Bộ Công an: Chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn

(PLVN) -Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực trong triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn, khẳng định quyết tâm và chính sách nhất quán, tính nhân văn của hệ thống pháp luật và Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của Việt Nam nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng trong thực thi Công ước chống tra tấn, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện các khuyến nghị được đưa ra đối với Việt Nam theo Công ước chống tra tấn vào tháng 6/2022.
Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện các khuyến nghị được đưa ra đối với Việt Nam theo Công ước chống tra tấn vào tháng 6/2022.

Cụ thể, về phổ biến, tuyên truyền Công ước chống tra tấn và các quy định pháp luật trong nước có liên quan, Bộ Công an đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn. Như: các lớp tập huấn đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục của đơn vị chức năng Bộ Công an và các cơ sở đào tạo pháp luật có liên quan; cuốn sách của Bộ Công an với tựa đề “Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn” và cấp phát 10.000 cuốn cho các Bộ, ngành, địa phương...

Nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn được nêu trong Bản khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn cũng đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội như: Nghị định của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, sổ sách về công tác thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, theo dõi, quản lý người ở cơ sở lưu trú; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế khám, chữa bệnh cho phạm nhân, trại viên, học sinh và người bị tạm giữ, tạm giam…

Về hợp tác quốc tế, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực tổ chức hàng chục hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài trong tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng giảng dạy và nội dung Công ước chống tra tấn, góp phần tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của Việt Nam nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng trong thực thi Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam có liên quan.

Trong giai đoạn từ 2015 – 2021, Bộ Công an đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ, UNDP Việt Nam tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, các báo cáo viên pháp luật, các giảng viên trong trường Công an nhân dân và các cán bộ làm công tác tư pháp ở nhiều địa phương, với mục tiêu sau khi kết thúc các khóa tập huấn này, các cán bộ, chiến sĩ đó sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân.

Với cam kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm của Công ước chống tra tấn, vì mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, việc tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, đồng thời khẳng định nỗ lực, quyết tâm và chính sách nhất quán, tính nhân văn của hệ thống pháp luật và Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người, qua đó, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Đọc thêm