Đường dây nóng 0982559911 báo PLVN nhận được thông tin của anh Lê Văn Thu (ở phường Hồng Hải, TP.Hạ Long) phản ánh về việc gia đình anh bị lừa đảo số tiền 550 triệu đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Tỉnh Quảng Ninh (CQĐT) vào cuộc điều tra và có kết luận rõ ràng về hành vi lừa đảo nêu trên, nhưng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Ninh nhất quyết không khởi tố bị can.
Đưa “con mồi” vào mê cung
Theo kết luận điều tra của CQĐT, cuối năm 2007, anh Lê Văn Thu có đặt cọc số tiền 550 triệu đồng để mua một mảnh đất của Đặng Thị Kim Oanh (sinh năm 1968, ở khu 6 phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long), hai bên có viết giấy mua bán đất, trong đó, thỏa thuận đến ngày 29/6/2008, Oanh sẽ giao toàn bộ giấy tờ và đất cho anh Thu và anh Thu sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại.
CQĐT hai lần đưa ra kết luận điều tra nhưng đều không được phê chuẩn
Đến thời hạn, không thấy Oanh giao đất và giấy tờ như đã cam kết, sau khi tìm hiểu, anh Thu mới té ngửa khi biết rằng, ô đất mà anh đặt cọc mua của Oanh phải… 3 năm sau mới có. Bị mua phải “vịt giời”, anh Thu đã yêu cầu Oanh trả lại số tiền đã đặt cọc nhưng bị khất hết lần này đến lần khác.
Cực chẳng đã, khổ chủ phải nhờ Đinh Xuân Vĩnh (còn gọi là Vĩnh “sâu”, chủ một hiệu cầm đồ ở khu 5 phường Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long) đòi hộ món nợ của Oanh theo phương thức chuyển nợ: Anh Thu chuyển cho Vĩnh số tiền 550 triệu đồng, Vĩnh dùng số tiền này cho Oanh vay (có thế chấp Hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ký giữa Oanh và Công ty LICOGI 2) để trả lại cho anh Thu.
Từ đó, Vĩnh sẽ có trách nhiệm truy thu khoản nợ trên của Oanh để trả cho anh Thu. Toàn bộ quá trình thỏa thuận, bàn bạc nêu trên đều được anh Thu ghi âm lại để làm bằng chứng. Sau khi hoàn tất quá trình chuyển nợ, anh Thu có yêu cầu Vĩnh viết giấy biên nhận số tiền 550 triệu đồng mà anh đã chuyển nhưng Vĩnh một mực từ chối mà chỉ đưa cho anh Thu bản Hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Oanh thế chấp để làm tin.
Ngày 26/11/2008, Oanh hoàn trả số tiền 550 triệu đồng cho Vĩnh, hai bên viết giấy biên nhận nhưng Vĩnh lại “ỉm” luôn số tiền đó, không trả lại cho anh Thu. Cuối tháng 11/2008, được sự đồng ý của Vĩnh, Oanh đã đến Công ty LICOGI 2 khai báo làm mất Hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đã được cấp hợp đồng mới, vậy nên bản hợp đồng gốc anh Thu đang giữ trở thành mớ giấy lộn.
Có sự thông đồng, móc nối?
Sau khi Vĩnh “ỉm” mất số tiền 550 triệu đồng, anh Thu đã làm đơn tố cáo, CQĐT đã vào cuộc điều tra, nhận thấy có đủ căn cứ và chứng cứ nên ngày 4/1/2010 nên đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Xuân Vĩnh về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 38 ngày 20/1/2010 không phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và yêu cầu CQĐT thu thập thêm chứng cứ.
Sau khi thực hiện yêu cầu của VKSND tỉnh Quảng Ninh, ngày 19/5/2010, CQĐT lại ra Quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Xuân Vĩnh, nhưng một lần nữa, VKSND tỉnh Quảng Ninh lại không phê chuẩn quyết định này. Quan điểm của VKSND tỉnh Quảng Ninh là dù CQĐT đã làm hết các yêu cầu điều tra nhưng vẫn chưa đủ cơ sở chứng minh Đinh Xuân Vĩnh có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và yêu cầu CQĐT rút Quyết định khởi tố bị can nhưng không đưa ra được yêu cầu điều tra tiếp theo.
Sau hai lần đưa ra kết luận điều tra, khởi tố bị can nhưng không được VKSND tỉnh phê chuẩn, CQĐT đã phải đình chỉ điều tra vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Ngày 19/10/2010, trao đổi với PLVN, ông Vũ Trọng Lĩnh (Trưởng phòng 1A – VKSND tỉnh Quảng Ninh) cho biết, vụ án này rất phức tạp, công tác đánh giá chứng cứ gặp phải nhiều khó khăn. Mặc dù đã có kết luận giám định về đoạn ghi âm cuộc trao đổi giữa các bên trong vụ việc, xác định đúng giọng nói của Vĩnh trong cuộc trao đổi này nhưng chưa đủ căn cứ thể hiện việc Vĩnh có cầm của anh Thu số tiền 550 triệu đồng. Nếu đúng là Vĩnh đã nhận số tiền trên của anh Thu thì có khả năng Vĩnh và Oanh móc nối với nhau để ăn chia số tiền của anh Thu(?).
Ông Lĩnh nói thêm, rút kinh nghiệm từ sự việc nêu trên, trong mọi giao dịch vay mượn, kể cả là tín chấp thì các bên cũng phải làm giấy tờ rõ ràng, có người làm chứng hoặc được xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Khi xảy ra tranh chấp phải báo cáo với cơ quan chức năng để xử lý theo đúng trình tự pháp luật, không nên nhờ vào những mối “quan hệ xã hội” để giải quyết như trong vụ việc trên.
Được coi là bị hại trong vụ việc trên, anh Lê Văn Thu rất bức xúc về việc đã có đủ bằng chứng, nhân chứng, băng ghi âm đã được Viện khoa học hình sự giám định, CQĐT đã ra kết luận nhưng VKSND tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ nguyên quan điểm và cho rằng chưa đủ căn cứ kết luận. Khi CQĐT và VKSND không thống nhất được quan điểm thì cơ quan nào sẽ đứng ra giải quyết quyền lợi hợp pháp của anh?
Trần Giang Nam