Cách thức sử dụng một xe tải cỡ lớn lao vào đám đông ở trung tâm Barcelona tương tự những hành động khủng bố xảy ra ở Pháp, Đức, Mỹ, Anh và Thụy Điển trong gần 2 năm qua.
Biến phương tiện thành vũ khí
Trong mỗi vụ, một cá nhân bị cực đoan hóa hoặc có vấn đề tâm lý cướp hoặc thuê một phương tiện, chờ thời cơ xuất hiện một “mục tiêu mềm” để biến phương tiện đó thành một thứ vũ khí giết người bằng việc chủ ý lao vào đám đông bên đường. Các vụ tấn công lao xe có lợi thế là dễ thực hiện, và thực tế, việc lao xe vào người đi bộ bên đường không đòi hỏi bất kỳ kiến thức, kỹ năng hoặc thông tin ngầm nào.
Hiện nay, chủ nghĩa khủng bố không còn được xác định bởi việc một nhánh khủng bố nào đó tiến hành cuộc họp thành viên ở một địa điểm an toàn, lên âm mưu cho một cuộc tấn công “ngoạn mục” trước hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Thay vào đó, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chuyển sang hình thức mà theo đó chủ nghĩa khủng bố dễ dàng đến mức ai cũng có thể thực hiện được một vụ khủng bố.
Như yêu cầu tuyển mộ của cựu thủ lĩnh IS Abu Muhammad al-Adnani tại Tây Âu hồi năm 2014 và tiếp theo vào năm 2016, một người không cần đến Syria và học các kỹ năng chiến đấu để trở thành một thành viên “có giá” của IS. Tất cả những gì cần chỉ là cầm một con dao, đâm vào một sĩ quan cảnh sát hoặc cướp một chiếc xe ô tô và lao vào người đi bộ trên vỉa hè. Không cần sự hiểu biết về Hồi giáo, chỉ cần sự sẵn sàng giết hại người vô tội nhân danh IS.
Trước khi xảy ra sự kiện ở Barcelona, đã có các vụ tấn công tương tự ở thành phố Nice của Pháp và ở Đức 6 tháng sau đó rồi tiếp đến là ở Thụy Điển. Thế nhưng, hành động khủng bố liên quan các phương tiện chỉ là một phần của câu chuyện.
Điều quan trọng là ngay cả bạo lực mang tính thô sơ hoặc được thực hiện đơn giản cũng có thể gây ra sự tàn phá lớn đối với các chính phủ và xã hội mà khủng bố muốn hủy hoại. Ví dụ, vụ tấn công bằng xe tải ở Nice đã khiến Pháp phải kéo dài tình trạng khẩn cấp vốn được tuyên bố từ gần một năm trước đó sau vụ xả súng, đánh bom hồi tháng 11/2015 ở Paris.
Vẫn phải đau đầu đối phó
Sau mỗi vụ tấn công, giới chuyên gia chống khủng bố thường đặt câu hỏi liệu thực thi pháp luật như thế nào thì có thể giúp ngăn chặn những vụ tương tự xảy ra trong tương lai. Một số nhà làm luật Mỹ đề xuất các dự luật cho phép cảnh sát có thêm quyền hạn để phá mã các thiết bị mã hóa mà khủng bố thường sử dụng. Số khác thì tập trung vào cách ngăn chặn dựa vào cộng đồng nhiều hơn, như cấp thêm tài trợ liên bang cho các cơ quan quyền lực địa phương để tăng cường hợp tác và đối thoại giữa cảnh sát, lãnh đạo địa phương và các tổ chức tôn giáo.
Cho dù các chính phủ phương Tây có quyết định thực thi chính sách nào thì sự thật là các nhóm khủng bố như IS vẫn tiếp tục áp dụng các chiến thuật và quy trình của chúng khiến giới chuyên gia chống khủng bố và tình báo vẫn sẽ phải đau đầu để đối phó. Các vụ việc như cướp máy bay và đâm thẳng vào tòa nhà khiến một cường quốc nào đó và cả thế giới sững sờ đang nhanh chóng đi vào dĩ vãng.
Những nơi trú ngụ an toàn không còn là một điều kiện tiên quyết để một nhóm khủng bố nào đó làm cơ sở để tấn công. Nếu một tổ chức có kết nối mạng không dây (Wi-Fi) ổn định, có thể truy cập các tài khoảng mạng xã hội và phần mềm mã hóa và một thông điệp tuyên truyền đủ mạnh, thì họ có thể đủ điều kiện để kích động hoặc chỉ đạo các cá nhân sống ở Mỹ và châu Âu tiến hành một vụ tấn công, đẩy toàn bộ một thành phố và đất nước vào tình trạng khẩn cấp.
Những cách thức mới – đơn giản đến bất ngờ- mà các lực lượng khủng bố sử dụng vẫn tiếp tục là nỗi thách thức cho tất cả chúng ta…