Những cuộc “tấn công” được sắp đặt
Tập đoàn Kim Oanh là một nhóm doanh nghiệp do gia đình doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh đầu tư vốn để phát triển các dự án đầu tư bất động sản và khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn phân phối và bán lẻ bất động sản do các doanh nghiệp khác đầu tư.
Trong thời gian từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Kim Oanh đã đầu tư vốn mua lại nhiều dự án chết yểu của các chủ đầu tư khác, đa phần là các dự án bị thế chấp để vay vốn ngân hàng nhưng không thể trả được nợ nên phải bán dự án để trả vốn và lãi vay.
Điển hình của các dự án mà chủ đầu tư mất khả năng thanh toán cho ngân hàng là dự án Khu dân cư Hòa Lân (TP Thuận An), dự án Khu dân cư Cầu Đò, (TX Bến Cát), dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4, TP Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương trước đây do Công ty Thiên Phú đầu tư nhưng đã thế chấp ngân hàng. Sau khi không trả được nợ vay, Ngân hàng NN và PTNT đã bán đấu giá cả 3 dự án này để thu hồi nợ.
Khi tham gia mua đấu giá tài sản các dự án nêu trên, Công ty Kim Oanh TP Hồ Chí Minh là đơn vị trả giá cao nhất, như dự án Khu dân cư Hòa Lân trả giá cao hơn giá khởi điểm 400 tỷ đồng, nên đã trúng đấu giá. Do đó, Công ty Kim Oanh trở thành chủ đầu tư mới của các dự án này. Trong số các dự án mà Công ty Kim Oanh trúng đấu giá, dự án Khu dân cư Cầu Đò đã được hoàn thiện hạ tầng.
Ngoài các dự án nêu trên, nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Kim Oanh còn đầu tư mua lại các doanh nghiệp hoặc các dự án đang “đói vốn” khác để đầu tư, phát triển. Có những dự án mà trước khi Tập đoàn Kim Oanh mua lại vốn là các dự án “treo”, bỏ hoang và vô cùng lãng phí đất đai như dự án Khu đô thị dịch vụ Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một do Công ty Nam Kim làm chủ đầu tư.
Việc Tập đoàn Kim Oanh nắm nhiều dự án tại các đô thị của tỉnh Bình Dương đã tạo ra tiềm năng rất lớn để doanh nghiệp này trở thành doanh nghiệp đầu tư bất động sản hàng đầu ở Bình Dương. Điều này là vô cùng may mắn cho địa phương bởi nhà đầu tư này có thể huy động vốn và phát triển dự án một cách nhanh chóng, tạo ra lợi ích cho nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Nhờ sự phát triển các dự án, Tập đoàn Kim Oanh đã nộp thuế cho nhà nước khoảng hàng trăm tỷ đồng vào các năm 2017, 2018.
Tuy nhiên, sự phát triển của Tập đoàn Kim Oanh cũng trở thành cái gai trong mắt các đối thủ cạnh tranh và các cuộc chiến pháp lý, truyền thông nhằm vào các dự án và doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Kim Oanh cũng xuất phát từ đây.
Đầu tiên mà những lùm xùm liên quan đến dự án khu dân cư Hòa Lân mà Công ty Kim Oanh TP Hồ Chí Minh trúng đấu giá với giá mua là 1.353 tỷ đồng. Bên bán là Ngân hàng NN và PTNT, bên thế chấp là Công ty Thiên Phú đã giao tài sản và ký nhiều hồ sơ liên quan đến việc mua bán tài sản, trong đó có các tài liệu thỏa thuận về diện tích thực tế có chênh lệch với diện tích trên sổ đỏ.
Việc mua bán đã thành công và đến đầu năm 2019 thì Công ty Kim Oanh TP HCM đã hoàn tất việc trả toàn bộ tiền gốc và lãi chậm trả cho hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Khu đất 49ha khu dân cư Hòa Lân mà Công ty Kim Oanh trúng đấu giá đang bị "tấn công" pháp lý và truyền thông |
Song, cũng từ thời điểm đầu năm 2019, Công ty Kim Oanh TP HCM trở thành mục tiêu của những cuộc chiến pháp lý và truyền thông. Đầu tiên là việc Công ty Thiên Phú khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá khu dân cư Hòa Lân. Sau đó, liên tục các dự án đầu tư khác bị tấn công theo một kịch bản rất giống nhau.
Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, qua những cuộc trao đổi với ông Bùi Thế Sơn, người nắm giữ cổ phần chi phối của Công ty Thiên Phú thì bà được biết, đứng sau những “cuộc chiến” mang danh Công ty Thiên Phú là một nhóm nhà đầu tư bất động sản, được biết đến với hai cái tên là bà H và ông T.
“Công ty Kim Oanh là người mua đấu giá, bỏ tiền vào thực hiện dự án bị bỏ hoang nhiều năm qua là việc làm cần khuyến khích nhưng rất nhiều bài viết đã công kích công ty và dự án theo những khía cạnh rất vô lý. Các bài viết lan truyền trên các trang web nhằm gây áp lực cho các cơ quan nhà nước và cản trở doanh nghiệp thực hiện dự án này”, bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết.
Doanh nghiệp bị ép trả tiền không sẽ “đăng bài”
Không chỉ dự án khu dân cư Hòa Lân và Công ty Kim Oanh TP Hồ Chí Minh bị “tấn công” về pháp lý và truyền thông mà các dự án khác đều lại mục tiêu với cách tấn công tương tự.
Cụ thể, dự án khu dân cư Tân Phú, TP Thủ Dầu Một mà Công ty Kim Oanh mua lại 100% cổ phần của Công ty Âu Lạc. Rất nhiều bài viết được đăng tải lại kêu gọi khởi tố, điều tra về “sai phạm” của dự án nhằm làm cho dự án này chết yểu và hàng trăm tỷ đồng đầu tư của Công ty Kim Oanh TP HCM bốc hơi.
Dự án khu đô thị dịch vụ Hòa Phú bị Công ty Nam Kim đắp chiếu gần một thập kỷ vì đói vốn. Khi một doanh nghiệp trong Tập đoàn Kim Oanh mua lại cổ phần của Công ty Nam Kim thì lập tức bị “soi mói” với những lý do không thể vô lý hơn, chẳng hạn như việc chuyển nhượng cổ phần thì bị coi là “thâu tóm” với hàm ý tiêu cực; việc doanh nghiệp có hợp đồng tín dụng với Ngân hàng OCB là chuyện kinh doanh rất bình thường cũng bị coi là vấn đề tiêu cực.
Dự án khu dân cư Cầu Đò, TX Bến Cát là dự án mà Tập đoàn Kim Oanh mua đấu giá từ năm 2015 và đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để làm xong hạ tầng. Đến năm 2019, Công ty Thiên Phú mới khiếu nại kết quả đấu giá gửi Thanh tra Bộ Tư pháp. Những ngày gần đây, liên tục có các bài viết gây áp lực cho công tác thanh tra theo cái kiểu Thanh tra Bộ Tư pháp cần nhanh chóng kết luận vụ việc, trả lời công dân.
Cái đích cuối cùng của việc làm này là sử dụng truyền thông để gây áp lực để các cơ quan nhà nước xử lý theo hướng bất lợi đối với dự án và chủ đầu tư.
"TP Mới" Bình Dương nôi có nhiều dự án bất động sản của Công ty Kim Oanh |
Những thông tin không chuẩn xác này nhằm gây áp lực lên chính quyền trong quá trình phê duyệt dự án và làm khách hàng tiềm năng quay lưng và đương nhiên chủ đầu tư phải là người gánh chịu hậu quả.
Với việc bị “tấn công” pháp lý và truyền thông trên mọi dự án, Tập đoàn Kim Oanh đã gánh chịu hậu quả và Nhà nước cũng là người chịu thiệt hại không nhỏ. Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, năm 2107 và 2018 các doanh nghiệp của bà đã nộp thuế cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng nhưng đến năm 2019, khi các dự án của công ty bị tấn công thì con số nộp thuế lập tực bị giảm, thấp hơn 10 lần so với năm trước. Đây hậu quả của việc các dự án bị đình trệ bởi các cuộc tấn công pháp lý, truyền thông đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện dự án.
Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, hàng ngày bà nhận được nhiều cuộc gọi yêu cầu phải hợp tác nếu không sẽ “đăng bài”. Gần đây nhất, những người gọi đến đã hé lộ họ có “tài liệu” bất lợi cho doanh nghiệp và nếu không đồng ý một cái giá là 180 nghìn đô la Mỹ thì sẽ “đăng bài vào thứ Hai” và chuyển hồ sơ cho đồng nghiệp khác.
“Trước những việc làm này, Tập đoàn Kim Oanh đã phải kêu cứu chính quyền địa phương các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và gửi đơn đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông để xin giúp đỡ khẩn cấp”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Khi doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư để phát triển kinh tế xã hội là làm lợi cho nhà nước, cho doanh nghiệp và nhân dân, sự hợp tác và giúp đỡ doanh nghiệp từ phía nhà nước và cộng đồng là cần thiết. Những việc làm nhằm bóp chết doanh nghiệp liệu có xuất phát từ những động cơ trong sáng và động cơ bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật hay là những việc làm vì lợi ích cá nhân đáng bị lên án?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ thông tin rõ hơn trong các kỳ tiếp theo.