Bình Dương có thêm một bảo vật và hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh, nghề gốm Bình Dương và võ lâm Tân Khánh Bà Trà vừa mới được vinh danh là di sản cấp quốc gia.
Một lò gốm ở Bình Dương
Một lò gốm ở Bình Dương

Mới đây, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Dương tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia và danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ dụng cụ dệt bằng gỗ phát hiện tại di chỉ khảo cổ Phú Chánh, thị xã Tân Uyên được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Nghề gốm Bình Dương và võ lâm Tân Khánh Bà Trà của tỉnh Bình Dương là 2 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mới của địa phương này. Trước đó, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã được công nhận. Buổi lễ công bố diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Dương (phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Tính đến nay, Bình Dương có 3 Bảo vật quốc gia gồm bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh vừa được công nhận, tượng động vật Dốc Chùa (công nhận năm 2013) và mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh (công nhận năm 2018).

Bình Dương cũng có 3 Di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh gồm nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề gốm Bình Dương và Võ lâm Tân Khánh Bà Trà.

Nghề gốm Bình Dương có tuổi đời hơn 200 năm, được truyền qua nhiều thế hệ. Nghề này phát triển tại 3 khu vực: Lái Thiêu, Chánh Nghĩa, Tân Phước Khánh. Nhiều thương hiệu gốm Bình Dương rất nổi tiếng, được ưa chuộng, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Võ lâm Tân Khánh Bà Trà là môn võ thứ 2 được công nhận, sau võ cổ truyền Bình Định năm 2012. Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có nguồn gốc từ võ Bình Định, gắn với sự kiện lịch sử của vùng đất này. Hiện nay, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có hàng ngàn môn sinh, có mặt trên 10 tỉnh, thành phố như: Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bình Thuận, Lâm Đồng, Nghệ An...

Võ lâm Tân Khánh Bà Trà

Võ lâm Tân Khánh Bà Trà

Về bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh, bảo vật này được phát hiện tại di chỉ khảo cổ ở ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên), tỉnh Bình Dương năm 1998 và 2001.

Có 23 hiện vật tìm thấy gồm trục dệt, dao dệt, lược chải sợi và các thanh có nấc chưa xác định công dụng. Các chuyên gia khảo cổ xác định, đây là hiện vật quý hiếm, tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau Công nguyên (cách ngày nay trên 2.000 năm).