Bình Định tập trung rà soát nhận diện và đánh giá khả năng áp dụng kinh tế tuần hoàn trên 10 lĩnh vực ưu tiên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành văn bản số 428 /TB-UBND thông báo Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tại cuộc họp nghe báo cáo về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 và Kế hoạch thực hiện Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 23/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, vào ngày 18/3/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết việc nghiên cứu, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là một trong những nội dung mới, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu chất thải, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn, dẫn dắt.

Bình Định được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió

Bình Định được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 và Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, gắn với phát triển kinh tế xanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan chuyên môn thực hiện những công viêc vụ thể như sau:

- Sở Nông nghiệp và Môi trường: Xem xét, làm việc với đơn vị tư vấn để xây dựng và triển khai Kế hoạch, đồng thời chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và ý nghĩa của việc áp dụng kinh tế tuần hoàn; phát triển thị trường các-bon.

-Sở Công Thương: Chủ động phối hợp với Sở Tài chính, cơ quan thuế và các đơn vị liên quan rà soát, kịp thời tham mưu đề xuất triển khai các quy định của Trung ương về thực hiện cơ chế ưu đãi thuế, phí cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ sạch, tái chế chất thải tái chế chất thải trên địa bàn tỉnh; rà soát, thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực thương mại, mở ra hướng đi mới cho phát triển bền vững.

-Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu rà soát, tham mưu đề xuất về quy chuẩn xây dựng xanh, áp dụng cho các công trình mới, yêu cầu sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và thiết kế tiết kiệm năng lượng, báo cáo đề xuất UBND tỉnh; đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương trong quy hoạch khu đô thị thông minh, tạo dựng không gian sống xanh, hiện đại.

- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các sở, ban, ngành và các địa phương rà soát, chủ động tham mưu đề xuất cụ thể hóa các định hướng, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng như phối hợp với Trường Đại học VinUni và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành dự thảo Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2030, đảm bảo hoàn thành phê duyệt Đề án trong tháng 6/2025. Qua đó, góp phần đưa Bình Định trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển xanh và bền vững.

Được biết, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ tổ chức rà soát nhận diện và đánh giá khả năng áp dụng kinh tế tuần hoàn trên lĩnh vực quản lý, tập trung vào 10 lĩnh vực ưu tiên áp dụng kinh tế tuần hoàn theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23/01/2025. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, đối tượng phương thức và lộ trình áp dụng kinh tế tuần hoàn, báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Môi trường để xây dựng kế hoạch hành động thực hiện.

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường.

Xây dựng Kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hiện Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của Kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy,… trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi…, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù còn nhiều hạn chế, như còn gây ô nhiễm môi trường, nhưng các mô hình này cũng đã bước đầu tiếp cận với Kinh tế tuần hoàn.

Đọc thêm