quản lý, giải quyết” sang “phục vụ, đáp ứng” để chính quyền thực sự là người đồng hành của DN, coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của chính mình.

* Được biết, GDP của Bình Định năm qua đạt gần 7%. Năm nay tỉnh có đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn không, thưa ông?

- Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước năm 2012, chúng tôi tuy có đạt được một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội như về mặt nông nghiệp rất tốt, nhưng công nghiệp và dịch vụ cũng chỉ có mức độ dù đã cố gắng. Năm 2013, nông nghiệp tập trung giải quyết để đạt mức của năm 2012, công nghiệp và dịch vụ sẽ phấn đấu cao hơn.  Mục tiêu GDP của tỉnh dự kiến khoảng chừng 9-9,5%, dĩ nhiên trong điều kiện này có thể là cao bởi chúng tôi cũng thấy tác động của kinh tế thế giới mặc dù đã hồi phục nhưng rất chậm, đất nước đang đà phát triển lại gặp phải khó khăn.

* Trân trọng cảm ơn ông và chúc cho Bình Đình sẽ đạt và vượt mục tiêu năm 2013 của tỉnh đặt ra!

Hoàng Thư (thực hiện)

Đọc thêm