Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi lên trực thuộc Trung ương, tính chất đô thị Huế là đô thị loại I, thành phố trực thuộc trung ương có yếu tố đặc thù; là đô thị phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Huế sẽ là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đồng thời là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Không gian đô thị của Huế sẽ phát triển theo mô hình “Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”. Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Cấu trúc không gian đô thị gồm: 1 hệ thống di sản đồng bộ, 2 không gian sinh thái cảnh quan, 3 hành lang kinh tế, 3 trọng điểm phát triển đô thị và 4 phân vùng quản lý phát triển, phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế.
Công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản tại Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng |
Tại chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương. Theo đó, TP Huế trực thuộc Trung ương được lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Diện tích là 4.947 km2 và dân số 1,23 triệu. Sau thành lập, TP Huế trực thuộc Trung ương có hai quận, ba thị xã và bốn huyện. TP Huế trực thuộc trung ương đã đạt đủ các tiêu chuẩn của "đô thị di sản", gồm tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc; thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương là cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời là động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô để phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.
Việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo định hướng tại Nghị quyết số 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị.
Huế đã hình thành, phát triển được các trung tâm về văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban tán thành đề xuất thành lập TP Huế trực thuộc trung ương để bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Chủ trương này thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc.
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã bảo đảm các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...; đồng thời, tán thành với đề xuất tên gọi “TP Huế trực thuộc Trung ương”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, thời gian qua, trong quá trình phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là xây dựng mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Huế đã hình thành, phát triển được các trung tâm về văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ của cả nước. Công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản cũng đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng; kinh tế tăng trưởng khá; đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được nâng lên; quốc phòng an ninh được đảm bảo...