Bình tĩnh, chủ động, thích nghi với tình hình mới!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với số ca bệnh không ngừng tăng lên, COVID-19 vẫn luôn là nỗi ám ảnh với mỗi người dân, đặc biệt là vấn đề biến chứng hậu COVID-19. Những phân tích, khuyến cáo sau đây của Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Dương Đức Hùng - Quyền Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Phó Giám đốc phụ trách hệ ngoại Bệnh viện Bạch Mai sẽ góp phần làm rõ, giải tỏa những băn khoăn trên.
TS.BS Dương Đức Hùng.

TS.BS Dương Đức Hùng.

Trong trạng thái bình thường mới, số ca mắc COVID-19 tăng lên một cách chóng mặt tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội. Lo ngại nhất là nhóm đối tượng béo phì, mắc bệnh nền đang điều trị tại nhà do hoang mang và thiếu thông tin, ai mách gì họ cũng sử dụng và tự ý mua thuốc về điều trị, dẫn đến những hệ lụy đầy đau xót. Trong tình huống như thế, họ cần phải làm gì, thưa TS?

- Theo tôi, khi bị mắc COVID-19, việc đầu tiên phải hết sức bình tĩnh, thông báo với đơn vị quản lý mà ở đây là y tế phường để cung cấp thông tin cần thiết theo hướng dẫn. Tiếp theo đó, phải xác định xem, những người bị nhiễm COVID-19 này có nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: Nhóm bệnh suy giảm miễn dịch, nhóm đang dùng các loại thuốc suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, bệnh về chuyển hóa như đái tháo đường và đặc biệt là phổi mãn tính...., nếu có nên thông báo đầy đủ các thông tin, triệu chứng cho cán bộ y tế.

Vấn đề quan trọng là phải thực hiện nghiêm các hướng dẫn về điều trị của cơ quan y tế, tự kiểm soát, tự cách ly một cách nghiêm túc. Hiện tại trên thị trường đang lưu hành rất nhiều loại thuốc được cho là có tác dụng điều trị, diệt COVID-19 không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vì thế mọi người không được tự động dùng thuốc này khi không có chỉ định của thầy thuốc...

Một trong những vấn đề khiến nhiều người lo lắng là những biến chứng sau khi mắc COVID-19. Thực tế này có đáng lo ngại không? Để giải tỏa mối lo của người dân, TS đưa ra khuyến cáo gì?

- Chúng ta phải khẳng định rằng, bất cứ một căn bệnh nào sau khi khỏi cũng có thể để lại ảnh hưởng nhất định, với COVID-19 cũng vậy. Vi rút COVID-19 với rất nhiều biến thể, cho tới nay, người ta vẫn chưa hiểu hoàn toàn về nó, và người ta đã nói đến những biểu hiện bệnh lý hậu COVID-19. Khi có biểu hiện bất thường người bệnh nên đi khám những bệnh lý đó, ví dụ như hô hấp khám tại hô hấp, tâm thần kinh, tim mạch thì khám tại chuyên khoa tương ứng… Hãy coi COVID-19 như là một bệnh thông thường, thái độ với nó như các loại bệnh khác và đừng gán cho COVID-19 những thứ không phải của nó!

Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đi hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.

Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đi hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.

Chúng ta đều biết, vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay để phòng chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn có không ít phụ huynh còn nhiều lo lắng, băn khoăn việc tiêm phòng cho nhóm đối tượng 5 - 11 tuổi vì cho rằng loại vắc xin này chưa được kiểm chứng một cách rõ ràng. Quan điểm của TS về vấn đề này như thế nào?

- Việc nghiên cứu thành công ra vắc xin chống COVID-19 trong một thời gian ngắn đã đưa vào sử dụng trên diện rộng được coi là thành tựu của y học. Vắc xin được nghiên cứu, cấp phép lưu hành dựa trên những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng chặt chẽ, độc lập và hết sức khách quan. Chính vì vậy, các hướng dẫn của Bộ Y tế về vấn đề tiêm chủng đều dựa vào các nghiên cứu tổng kết, khoa học, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Những lo lắng, thậm chí cả những tin đồn khiến cho nhiều phụ huynh còn hoang mang là không có cơ sở. Theo tôi cần phải tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về vấn đề tiêm chủng, đặc biệt là khi chúng ta đưa xã hội trở lại hoạt động bình thường, vì tiêm chủng vẫn là chìa khóa để giải quyết vấn đề dịch bệnh.

Tôi cho rằng, việc tiêm vắc xin phải căn cứ vào cái lợi mà chúng ta thu được, ứng với tình hình dịch bệnh ở ngoài và phải dựa vào các nghiên cứu, khuyến cáo của các hãng sản xuất nước ngoài chứ không thể duy ý chí. Nên cân nhắc tình hình diễn biến dịch bệnh ngoài xã hội, cân nhắc các khuyến cáo, thậm chí tra cứu thêm thông tin trên các trang web chính thống, trước khi đưa ra nhận định, quyết định tiêm phòng cho con em mình.

Trân trọng cám ơn Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Dương Đức Hùng!

Theo TS.BS Dương Đức Hùng, là một cơ sở y tế đầu ngành, Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng thích ứng với tình hình mới. Cụ thể, từ nhận thức khi dịch bệnh xảy ra, bệnh viện là nơi có nguy cơ mắc lây nhiễm cao hơn; đối với nhân viên y tế, họ cũng có nguy cơ lây nhiễm như người khác, lại lao động làm việc trong môi trường có nguy cao nên nhân viên y tế là đối tượng dễ bị tổn thương, Bệnh viện Bạch Mai đã đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin cho nhân viên y tế ngay từ giai đoạn đầu, bởi nhân viên y tế phải khỏe mạnh thì mới chăm sóc được cho bệnh nhân. Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã huy động hàng nghìn nhân viên y tế đến các điểm nóng để hỗ trợ phòng chống dịch. Cũng có rất nhiều nhân viên Bạch Mai bị nhiễm COVID-19, tuy nhiên không có trường hợp nào biến chuyển nặng.

Đọc thêm