Bình Dương kiến nghị Thủ tướng hàng loạt vấn đề xây dựng hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tỉnh Bình Dương vừa thống nhất với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ (ĐNB) như TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), Đồng Nai, Long An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 10 cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP HCM. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cũng đề ra hàng loạt kiến nghị để thúc đẩy hệ thống hạ tầng tỉnh này nhanh chóng về đích.

Kiến nghị 10 cơ chế gỡ khó cho đường Vành đai 4

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TP HCM, là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy mô 8 làn xe và đầu tư trước năm 2030. Dự án đi qua 5 tỉnh, thành phố như: BR-VT, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An.

Đường Vành đai 4 TP HCM là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia (đoạn qua tỉnh Bình Dương).

Đường Vành đai 4 TP HCM là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia (đoạn qua tỉnh Bình Dương).

Báo cáo tiền khả thi về quy mô dự án, tổng chiều dài tuyến Vành đai 4 TP HCM trên 200 km, khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) hơn 128.000 tỷ đồng, trong đó phần giải phóng mặt bằng 51.291,2 tỷ đồng. Công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án này dự kiến trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong quý IV/2024.

Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện hồ sơ, các địa phương gặp một số vướng mắc. Đó là chưa có cơ chế cho các tỉnh, thành được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư. Cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công cũng chưa rõ ràng...

Do đó, các tỉnh ĐNB đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thống nhất cần nghiên cứu, đề xuất 10 cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến này, trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Bình Dương sắp xếp 3 nguồn vốn cho Vành đai 4

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - Nguyễn Văn Lợi, đường Vành đai 4 được thực hiện dựa trên ba nguồn gồm: Vốn huy động xã hội hóa (đối tác công tư PPP), doanh nghiệp sẽ xây lắp; nguồn Nhà nước bồi thường (trong đó vốn Trung ương 50% và địa phương 50%); nguồn của địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn nên việc đấu giá các khu đất sẽ mất thời gian dài nên chưa có đủ nguồn vốn để thực hiện dự án. Do đó, tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn hoặc có chính sách, cơ chế tháo gỡ nhằm tăng tỷ lệ điều tiết nguồn ngân sách địa phương được hưởng để tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (áo xanh) kiểm tra tiến độ thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương sáng 20/8.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (áo xanh) kiểm tra tiến độ thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương sáng 20/8.

Theo ông Lợi, hiện nay, vùng ĐNB có tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương bình quân được hưởng khá thấp so với các vùng khác. Vì vậy, đề xuất nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 4.398 tỷ đồng, tương đương 50% tổng vốn ngân sách tham gia dự án.

Ngoài ra, nhằm đầu tư đồng bộ trên toàn tuyến cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Biên (là điểm kết nối giữa tỉnh Bình Dương và Đồng Nai); trong đó, được phép sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương, trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế trong khi việc đầu tư các dự án liên kết vùng cần nguồn lực lớn.

"Sau khi thực hiện cắt, giãn, hoãn các công trình khác chưa thật sự cần thiết, tỉnh vẫn còn thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng. Tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủng hộ cho tỉnh cơ chế được sử dụng 10.000 tỷ đồng từ quỹ tiền lương của địa phương và đấu giá đất để tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm." - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.

Dự kiến bố trí 33 ngàn tỷ đồng cho loạt hạ tầng

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, Dự án đường Vành đai 4 TP HCM có tổng chiều dài khoảng 206,82km, tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 127.230 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tỉnh Bình Dương sẽ phấn đấu khởi công dự án đi qua địa bàn tỉnh vào khoảng quý III/2024. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng 2 đợt, công tác thực hiện hồ sơ phê duyệt thiết kế ranh giải phóng mặt bằng đạt 67%.

Bình Dương kiến nghị Thủ tướng hàng loạt vấn đề xây dựng hạ tầng ảnh 3Tỉnh Bình Dương dự kiến bố trí hơn 33.000 tỷ đồng cho các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã tập trung triển khai quyết liệt, toàn diện các dự án cao tốc, vành đai thuộc quản lý của Trung ương nhưng giao cho địa phương triển khai đầu tư. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương dự kiến bố trí hơn 33.000 tỷ đồng cho các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Ngoài ra, tỉnh đã nhiều lần thống nhất với các địa phương trong vùng ĐNB xác định các hướng tuyến kết nối các tỉnh, thành phố giáp ranh trong vùng, hướng tuyến kết nối ra sân bay (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cảng biển (Cái Mép - Thị Vải); có phương án đầu tư phát triển ga Sóng Thần (Dĩ An) thành trung tâm vận chuyển hàng hóa trọng điểm của vùng ĐNB, từ đó hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt từ Bình Dương sẽ kết nối với các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc.

10 kiến nghị của các tỉnh ĐNB gửi Thủ tướng Chính phủ

Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 TP HCM; được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương (cầu Thủ Biên giữa Đồng Nai và Bình Dương).

Thứ hai, ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Riêng tỉnh Long An đề xuất hỗ trợ 75%.

Thứ ba, TP HCM và các tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án.

Thứ tư, cho phép UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt.

Thứ năm, cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4 của từng địa phương được chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026-2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của từng địa phương.

Thứ sáu, đối với đoạn Vành đai 4 thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội, đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Thứ bảy, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định về đầu tư công đối với đoạn trên địa bàn tỉnh Long An.

Thứ tám, các địa phương đề xuất trong hai năm kể từ khi nghị quyết về Vành đai 4 được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Thứ chín, các tỉnh cũng thống nhất đề xuất cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và cơ chế quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.

Thứ mười, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Đọc thêm