Chấp hành viên phải “gánh” 416 việc
Báo cáo trước đoàn công tác của Bộ Tư pháp, ông Đỗ Văn Hùng – Phó Cục trưởng trình bày tóm tắt về kết quả của ngành THADS Bình Dương 5 tháng năm 2024.
Ông Đỗ Văn Hùng, Phó Cục trưởng Cục THADS Bình Dương báo cáo kết quả 5 tháng đầu năm |
Tính từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, toàn ngành đã thi hành xong 5.220 việc trong số 13.653 việc có điều kiện, nhiều hơn 480 việc (tăng 10,12%) so với cùng kỳ, đạt tỷ lệ 38,23%, còn thiếu 45,02% so với chỉ tiêu Tổng cục giao.
Đối với tổng số tiền phải thi hành là 9.807 tỷ đồng, ngành THADS Bình Dương đã thi hành xong 2.364 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 1.765 tỷ đồng (tăng 294%), đạt tỷ lệ 33,84%, còn thiếu 12,71% để hoàn thành chỉ tiêu 46,55% của Tổng cục giao năm 2024.
Trong số 20 án tham nhũng, kinh tế đã thụ lý, ngành THADS Bình Dương đã thi hành xong 2 việc, bàn giao nhiều tài sản cho các cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật. Đặc biệt phải kể đến 02 vụ việc Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương theo dõi là vụ Trần Thị Hiếu và vụ Huỳnh Công Thiện đang gặp phải khó khăn.
Đại diện Chi cục THADS thành phố Thuận An chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác |
Cục trưởng Cục THADS Bình Dương Nguyễn Thị Tuyết Thanh thông tin, năm 2023 bình quân mỗi Chấp hành viên của THADS tỉnh phải tổ chức thi hành trung bình 416 việc và 130 tỉ đồng về tiền. So với đề án của Tổng cục THADS đề ra đối với các Chi cục THADS địa phương, hằng năm, mỗi Chấp hành viên tổ chức thi hành 80 việc đã vượt gấp nhiều lần.
Hiện, tổng số biên chế của toàn ngành THADS Bình Dương được giao là 156, đã thực hiện 139, thiếu 17 biên chế. Cục trưởng Cục THADS Bình Dương lo ngại số việc mỗi năm một tăng, trong khi số lượng nhân sự liên tục thiếu sẽ khiến công tác THADS của địa phương gặp nhiều khó khăn.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những thuận lợi vì có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và kịp thời của Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS cũng như địa phương, Cục trưởng Cục THADS Bình Dương lo ngại chỉ tiêu về tiền không đồng đều giữa các chi cục, tỷ lệ thi hành xong về việc mặc dù vượt chỉ tiêu giao nhưng chưa đảm bảo tính ổn định, bền vững và có nguy cơ “hụt hơi” vào cuối năm. Điều này dẫn đến kết quả thi hành án toàn tỉnh không đạt chỉ tiêu giao.
Cục trưởng THADS tỉnh Bình Dương bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh |
Lý giải về một trong nhiều nguyên nhân khó khăn, vướng mắc, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh chỉ ra, lượng án thụ lý nhiều, quá tải trong công việc nên Chấp hành viên, cán bộ thi hành án còn chậm trong công tác xác minh. Một số Chấp hành viên chưa thật sự quyết liệt trong công tác giải quyết án, chưa chặt chẽ trong việc tiến hành các thủ tục thi hành án. Bên cạnh đó, năng lực của một số Chấp hành viên còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu công tác cũng như sự phát triển của xã hội.
Một khó khăn khác của ngành THADS Bình Dương đang phải đối mặt là hiện nay, phát sinh nhiều vụ việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng cho vay tín chấp, người phải thi hành án chủ yếu là lao động có thu nhập thấp, tài sản lớn hơn nghĩa vụ nên việc tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, không còn hoạt động tại trụ sở, số án này không thể miễn, giảm theo quy định của Luật THADS dẫn đến tồn đọng việc thi hành án cho ngân sách Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ II, Tổng cục THADS ghi nhận những ý kiến của ngành THADS Bình Dương |
Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc trong ngành THADS, như: các việc có giá trị phải thi hành lớn hầu hết là án của các tổ chức tín dụng, ngân hàng; việc xác định ranh mốc giới, khi thực hiện việc khảo sát, diện tích đất có biến động tăng hoặc giảm so với thời điểm cấp giấy chứng nhận QSDĐ; các cơ quan THADS phải đề nghị cơ quan chuyên môn giải thích nguyên nhân chênh lệch dẫn đến chậm tiến độ giải quyết án...
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, vấn đề nhân sự là quan trọng nhất nhưng với tình hình án nhiều, người ít, số cán bộ xin nghỉ việc liên tục diễn ra đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác THADS. “Dù chúng tôi đã vận động những người vừa tốt nghiệp các trường đại học liên quan đến luật để về làm việc, hỗ trợ cho ngành nhưng chung quy vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về nhân sự” - Cục trưởng Cục THADS chia sẻ.
Phát huy vai trò người đứng đầu
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị Tổng cục THADS ghi nhận những kết quả, khó khăn và các kiến nghị của THADS tỉnh Bình Dương và phản hồi bằng văn bản cụ thể trước ngày 30/3.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi |
Đánh giá cao trước những kết quả ngành THADS Bình Dương đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng Bình Dương đã và đang là địa bàn ổn định so với mặt bằng chung, xếp vào nhóm các tỉnh được quan tâm chỉ đứng sau các thành phố trực thuộc Trung ương, thậm chí một số chi cục xét về việc và về tiền tương đương với một tỉnh nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá địa phương vẫn còn “vơi” về nhân sự, trong khi số lượng việc ngày càng nhiều, nhân sự mỏng khiến công tác THADS không chỉ riêng Bình Dương mà một số tỉnh khác cũng gặp phải khó khăn. Vì vậy Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết, sẽ xem xét đưa vào kiến nghị của Bộ Tư pháp để đề xuất trong Đề án biên chế nhằm đảm bảo số lượng cán bộ biên chế cho ngành THADS. “Sang năm 2025, sẽ rà soát chi phí biên chế, trên cơ sở so sánh giữa các cơ quan của ngành tư pháp như Toà án, Viện kiểm sát để có đề xuất hợp lý” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho hay.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị tập thể lãnh đạo ngành THADS địa phương phát huy vai trò của người đứng đầu, chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các anh em mình phụ trách, đi sâu, đi sát, đảm bảo môi trường làm việc năng động, sáng tạo, cởi mở trên tinh thần dân chủ, đoàn kết.
Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhắc nhở tập thể ngành THADS Bình Dương cần rà soát các án tồn, án kéo dài nhất là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo.