Vừa qua, tại Bình Dương, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Dương đã ký kết hợp tác với Sở TT&TT Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong thời gian tới.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Dương việc ký kết giữa Sở TT&TT Bình Dương và Tây Ninh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, xây dựng được hệ thống dữ liệu vùng phục vụ mục tiêu định hướng liên kết vùng Đông Nam bộ.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương ký kết hợp tác với Sở TT&TT Tây Ninh |
Trên cơ sở phát huy tiềm năng, đặc thù của từng địa phương Sở TT&TT tỉnh Bình Dương và Sở TT&TT tỉnh Tây Ninh sẽ phối hợp trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận hành, chế độ thu hút, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác vận hành Trung tâm dữ liệu và Trung tâm dữ liệu dự phòng, hoạt động của 1022 và cấp cứu ngoại viện 115, nền tảng MOOCs đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Trung tâm giám sát, điều hành thông minh, xây dựng các chỉ số điều hành và thống kê; công tác thu thập và duy trì kết nối dữ liệu, tổ chức nhân sự xử lý và đảm bảo chất lượng dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính.
Ông Mai Anh Tuấn - Đại diện Văn phòng Bộ TT&TT tại TP. Hồ Chí Minh tặng hoa cho các đơn vị |
Ông Nguyễn Hữu Yên - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Dương cho biết thêm, Bình Dương đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số thông qua nhiều hoạt động. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh năm 2022 xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2021. Đối với chính quyền số, đến nay 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật Nhà nước) thông qua phần mềm quản lý văn bản của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76%. Eform đã triển khai 100% dịch vụ công phát sinh hồ sơ.
Tỉnh đã phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ cấp chứng thư số cho tổ chức, chữ ký số cho cá nhân các cơ quan hành chính Nhà nước, dịch vụ công. Đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, với lộ trình thực hiện để kết nối, quảng bá, giới thiệu thêm sản phẩm, các kênh phân phối mới.
Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở TT&TT Bình Dương cho biết, các doanh nghiệp ICT tại Bình Dương chủ yếu sản xuất thành phẩm, hoạt động sản xuất điện tử bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn còn hạn chế. Bình Dương mong muốn hợp tác với các đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp phần mềm để tìm ra giải pháp đo lường được kinh tế số, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ tỉnh xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tạo nền tảng để thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT của tỉnh.
Ông Trần Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, Công ty sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ cao tạo môi trường cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển phần mềm phục vụ trong nước và quốc tế. Đồng thời phối hợp với tỉnh phát triển hạ tầng số phục vụ Chính quyền điện tử, Chính quyền số, xây dựng khu CNTT tập trung. Với 22 năm hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, Công ty mong muốn đóng góp một phần kinh nghiệm, năng lực của mình trong công tác chuyển đổi số tại địa phương.