Bình tĩnh, không lơ là trong bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chúng ta đang thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Việt Nam đang đi con đường đúng đắn là chuyển hướng từ “zero -19” sang thích ứng an toàn…
Nhịp sống đang trở lại trong bình thường mới… (Ảnh minh họa)
Nhịp sống đang trở lại trong bình thường mới… (Ảnh minh họa)

Cần coi COVID -19 như bệnh lý khác?

Đến thời điểm này, cần coi COVID -19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự như khi bạn bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác. Nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả. Xác định được tâm thế ấy, chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh sống với và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát.

PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ: “Sau khi chủng Omicron chiếm ưu thế trên thế giới và xâm nhập vào Việt Nam, tôi thấy rằng chúng ta đã đi qua đỉnh dịch và sang sườn dốc bên kia của dịch bệnh. Nghĩa là chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Còn để khẳng định tuyệt đối rằng Việt Nam đã có thể tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID -19 hay chưa thì cần có thời gian”.

Ở các nước, chủng Omicron rất ít gây chuyển nặng và tử vong ở người trẻ, người đã tiêm vaccine. Số ca nặng chủ yếu là người già, người chưa tiêm. Thống kê trên thế giới cho thấy tỷ lệ người phải điều trị hồi sức cấp cứu (ICU) xấp xỉ 1%, thấp hơn so với Delta.

Bởi thế, theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, chúng ta cùng chờ đợi sự đáp ứng của xã hội với Omicron để tuyên bố kết thúc đại dịch COVID -19. Khi đó, Việt Nam có thể đưa ra khỏi danh sách dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh).

Tuy nhiên, Việt Nam không nên đợi đến lúc thế giới tuyên bố kết thúc đại dịch, mà cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để thích ứng với giai đoạn hậu. Trước hết, cần có các chính sách vĩ mô như sửa các điều luật, quy định, quy chế để ứng xử với như các bệnh lý thông thường.

“Trước hết, chúng ta phải xác định không được chủ quan. Tôi vẫn khuyến khích mỗi người dân tự áp dụng tối đa biện pháp bảo vệ bản thân. Bởi nếu người dân chủ quan, dịch bệnh bùng phát mạnh như Mỹ và các nước châu Âu, mỗi ngày có hàng trăm nghìn người nhiễm thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đất nước, như quá tải hệ thống y tế, bệnh viện; ảnh hưởng kinh tế; ảnh hưởng tâm lý xã hội... Do đó, mỗi người cần cố gắng làm những việc đơn giản như đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên, hạn chế dự các sự kiện đông người nếu không thật sự cần thiết... Với tốc độ lây lan nhanh của Omicron, chúng ta khó hạn chế được hoàn toàn, nhưng cố gắng không để nó lây nhiễm diện rộng.

Đồng thời, các nhà làm chính sách và các cơ quan chuyên môn cần quan tâm đến tâm lý hậu có thể ảnh hưởng nặng nề đến những người từng bị nhiễm bệnh. Tôi đề xuất lập các đơn vị chuyên trách để chăm sóc, điều trị cho người từng bị nhiễm, cả về thể chất, tâm lý. Cùng với chuẩn bị về các chính sách vĩ mô, Việt Nam cần chuẩn bị về nguồn nhân lực, trang thiết bị để điều trị lâu dài bệnh. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương cần chủ động vật tư tiêu hao như thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu, vaccine... Sự chuẩn bị chu đáo cho giai đoạn hậu sẽ giúp người dân thực sự được sống bình thản với bệnh này, ngay từ bây giờ”.

Về việc mở cửa hiện nay, theo PGS TS. Lân Hiếu, dù Việt Nam đã phủ vaccine mũi một cho tất cả dân số trưởng thành và phủ mũi hai cho gần 97% dân số trưởng thành, nhưng vẫn còn nhóm người cao tuổi chưa được tiêm. Tỷ lệ tử vong do COVID -19 đang rơi vào nhóm này là chủ yếu. Nhóm thứ hai là trẻ dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine. Mấy ngày gần đây, số lượng trẻ nhiễm COVID-19 tăng lên. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị nguồn lực để giải quyết hai vấn đề này càng sớm càng tốt. Với người già, các địa phương cần rà soát, tiêm cho những người chưa tiêm.

Tại bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 ở Hoàng Mai (Hà Nội), 80% ca tử vong rơi vào nhóm chưa tiêm vaccine; 20% còn lại là người bệnh nền nặng. Khi đã coi COVID -19 là bệnh lý thông thường thì các quy định trước đây cũng cần nới lỏng. Cần coi việc bị nhiễm COVID-19 là thông thường, không hoảng sợ quá. Cộng đồng cũng cần thay đổi cách ứng xử với họ, không nên xa lánh, kỳ thị người nhiễm.

Nhiều chuyến bay đã nối lại

Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cho rằng, COVID -19 cũng như ung thư hay tất cả căn bệnh khác, vừa là cơ hội để chúng ta thấy được giá trị của sức khoẻ, vừa để chúng ta suy nghĩ lại bản thân. Trong cuộc sống có ba thứ được nhiều người coi trọng gồm sức khoẻ, sự thành đạt và tiền của. Tôi coi sức khoẻ là số 1. Sự thành đạt là số 0. Tiền bạc cũng là số 0. Chỉ khi tôi viết số 1 ổn định đứng trước thì đằng sau cứ mỗi lần điền một chữ số 0, giá trị sẽ tăng lên gấp mười lần. Ngược lại, nếu đưa số 0 lên trước số 1 thì dù có điền bao nhiêu số 0 đi nữa, những số 0 ấy cũng đều vô nghĩa”.

Theo bác sĩ Phúc, sức khoẻ là điều quý giá nhất trên đời, là cội nguồn của mọi hạnh phúc. Nhiều người mải mê lao về phía trước để giành lấy sự giàu có; chiến đấu hết mình, bất chấp tất cả, sẵn sàng làm tổn thương người khác và tổn thương chính mình. Chúng ta cũng phải trả giá để có được thành công. Nhưng cuối cùng, tất cả đều không thể vượt qua được trở ngại lớn về sức khoẻ. Tiền bạc không mua được sức khoẻ. Thành công cũng không mang đến sức khoẻ. Ngược lại, nếu có sức khoẻ, chúng ta mới có thể thành công và làm ra của cải.

“Tuổi ấu thơ, sau những trận ốm thập tử nhất sinh, tôi đã nhận ra sự quan trọng của sức khoẻ, đó là món quà của số phận. Lớn lên, đặc biệt là sau hai năm chứng kiến những cái chết bất ngờ và bất lực vì đại dịch, chứng kiến những bệnh viện quá tải; những bệnh nhân kiệt sức mà không đủ y, bác sĩ chăm sóc... Tôi càng hiểu cái giá của sức khỏe mà không tiền bạc, thành công nào mua nổi. Tôi đã trải qua nhiều thất bại, đủ để nhận thấy thất bại chỉ là tạm thời. Sự thành đạt cũng vậy, mọi thứ đều sẽ thay đổi theo thời gian. Điều duy nhất mong manh và có thể khiến chúng ta mất đi mọi thứ trong chốc lát là sức khỏe của bản thân. Hơn lúc nào hết, năm nay, 2022 này, tôi mong chúng ta chúc nhau sức khỏe đầu tiên, trong mọi lời chúc năm mới, để nhắc nhau chăm sóc mình tốt hơn, tạo ra một thứ đề kháng tự nhiên chống lại dịch bệnh. Cộng đồng sẽ khỏe mạnh, miễn dịch nếu mỗi cá nhân trong cộng đồng đó yêu thương và chăm chút tốt cho bản thân mình”, bác sĩ Phúc cho biết.

Trên trang cá nhân, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng chia sẻ: “Con đường để tới điểm gỡ bỏ khẩu trang, hàng quán mở xuyên đêm hay phố đi bộ trở lại đông vui vẫn còn xa nhưng chúng ta có thể nhìn thấy chúng lờ mờ chứ không vô định như trước nữa. Khi chúng ta hạ được con số tử vong vì COVID -19 xuống bằng số tử vong do cúm mùa hay những bệnh lây nhiễm khác. Dù có thể vẫn chưa tận diệt được Covid nhưng nó có thể sẽ như HIV, chúng ta sẽ sống chung được với nó một cách ít thiệt hại nhất có thể. Như một người bạn của tôi, nhiễm COVID-19 đến lần thứ 3, vẫn tươi rói. COVID-19 giống một cơn cảm cúm xuân thu nhị kỳ vậy.

Bằng những hiểu biết của mình, chúng ta có thể tránh bị lây nhiễm. Và kể cả nếu bị lây nhiễm, chúng ta sẽ không sợ hãi. Là tôi muốn những hiểu biết của chúng ta sẽ giúp chúng ta kiểm soát lại cuộc đời mình thay vì bị COVID -19 điều khiển. Là những đứa trẻ sẽ sớm được đến trường, những doanh nghiệp có thể mạnh dạn tăng tốc thay vì vừa làm vừa lo bị phong tỏa hay giới hạn. Năm mới đã bắt đầu rồi, tinh thần chiến đấu đừng bị COVID- 19 nó ám quẻ nữa. Tháng 3/2022, Việt Nam cũng sẽ mở cửa đón du khách quốc tế. Các chuyến bay sẽ nối lại cả rồi”...

Ở Hà Nội, rạp chiếu phim đã mở, học sinh đã đến trường trên cả nước. Nhiều chuyến bay quốc tế đã nối lại… Hơn tất cả, mỗi chúng ta, “chung sống” trong đại dịch tự chăm lo, giữ gìn sức khỏe cho mình và mọi người. Cùng với đó là niềm tin, yêu thương và khát vọng khi COVID-19 rồi sẽ trở thành bệnh lý cúm mùa thông thường. Để bác sĩ không phải căng mình nơi tuyến đầu chống dịch, được “trở lại bệnh viện khám bệnh tim mạch mỗi ngày” như mong mỏi của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu về một ngày không xa, khi chúng ta đã chiến thắng đại dịch…

COVID-19 sẽ trở thành bệnh theo mùa

Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện và đến nay hầu hết đều nhất trí rằng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn mọi biến thể khác. Theo ông Sergeyev, Chủ tịch Viện Khoa học Nga - TS Alexander Sergeyev nhận định đại dịch COVID-19 hiện nay sẽ trở thành bệnh theo mùa, bắt đầu từ năm 2022. Người đứng đầu Viện Khoa học Nga cho rằng những gì đang xảy ra với COVID-19 hiện nay có vẻ tương đồng với dịch cúm Hong Kong trong một số khía cạnh, như dịch bệnh nghiêm trọng, nỗi sợ hãi, việc phát triển và bào chế vaccine, thuốc điều trị. Ông cho rằng nếu có phác đồ điều trị tốt, đáng tin cậy, dịch COVID-19 có thể sẽ bắt đầu giống như bệnh cúm thông thường ngay trong năm 2022.

Đề cập đến tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 tại Nga tương đối cao, ông Sergeyev cho biết, nguyên nhân là do tỷ lệ người dân tiêm chủng thấp và hầu hết những người tử vong đều chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Đọc thêm