Tỉnh Bình Định đứng thứ ba trên cả nước về số lượng tàu cá với hơn 5.300 chiếc. Trong đó, số lượng tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép có khoảng 1.000 chiếc và phần lớn có chiều dài từ 6m đến dưới 12m. Những tàu cá này hoạt động chủ yếu ở vùng bờ, vùng bãi ngang trong tỉnh, không ra vào cảng cá, trạm kiểm soát biên phòng, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản Bình Định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, những tàu này được người dân tự đóng mới mà không xin chấp thuận; mua bán nhưng không thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ theo quy định pháp luật dẫn đến tình trạng tàu không có hồ sơ gốc; tàu không đáp ứng điều kiện, tiêu chí quy định (vỏ tàu, máy tàu, nghề khai thác…).
|
Một tàu cá "3 không" bị lực lượng chức năng thu giữ trên địa bàn tỉnh Bình Định |
Được biết, trong tháng 4/2024, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã phát hiện 5 tàu cá (3 tàu ở huyện Phù Mỹ và 2 tàu ở thị xã Hoài Nhơn) vi phạm mất kết nối trên biển trên 10 ngày. Lũy kế, đã có 7 lượt tàu (4 tàu ở huyện Phù Mỹ và 3 tàu ở thị xã Hoài Nhơn) mất kết nối trên biển trên 10 ngày và không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với các địa phương, xã, phường ven biển tổ chức hướng dẫn, đi kiểm tra thủ tục cấp đăng ký tàu cá cho các tàu chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là đến giữa tháng 5/2024, đơn vị sẽ hoàn thành các thủ tục cho nhóm tàu cá “3 không” trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định khẳng định địa phương rất quyết tâm trong việc xử lý tình trạng tàu cá “3 không”.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đang tích cực triển khai tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn bảo đảm nắm chắc thực trạng các thông tin cần nắm bao gồm số lượng tàu, tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký; tàu cá hoạt động ngoài tỉnh, tàu cá chưa lắp thiết bị VMS.
Qua đó, tỉnh sẽ theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu khi xuất, nhập bến, ra vào cảng (cả tàu cá của tỉnh và tàu ngoài tỉnh neo đậu, hoạt động tại tỉnh); đồng thời tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc với các địa phương có tàu cá chưa đăng ký trong toàn tỉnh để hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu cho tàu cá phát sinh từ 6 mét đến dưới 15 mét và thực hiện kiểm tra kỹ thuật lần đầu.
"Đây là một nỗ lực không nhỏ nhằm đảm bảo hoạt động khai thác đánh bắt trên biển diễn ra đúng quy định, đồng thời cũng góp phần vào việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)". Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thêm.
Chia sẻ về quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc chống khai thác IUU, Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết: Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng biên phòng, các sở ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt quy định pháp luật, nhất là Luật Thủy sản năm 2017. Việc vận động ngư dân chuyển đổi nghề, khuyến khích các hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế gia đình, địa phương cũng được xem là một phần quan trọng trong chiến lược toàn diện của tỉnh nhằm giảm tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp.
“Lực lượng biên phòng sẽ chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, đơn vị vũ trang trên địa bàn thường xuyên đôn đốc, theo dõi, nắm bắt thông tin để làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát trên biển”, Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh nhấn mạnh.