Phát biểu tại kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, cho biết đây là kỳ họp có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm kiện toàn tổ chức, hoàn thiện thể chế để triển khai ngay, kịp thời các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Theo ông Dũng, tỉnh Gia Lai sau sáp nhập, sở hữu quy mô diện tích và dân số lớn, đồng thời hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.
Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm ở trung tâm liên kết vùng giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Gia Lai mới sẽ đóng vai trò là đầu mối giao thương, là cửa ngõ kết nối cảng biển quốc tế Quy Nhơn với cao nguyên Pleiku và khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Hạ tầng kinh tế – xã hội đã từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đã có hệ thống sân bay, cảng biển, đường bộ, cửa khẩu quốc tế; sắp tới sẽ có sân bay quốc tế, cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng nước sâu… tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, logistics, công nghiệp chế biến và du lịch.
Bên cạnh những thuận lợi trên, tỉnh Gia Lai mới đang đối mặt với nhiều thách thức: xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh mới cơ bản còn thấp, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn hiện có quy mô nhỏ, chưa có doanh nghiệp lớn làm đầu tàu, chưa có dự án động lực dẫn dắt tạo bước đột phá.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là mạng lưới giao thông, hạ tầng logistic mang tính liên kết vùng (giữa Gia Lai và Bình Định trước đây) còn yếu; một số tuyến đường bộ biên giới chưa đáp ứng yêu cầu vận tải đa phương thức; hệ thống thủy lợi, tưới tiêu nhiều vùng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, thu ngân sách còn thấp, ảnh hưởng đến chi đầu tư phát triển. Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh thường xuyên đe dọa…
“Tôi đề nghị HĐND tỉnh cần khẩn trương ban hành Quy chế làm việc của HĐND tỉnh Gia Lai mới để làm cơ sở vận hành, bảo đảm hoạt động đồng bộ, thống nhất, hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách… để bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, điều kiện thực tế của tỉnh sau sáp nhập; bảo đảm tính liên tục, không bị gián đoạn trong công tác quản lý, điều hành và thực thi pháp luật.
HĐND tỉnh cần đôn đốc các cơ quan có liên quan xây dựng, trình HĐND tỉnh xem xét ban hành kịp thời các nghị quyết chuyên đề quan trọng về quy hoạch, tài chính - ngân sách, đầu tư công, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chuyển đổi số, cải cách hành chính…”, ông Dũng nói.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể: thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược theo tinh thần chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Gia Lai và Bình Định ngày 2/6.
Đột phá về thể chế phát triển: Chuyển mạnh tư duy từ quản lý sang phục vụ, từ cơ quan hành chính sang cơ quan kiến tạo và phục vụ. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách và hành động.
Đột phá về hạ tầng liên kết: Huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư đồng bộ vào hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng số, môi trường, cảng biển, giáo dục và năng lượng. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nhằm bảo đảm phát triển hài hòa, bao trùm và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đột phá về nguồn lực con người: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và nguồn nhân lực chất lượng cao có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sẵn sàng thích ứng với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương và đất nước.
“Chúng tôi xác định phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trung tâm, cần tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ để đạt các mục tiêu tăng trưởng theo Kết luận số 123 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 25 của Chính phủ. Trọng tâm là triển khai hiệu quả “bộ tứ trụ cột” gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW: Về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW: Về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW: Về xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW: Về phát triển kinh tế tư nhân.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm để khơi thông, huy động tối đa nguồn lực cho phát triển…”, ông Tuấn cho hay.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, nói: “Với cương vị và trọng trách được giao, tôi sẽ kế thừa các công việc, những thành quả đã đạt được trong các nhiệm kỳ qua; đem hết khả năng, trí tuệ và tâm huyết của mình để phục vụ nhân dân, xứng đáng là người đại biểu dân cử và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tiếp tục đổi mới phương pháp và lề lối làm việc để cùng các đồng chí trong Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật...
Đồng thời, tập trung chỉ đạo tăng cường hoạt động, giám sát để mỗi chính sách, nghị quyết của HĐND tỉnh sát với thực tiễn, hợp với lòng dân và nhanh chóng đi vào cuộc sống, để HĐND ngày càng xứng đáng với vị trí là cơ quan đại diện cho tâm tư, ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”, ông Chung chia sẻ.