Bộ Công an chỉ đạo phá được nhiều vụ án đòi nợ thuê trái pháp luật

(PLVN) - Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phá được nhiều vụ án, trong đó có 2 vụ án điển hình như vụ Công ty Luật TNHH Pháp Việt.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng.

Chiều 10/4, giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại Phiên họp thứ 22, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, trong kỳ báo cáo, Bộ Công an đã tiếp nhận 51 yêu cầu trả lời của cử tri liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công an. Bộ đã có văn bản xác minh, trả lời 51/51, đạt 100% trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công an.

Về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2023 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an thống nhất với Ban Dân nguyện về việc cử tri phản ánh lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục xảy ra, việc ma túy tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam qua tiếp viên hàng không, người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo, xảy ra đòi nợ thuê, tín dụng đen, liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn…

Liên quan đến giải pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp sử dụng mạng viễn thông, mạng di động để lừa đảo, các trường hợp đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ, khủng bố người vay tiền và người thân của họ, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của cử tri, Bộ Công an đã báo cáo kịp thời với Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện 7 nhóm giải pháp giúp phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả hơn với tội phạm lợi dụng trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê trái pháp luật.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ, hiện Bộ đã chỉ đạo lực lượng Công an phân tích rõ bản chất của các loại tội phạm này, nhất là tội phạm đòi nợ thuê trái pháp luật. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phá được nhiều vụ án, trong đó có 2 vụ án điển hình như vụ Công ty Luật TNHH Pháp Việt.

Có ý kiến cử tri cho rằng, một số nơi khi giao dịch dịch vụ công, giao dịch hành chính vẫn yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về nơi cư trú. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua kiểm tra thấy rằng, thực trạng này một số nơi vẫn còn, tuy không phải là phổ biến. Bộ Công an đã có văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo quyết liệt chấm dứt tình trạng này, đồng thời triển khai thông tin tuyên truyền để người dân thấy rõ quy định pháp luật hiện hành, giảm bớt phiền hà cho người dân.

Quang cảnh Phiên họp thứ 22 chiều 10/4.

Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt công tác dân nguyện tháng 3/2023, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, có hơn 10,6 triệu lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý cho dự thảo Luật.

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm về Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; phản ánh và lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra; việc ma túy tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam thông qua tiếp viên hàng không; người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo bằng việc thông báo chuẩn hóa thông tin cá nhân của thuê bao di động, nhập mật khẩu theo đường link ngân hàng; tình trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, số lượng người muốn rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội; về giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát có khả năng xảy ra khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023…

Đáng chú ý là trong thời gian gần đây, cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy, chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

Đọc thêm