Đáng mừng là năm 2017, toàn tỉnh chỉ tồn 2 trường hợp chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá. Để tiếp tục bảo đảm hiệu quả hoạt động này, Bình Dương đề xuất người có thẩm quyền kháng nghị sớm thực hiện kháng nghị, tránh tình trạng khi đã bán đấu giá thành tài sản mới có kháng nghị.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế tỉnh Bình Dương luôn tăng trưởng, nhưng mặt trái là các tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự cũng gia tăng. Cùng với đó là các tranh chấp dân sự phát sinh ngày càng nhiều, dẫn đến công tác THADS tăng về số lượng và tính chất ngày càng phức tạp, trong khi số lượng cán bộ chưa thực hiện đủ biên chế được giao, chưa tương xứng với nhu cầu và tính chất công việc. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự phối kết hợp của các ngành hữu quan và sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể các cơ quan THADS trong tỉnh, công tác THADS năm 2017 của Bình Dương đã đạt được kết quả khá tích cực.
Cụ thể, về việc, tổng số thụ lý là 30.100 việc, tăng 845 việc (2,88%) so với cùng kỳ; đã giải quyết xong 19.932 việc, đạt tỷ lệ 76,11% (so với chỉ tiêu vượt 5,11%), so với cùng kỳ năm 2016, tăng 106 việc (0,53%) và tăng 0,18% về tỷ lệ. Về tiền, tổng số tiền thụ lý hơn 5.381 tỷ đồng, tăng trên 146 tỷ đồng (2,8%) so với cùng kỳ; đã giải quyết xong hơn 1.352 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 31,35% (so với chỉ tiêu vượt 1,35%), so với cùng kỳ tăng trên 23 tỷ đồng (1,74%) và tăng 0,4 về tỷ lệ. Đặc biệt, mặc dù việc bán đấu giá tài sản thi hành án (nhà, đất) gặp một số khó khăn song trong năm 2017, toàn tỉnh đã bán đấu giá thành nhiều vụ và phần lớn đã giao xong tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định. Hiện nay còn 15 trường hợp thì trong đó 13 trường hợp các bên thỏa thuận tự nguyện giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, còn 2 trường hợp có khó khăn, vướng mắc chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Kết quả khả quan như vậy nhưng Cục THADS tỉnh Bình Dương cũng thẳng thắn dự liệu một số khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình bàn giao tài sản đấu giá thành. Chẳng hạn như trường hợp đấu giá thành tài sản thì người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy; trường hợp bán đấu giá thành, Tòa án thụ lý tranh chấp tài sản. Không những thế, có thể có cả trường hợp tài sản đấu giá thành là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án; trường hợp tổ chức đấu giá tài sản không chuyển tiền đặt trước của người mua trúng đấu giá cho cơ quan THADS.
Nhằm giảm thiểu những tồn tại hay vướng mắc có thể xảy ra trên đây, Cục THADS chủ động đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ. Đối với những vụ việc người phải thi hành án và thân nhân của họ chống đối quyết liệt thì cần kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo THADS tỉnh để việc cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá được an toàn. Những vụ việc đã đấu giá thành mà chưa giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, sẽ lập danh sách và phân công lãnh đạo Cục theo dõi, chỉ đạo sát sao.
Các cơ quan THADS tỉnh cũng cam kết bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục thi hành án theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là đối với những vụ việc đã đấu giá thành song chưa giao được tài sản, không kéo dài việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản có uy tín, năng lực để ủy quyền bán đấu giá, đồng thời có biện pháp bảo đảm tổ chức đấu giá tài sản chuyển tiền đặt trước của người mua trúng đấu giá. Đối với những vụ việc phức tạp, có quan điểm khác nhau, cơ quan THADS sẽ kịp thời tổng hợp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ.
Cục cũng đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm sớm có văn bản trả lời cho đương sự hoặc kháng nghị khi nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm, tránh tình trạng khi đã bán đấu giá thành tài sản mới có kháng nghị. Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng không nhận đơn khởi kiện tranh chấp tài sản đã quá thời hạn quy định tại Điều 74, 75 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).