Bịt các "lỗ hổng" để không thể tham nhũng

(PLVN) - Chiều nay, 20/3, tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC). Giải pháp hoàn thiện thể chế qua các vụ án tham nhũng là vấn đề được các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời tại phiên chất vấn.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời tại phiên chất vấn.

Tập trung chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) và một số đại biểu khác về các giải pháp chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí khẳng định, đây là chủ trương xuyên suốt của ngành Kiểm sát trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua.

Hai nhiệm kỳ gần đây, Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ đạo toàn ngành xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ trong lĩnh vực hình sự.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Lê Minh Trí, 2 yêu cầu này có mâu thuẫn trong thực tế vì đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm sẽ dễ dẫn đến oan, sai. “Chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm rất khó khăn, thách thức đối với cơ quan tố tụng khi thực hiện chức năng nhiệm vụ”, ông Trí nói.

Vì vậy, Ban Cán sự Đảng và Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu toàn ngành phải nghiêm túc quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiểm sát viên là "công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn."

Trong công tác chuyên môn, Viện trưởng VKSNDTC trong chỉ thị công tác hàng năm đều đặt ra yêu cầu này, đồng thời có chuyên đề riêng về chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể, yêu cầu các kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định, gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu.

“Tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn…”, Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh một loạt giải pháp.

Vẫn theo Viện trưởng Lê Minh Trí, hạn chế oan, sai và bỏ lọt tội phạm thì một trong những biện pháp quan trọng là công tác cán bộ. Do đó, VKSNDTC đề ra yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại; trường hợp phải đình chỉ vì không phạm tội thì kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên nếu có hướng dẫn, chỉ đạo vụ án đó.

Viện kiểm sát cũng tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm để ngăn chặn kịp thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng ngành, đơn vị các cấp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát trong công tác Đảng cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với yêu cầu chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Bịt các “lỗ hổng” đã bị lợi dụng để tham nhũng

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát cho biết những biện pháp để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trả lời đại biểu, Viện trưởng VKSNDTC cho rằng đây là vấn đề lớn, vĩ mô liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Dưới góc độ của ngành Kiểm sát, ông Lê Minh Trí kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực, tăng cường hiệu lực hiệu quả cải cách hành chính vì có công khai, minh bạch thì sẽ kiểm soát được.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ dễ hiểu, dễ áp dụng và không thể hiểu và làm khác.

“Gần đây, hệ thống pháp luật của chúng ta được ban hành nhiều, chất lượng cũng được nâng lên nhưng tồn tại khá phổ biến hiện nay là văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời; dẫn tới người thực hiện quy định pháp luật còn nhận thức và áp dụng khác nhau và cơ quan tư pháp khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhận thức và áp dụng khác”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế chức vụ vừa qua, ông Trí kiến nghị bịt các "lỗ hổng" trong quy định đã bị lợi dụng để tham nhũng.

Đồng thời có lộ trình hạn chế tiền mặt trong đời sống xã hội, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát. “Chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực”, ông Trí nói.

Cùng với đó, ông đề nghị tăng cường chế tài trách nhiệm quản lý nhà nước nếu để xảy ra sai phạm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là những khâu, lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kiểm toán để ngăn chặn và kịp thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng giải quyết để xử lý, tăng tính răn đe…

Cùng tham gia trả lời chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hoàn thiện thể chế qua các vụ án tham nhũng là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, ngoài điều tra chứng minh hành vi phạm tội, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong điều tra các vụ án là xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục, góp phần tạo cơ chế “không thể tham nhũng” như mục tiêu đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham gia trả lời tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham gia trả lời tại phiên họp.

Điển hình, qua các vụ án trên lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ quan điều tra đã có nhiều kiến nghị về khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong đầu tư công, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thiết bị giáo dục, góp phần minh bạch các vấn đề này với mục tiêu là “làm một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, làm sao để các đối tượng tham nhũng phải bị xử lý và những người, những công ty, tổ chức đang có phương thức làm việc tương tự như vậy phải chấm dứt ngay và khắc phục hậu quả, nếu không sẽ bị xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, về mặt quản lý nhà nước cũng phải rà soát lại tất cả các quy định mà trong quá trình thực hiện bộc lộ sơ hở để các đối tượng lợi dụng, có hành vi phạm tội.

“Trong các lĩnh vực chứng khoán, tài chính, doanh nghiệp thời gian qua đã thể hiện rất rõ. Tuy số vụ án không nhiều nhưng đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm trong việc chấn chỉnh các thông tư, nghị định, pháp lệnh thậm chí cả luật để ngăn ngừa tội phạm, không để lợi dụng tham nhũng”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và khẳng định đây là vấn đề Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới.

Đọc thêm